Khuyến khích phân loại, xử lý chất thải thực phẩm

.

Thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố triển khai hướng dẫn, khuyến khích người dân phân loại, xử lý chất thải thực phẩm tại nhà hoặc khu dân cư để làm phân bón hữu cơ phục vụ trồng cây, làm nước lau sàn nhà... hoặc chuyển giao cho một đơn vị thu gom riêng để làm thức ăn gia súc, ủ phân bón hữu cơ...

Người dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ phân loại, bỏ chất thải thực phẩm vào thùng chứa để ủ phân hữu cơ phục vụ trồng cây.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Người dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ phân loại, bỏ chất thải thực phẩm vào thùng chứa để ủ phân hữu cơ phục vụ trồng cây. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Từ tháng 6-2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ phối hợp với Trung tâm nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB) thuộc Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, UBND phường Hòa Xuân triển khai mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại khu dân cư 24, phường Hòa Xuân. Theo đó, người dân được hướng dẫn cách làm men vi sinh từ đường, nước, bột cám để trong thùng sau một đêm hoặc chọn mua men vi sinh.

Sau đó, trộn men vi sinh với các loại chất thải thực phẩm như: phế phẩm rau, củ, quả, vỏ trái cây, thức ăn thừa... để làm phân bón hữu cơ. Sau 3 ngày ủ, phần nước được người dân đem tưới cây, còn phần chất hữu cơ đã, đang phân hủy được vun vào gốc cây rồi lấp đất giúp cho cây xanh tốt mà thân thiện môi trường.

Trong quá trình ủ phân bón hữu cơ, người dân tiếp tục rải một lớp men vi sinh lên trên bề mặt rồi bỏ thêm các loại chất thải thực phẩm phát sinh trong ngày vào để tiếp tục ủ. Một số hộ có nhà ở gần nhau có thể để một thùng ở khu đất trống rồi ủ, sử dụng chung. Những hộ dân làm nước lau sàn nhà, nước rửa chén, nước giặt... thì ủ trong một tháng, nhưng ít bọt, còn mùi khó chịu, phải ủ thêm hương liệu (tinh dầu) dừa, sả, cam, chanh... để khử mùi; tạo bọt bằng bồ hòn, bồ kết; tạo màu bằng tự nhiên bằng tinh bột nghệ...

Bà Phạm Ái Vọng (khu dân cư 24, phường Hòa Xuân) cho biết, trước đây, nhiều loại rác hữu cơ phát sinh từ việc nấu ăn, ăn uống hằng ngày được đổ chung với các loại thải bỏ khác nên rất nhiều. Nay các loại rác hữu cơ được phân loại và xử lý làm phân bón cho cây, khối lượng rác được vứt bỏ để đưa lên bãi rác Khánh Sơn đã giảm nhiều.

Ông Trần Trà, Tổ trưởng Tổ dân phố 88, khu dân cư 24 (phường Hòa Xuân) chia sẻ: “Việc phân loại, xử lý rác hữu cơ khó thực hiện hơn so với việc phân loại, tách riêng các loại rác tái chế như: kim loại, nhựa, giấy. Vì thế, chúng tôi chọn các hộ dân ở đường Hồ Trung Lượng làm thí điểm việc phân loại, xử lý rác hữu cơ. 32 hộ tham gia mô hình này với tinh thần rất cao và có trách nhiệm. Phân bón hữu cơ sau khi ủ được sử dụng để bón cho các cây xanh trồng trước nhà và trồng rau, cây ăn quả tại các lô đất trống...

Trong khi đó, tại khu dân cư 26 và 27, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, chất thải thực phẩm được các hộ dân phân loại, bỏ riêng vào thùng chứa rồi chuyển giao cho một đơn vị thu gom riêng để chế biến làm thức ăn cho gia súc và phân bón hữu cơ. Bà Mai Thị Thanh Bình, Phó bí thư chi bộ khu dân cư 26 và 27 cho biết: “Mỗi hộ gia đình trong khu dân cư có một thùng để chứa riêng thức ăn thừa, cọng rau, vỏ trái cây... rồi chuyển giao cho đơn vị thu gom. Hầu hết các hộ gia đình đều có ý thức cao về việc phân loại, chứa riêng chất thải thực phẩm”.

Việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện phân loại, xử lý chất thải thực phẩm được các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố triển khai thường xuyên. Vào ngày 8-10, Hội LHPN huyện Hòa Vang phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND xã Hòa Tiến phát động thực hiện mô hình phân loại rác sinh hoạt hộ gia đình và trao các thùng đựng chất thải thực phẩm.

Trước đó, Hội LHPN quận Sơn Trà phối hợp và Phòng Tài nguyên và Môi trường quận tổ chức hướng dẫn, triển khai thí điểm mô hình phân loại, xử lý chất thải thực phẩm để làm nước lau sàn nhà, nước giặt, nước rửa chén tại tại phường An Hải Tây. Chủ tịch Hội LHPN quận Sơn Trà Trần Thị Phương Mai cho hay, việc triển khai mô hình thí điểm này nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ trong việc phân loại rác tại nguồn và tận dụng chất thải thực phẩm để làm các sản phẩm sinh học: nước rửa chén, lau nhà; vận động người thân trong gia đình cùng thực hiện, góp phần làm khối lượng rác thải bỏ phải thu gom, vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh cho rằng, để phân loại, xử lý chất thải thực phẩm một cách bài bản thì cần phải có hạ tầng tốt, đặc biệt là phải có nhà máy chế biến thức ăn thừa và hệ thống thu gom chất thải này. Trước mắt, các đơn vị, địa phương triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các hộ gia đình phân loại, xử lý chất thải thực phẩm ở quy mô hộ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thói quen cho người dân.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Luật cũng lưu ý các hộ gia đình, cá nhân ở đô thị là chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; chất thải thực phẩm không được tận dụng như trên thì phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.