Lan tỏa những mô hình 'Dân vận khéo' tiêu biểu

.

Thành phố hiện có 678 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 16 mô hình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội được Ban Dân vận Thành ủy chọn nhân rộng trên toàn thành phố. Đến nay, các mô hình ấy ngày càng lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự và an sinh xã hội trên toàn địa bàn thành phố.

Phó trưởng ban Dân vận Quận ủy Hải Châu Trần Thị Cúc Hương cho biết, quận có 4 mô hình được triển khai, nhân rộng ở 13 phường gồm: “Phân loại và thu gom rác thải tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội”, “Vận động nguồn lực hỗ trợ hằng tháng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, “10 ngàn - Vạn yêu thương”, “Lắp đặt hộp chữa cháy công cộng”.

Sau hơn 3 tháng triển khai, bước đầu những mô hình này đem đến hiệu quả tích cực, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng. Trong đó mô hình “Phân loại, thu gom rác tái chế gây quỹ an sinh xã hội” đang được các khu dân cư (KDC) và người dân trên địa bàn quận hưởng ứng nhiệt tình nhất. Tính đến thời điểm này có hơn 320 lồng thu gom rác được đặt tại các KDC, các điểm công cộng như công viên, chợ…

Nổi bật là phường Hòa Cường Bắc có 73 lồng thu gom rác tái chế, đã bán được 70 triệu đồng gây quỹ an sinh xã hội. Mô hình “Vận động nguồn lực hỗ trợ hằng tháng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, đã vận động 75 triệu đồng từ các cán bộ, đảng viên ở các KDC hỗ trợ 49 người có hoàn cảnh khó khăn. Phường Thanh Bình duy trì “Phiên chợ 0 đồng” hằng tuần để vận động các nguồn lực hỗ trợ cho sinh viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

“Để có được những kết quả ấn tượng này chính là nhờ vào sự chỉ đạo, lãnh đạo và quan tâm sâu sát từ Ban Thường vụ Quận ủy. Đồng thời, cấp ủy các địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt khi triển khai các mô hình. Hơn nữa, các mô hình này gắn với lợi ích thiết thực của nhân dân và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng KDC, tạo được niềm tin trong nhân dân hưởng ứng tham gia thực hiện các mô hình”, bà Hương chia sẻ.

Quận Thanh Khê đang nhân rộng 7 mô hình “Dân vận khéo” theo Đề án số 04-ĐA/TU ngày 31-12-2022 của Thành ủy về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.

Phó trưởng ban Dân vận Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thị Thảo Vi cho hay, mô hình “Lắp đặt hộp chữa cháy cộng đồng” được 5/10 phường lựa chọn và triển khai. Đây là mô hình do Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Vĩnh Trung xây dựng đầu tiên, đã có tính lan tỏa rộng. Chủ tịch Hội CCB phường Ninh Công Nhương cho biết, mô hình “Lắp đặt hộp chữa cháy cộng đồng” được triển khai từ năm 2018, đến nay đã lắp 81 hộp/162 bình chữa cháy đặt tại các nhà sinh hoạt cộng đồng và các kiệt, hẻm KDC. Thời gian qua, mô hình đã phát huy hiệu quả tốt về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Cụ thể, ngày 25-2-2023 đã xảy ra 2 vụ cháy tại số 372 và K325/99/18 Hùng Vương. Cả 2 vụ đều được khống chế kịp thời, không thiệt hại về người nhờ sử dụng hộp chữa cháy cộng đồng cùng với bình chữa cháy cá nhân của hộ gia đình. Từ đó, nhân dân đã thấy được tính hiệu quả thiết thực của mô hình và ngày càng đồng tình, ủng hộ đóng góp kinh phí để duy trì mô hình.

Mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” là điểm sáng trong việc thực hiện và xây dựng chính quyền đô thị thân thiện, gần gũi với nhân dân của các phường thuộc quận Thanh Khê. Thông qua mô hình này, giải quyết kịp thời nhu cầu về thủ tục hành chính (TTHC) và tháo gỡ vướng mắc của người dân góp phần hạn chế tình trạng kiến nghị vượt cấp, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.

Phó Chủ tịch UBND phường An Khê Trần Văn Khánh chia sẻ, mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” mang lại nhiều kết quả tốt trong việc giải quyết TTHC, vướng mắc, khó khăn của nhân dân. Người dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ cách làm này của UBND phường. Vậy nên, UBND phường tiếp tục đăng ký thực hiện mô hình này trong năm đến.

Đánh giá về kết quả bước đầu trong việc thực hiện 16 mô hình “Dân vận khéo” trong năm 2023, Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Viết Phương cho hay, các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc triển khai các mô hình tiêu biểu phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến từng KDC nên được đông đảo nhân dân ở các KDC tham gia tích cực, hưởng ứng nhiệt tình. Qua đó tạo nên điểm nhấn trong công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trật tự trên địa bàn thành phố.

Thời gian đến, Ban Dân vận Thành ủy tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án số 04-ĐA/TU. Đồng thời, tổ chức thẩm định, đánh giá, công nhận các mô hình “Dân vận khéo” theo đăng ký hằng năm để lựa chọn, nhân rộng. Ban Dân vận Thành ủy sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về công tác dân vận và tổ chức trao đổi kinh nghiệm về triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” giữa các địa phương, đơn vị.

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.