Hướng dẫn người dân lái xe an toàn qua đường bị ngập

.

Trước tình trạng ngập lụt trong đô thị diễn ra phức tạp, Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa giới thiệu cẩm nang hướng dẫn lái xe xử lý tình huống khi đi vào tuyến đường bị ngập.

Ô-tô di chuyển trong đợt mưa từ ngày 13 đến 15-10-2023. Ảnh: THÀNH LÂN
Ô-tô di chuyển trong đợt mưa từ ngày 13 đến 15-10-2023. Ảnh: THÀNH LÂN

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người điều khiển các phương tiện cơ giới trên đường bị ngập trong mùa mưa bão, Sở GTVT đã ban hành cẩm nang hướng dẫn lái xe xử lý tình huống khi đi vào tuyến đường bị ngập.

Ông Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT cho biết, thông qua phân tích và hệ thống hóa các tình huống, sở đã xây dựng cẩm nang nhằm cung cấp thông tin và hướng dẫn kỹ năng xử lý cơ bản cho người điều khiển phương tiện cơ giới, đặc biệt là ô-tô trong tình huống xe đi vào các tuyến đường bị ngập. Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập lụt và bên cạnh sự vào cuộc từ phía các cơ quan quản lý, người dân cũng cần trang bị các kiến thức cơ bản, cách xử lý tình huống thực tế.

Theo cẩm nang, việc đầu tiên là bảo đảm an toàn trước khi tiếp tục hành trình là cần chắc chắn rằng độ sâu ngập nước không vượt qua tâm bánh (trục bánh xe). Việc xác định mực nước an toàn cho xe để đi vào đường ngập nước dựa vào các xe đang chạy phía trước hoặc ở hướng ngược chiều.

“Tuy nhiên, mỗi xe có độ cao mực nước an toàn khác nhau, nếu mực nước quá sâu hoặc không thể đánh giá được tình trạng ngập nước thì nên dừng lại”, cẩm nang nêu. Khi quyết định đi qua đường ngập, lái xe nên đi số thấp, tắt tất cả các phụ tải như: điều hòa, hệ thống giải trí... để tăng khả năng vận hành của động cơ. Với xe số tự động, người lái nên chuyển chế độ S, giữ ga đều và ở tốc độ thấp. Vì khi đi đường đông, ngập nước, việc tăng ga đột ngột và phanh lại khiến nước có thể tràn vào cổ hút, xâm nhập vào máy gây hiện tượng thủy kích. Đặc biệt lưu ý: không dừng lại trong vùng ngập. Nếu bắt buộc phải dừng lại thì về số N, kéo phanh tay và vẫn giữ ga. Khi có thể tiếp tục lăn bánh, nhanh tay vào số và di chuyển qua vùng ngập.

Ngoài ra, lái xe ở vòng tua máy cao và số thấp (tùy thuộc vào loại hộp số), giữ tốc độ ổn định, giữ chân ga (động cơ đang giảm tốc có thể hút nước vào trong thông qua ống xả và làm hư hại bộ chuyển đổi xúc tác khí thải). Trong trường hợp xe bị chết máy trong vùng ngập nước thì tuyệt đối không được khởi động lại. Nếu khởi động lại sẽ có thể làm cong tay biên hoặc nặng hơn sẽ gãy tay biên và làm vỡ lốc máy. Tắt chìa khóa công tắc máy để ngắt nguồn chính cung cấp đến các phụ tải điện và hộp điều khiển để tránh không cho các thiết bị điện bị hư hỏng do chạm chập. Dùng dụng cụ tháo cọc âm ắc quy để bảo vệ các hệ thống điện trên xe.

Cẩm nang cũng lưu ý, không được mở cửa xe khi nước đã ngập cao hơn mép dưới của cửa. Vì khi mở cửa, nước sẽ tràn vào bên trong xe làm hư hỏng các hộp điều khiển. Tài xế có thể ra khỏi xe qua cửa sổ và gọi ngay cho cứu hộ.

Theo nhiều chuyên gia về kỹ thuật ô-tô, khi xe không may đi vào đoạn đường ngập nước mà không được xử lý đúng cách sẽ có nguy cơ hỏng hóc rất nặng, đồng thời có ảnh hưởng dai dẳng về sau. Chi phí để sửa chữa đối với các xe bị hỏng hóc do ngập nước khá cao và chiếc xe đó về sau sẽ khó bán. Do đó, lái xe cần tránh các trường hợp như bị thủy kích. Xe bị thủy kích luôn là nỗi lo lắng lớn nhất của hầu hết các tài xế sau khi di chuyển mắc phải những vùng ngập nước, đặc biệt những trường hợp xe bị ngập sâu.

Đây là loại hỏng hóc nặng và phải mất nhiều thời gian, tiền bạc để khắc phục. Thủy kích là hiện tượng ô-tô chết máy do nước qua đường hút gió tràn vào buồng đốt của xi-lanh khi động cơ đang hoạt động khiến cho piston bị chặn lại và nhiên liệu không thể cháy trong buồng đốt, dẫn đến chết máy. Nếu lúc này, lái xe cố khởi động lại động cơ, hệ thống hút gió sẽ tiếp tục hoạt động, các piston được trục khuỷu đẩy lên rất nhanh để nén khí gặp lực chặn của nước lọt vào buồng đốt sẽ làm ép tay biên (tay dên) biến dạng... Để hạn chế xe bị thủy kích, cần tránh tối đa việc đi xe vào nơi ngập nước.

Trong trường hợp xe đã bị ngập sâu, lái xe tuyệt đối không khởi động xe ngay mà cần đợi chiếc xe khô ráo rồi mới khởi động lại để tránh hỏng hóc không đáng có. Bên cạnh đó, là hệ thống điện. Điện là hệ thống dễ bị hư hỏng nhất khi ô-tô ngập nước. Khi nước ngập và ảnh hưởng đến hệ thống điện có thể dẫn đến nguy cơ chập điện, rất nguy hiểm. Hệ thống điện gặp vấn đề sẽ khiến đèn pha, đèn xi-nhan, đèn nội thất, hệ thống điều hòa, hệ thống âm thanh giải trí… tê liệt, thậm chí hỏng hóc toàn bộ.

Do vậy, cần kiểm tra lại và xịt khô toàn bộ tiếp điểm, giắc nối, dây diện và các cọc của bình ắc-quy trước khi khởi động xe. Ngoài ra, xe dễ hư hỏng hệ thống cung cấp nhiên liệu khi bị ngập nước, kể cả khi đậy nắp chặt, nước từ bên ngoài rất có thể sẽ lọt vào hệ thống cung cấp nhiên liệu khi chiếc xe bị ngập sâu trong nhiều giờ. Xe bị nước lọt vào bình nhiên liệu sẽ khiến ô-tô xuất hiện hiện tượng như máy rung giật, mất công suất, có tiếng kêu lớn từ động cơ, xe đang chạy bị tắt máy…

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.