Nhiều năm qua, Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh (PN&TENBH) thành phố phối hợp với ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình khám sàng lọc bệnh tim cho trẻ em. Nhờ đó, nhiều trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh được phát hiện và hỗ trợ phẫu thuật kịp thời, giúp các em khỏe mạnh, học tập tốt.
Sau phẫu thuật tim, em Võ Đỗ Kim Duyên (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm) khỏe mạnh và ổn định học tập. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tiếp chúng tôi trong căn hộ chung cư khu tái định cư Thanh Lộc Đán (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), chị Đỗ Thị Thu Hằng không khỏi xúc động khi kể về quá trình phẫu thuật tim cho cô con gái nhỏ. “Cách đây khoảng 1 năm, tôi đang bán tại vỉa hè đường Nguyễn Đức Trung, thì nhận được điện thoại của nhà trường thông báo qua khám sàng lọc phát hiện con tôi bị bệnh tim bẩm sinh. Lúc đó, tôi lo lắng, một phần vì sức khỏe của con, một phần nghĩ đến gia cảnh khó khăn của mình lấy tiền đâu chữa trị”, chị Hằng nhớ lại.
Gia đình chị Hằng thuộc diện hộ nghèo. Căn hộ chung cư khu tái định cư Thanh Lộc Đán hơn 40m2 là nơi trú ngụ của gia đình chị (gồm 6 nhân khẩu) và gia đình người anh chồng. Chị buôn bán bánh lọc, bánh nậm tại vỉa hè, chồng thì làm tài xế lái xe tải. Năm 2018, chồng chị bị tai nạn giao thông, sức khỏe không thể đảm đương những công việc nặng, đành ở nhà phụ buôn bán với vợ và đưa đón con đi học. Vậy là mọi chi tiêu trong gia đình đều dồn vào gánh hàng của chị, đắp đổi qua ngày.
Chị Hằng cho biết, chi phí mổ tim của con chị là 60 triệu đồng. Số tiền phẫu thuật quá lớn, chưa kể chi phí ăn uống, đi lại, chăm sóc... Tuy nhiên, sau khi được các cấp Hội Bảo trợ PN&TENBH hướng dẫn gia đình làm thủ tục, trường hợp của con chị được hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật tim (đã trừ BHYT). “Chương trình chữa bệnh tim cho trẻ em nghèo bất hạnh như một chiếc phao cứu sinh đối với gia đình chúng tôi. Đến nay, qua mấy lần tái khám định kỳ, sức khỏe cháu ổn định. Tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp Hội PN&TENBH, các tổ chức nhân đạo và các nhà hảo tâm”, chị Hằng nói.
Ngồi bên cạnh mẹ, em Võ Đỗ Kim Duyên (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Thanh Khê) lễ phép trả lời chúng tôi, khuôn mặt vui tươi, rạng rỡ như chưa từng trải qua một cuộc phẫu thuật đầy nguy hiểm: “Dạ con thấy khỏe, đến lớp con vẫn học và chơi với các bạn bình thường. Mẹ nói sắp tới bác sĩ sẽ kiểm tra lại cho con, vậy là con khỏe rồi, ba mẹ không phải lo lắng nữa”.
Tương tự, năm 2022, gia đình cháu Mạc Như Phú Quý (sinh năm 2010, trú thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đã làm đơn gửi Ban chủ nhiệm Chương trình chữa tim bẩm sinh cho TENBH thành phố nhờ hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim. Cháu Phú Quý được phát hiện bị bệnh tim thông qua chương trình khám sàng lọc bệnh tim cho trẻ em được các ngành chức năng phối hợp tổ chức tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (huyện Hòa Vang) nơi cháu đang học vào năm lớp 7. Chị Bùi Thị Hứa, mẹ cháu Phú Quý cho biết, trước đó, cháu đi đá banh hay chạy nhảy về là than mệt, mặt mũi tím tái nhưng gia đình cứ tưởng là chơi quá sức.
Vợ chồng chị Hứa có 3 đứa con, Quý là con trai đầu, sau em còn hai em nhỏ (học lớp 4 và 3 tuổi). Chị Hứa không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy. Hoàn cảnh khó khăn khi vào năm 2020, chồng chị mất vì tai nạn, lúc đó chị đang mang thai đứa nhỏ. Ba năm qua, nhờ hưởng trợ cấp của Nhà nước và nỗ lực mưu sinh, bốn mẹ con chị sống đủ qua ngày. Đến khi phát hiện cháu Phú Quý bị bệnh tim, chi phí phẫu thuật lên đến 60 triệu đồng, chị Hứa lo lắng tột đỉnh. “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo đặc biệt, khó khăn chồng chất thì lấy đâu ra tiền cho cháu chữa bệnh. May nhờ hướng dẫn của các cấp Hội PN&TENBH, con tôi được sắp xếp lịch phẫu thuật trong năm 2023 này và được hỗ trợ kinh phí 100%. Tôi đang trông ngóng từng ngày để cháu khỏi bệnh, khỏe mạnh như bao bạn bè cùng trang lứa”, chị Hứa chia sẻ.
Cũng đang chờ mổ tim trong thời gian tới, gia đình cháu Trần Nguyễn Bảo Anh (sinh năm 2015, trú tại phường Bình Hiên, quận Hải Châu) nhen nhóm hy vọng từng ngày. Theo chị Nguyễn Ngọc Tạo, mẹ cháu Bảo Anh, tình trạng bệnh tim của cháu được phát hiện khi cháu tròn 9 tháng tuổi thông qua khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng phối hợp các ngành chức năng tổ chức khám sàng lọc tại Trung tâm Y tế phường Bình Hiên. Tuy nhiên, do cháu còn nhỏ nên đến lần khám thứ 3 tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn - nơi cháu đang theo học thì bác sĩ mới chỉ định phải can thiệp.
Gia đình chị Tạo cũng thuộc diện hộ nghèo. Hai vợ chồng đều là lao động phổ thông, vợ dọn vệ sinh theo giờ để có thời gian chăm lo con cái, chồng làm thợ sơn xe; tổng thu nhập bình quân của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Dưới Bảo Anh còn 2 em nhỏ học mầm non, một trong hai lại bị bệnh tăng động đang được can thiệp tại Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố. Hiện gia đình chị sống cùng ba mẹ chồng đều lớn tuổi.
“Nếu không có sự hỗ trợ của chương trình chữa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em thì con số kinh phí phẫu thuật đến 60 triệu đồng khiến không ít gia đình nghèo khó như chúng tôi bế tắc. Hiện nay, cứ đều đặn 3 tháng là chúng tôi chở cháu đi khám và chờ chỉ định của bác sĩ. Chúng tôi luôn hy vọng cháu sẽ có một trái tim khỏe và gánh nặng chi phí phẫu thuật không còn đè nặng nên cũng đỡ áp lực phần nào. Tôi mong muốn nhiều trẻ em nghèo chẳng may bị bệnh tật nhận được sự hỗ trợ, quan tâm như chương trình này”, chị Tạo bày tỏ.
Đây là ba trong hàng ngàn trường hợp trẻ em nghèo được bảo lãnh hỗ trợ phẫu thuật tim trong suốt 20 năm qua. Với mục tiêu “các em bị bệnh tim bẩm sinh phải được cứu chữa kịp thời”, Ban chủ nhiệm chương trình chữa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em do Hội PN&TENBH thành phố triển khai đã giúp đỡ nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ phẫu thuật kịp thời; giúp các em có sức khỏe tốt, sống vui tươi, học tập cùng bạn bè.
NGỌC HÀ