Lũ trên các sông đạt đỉnh, duy trì ứng phó lũ quét, sạt lở đất

.

ĐNO - Lúc 7 giờ sáng 18-10, lũ trên sông Yên và Cu Đê đã đạt đỉnh và đang dao động. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc, 109,4 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía tây tây bắc, cách đất liền khu vực Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 170km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9. 

Theo Đài Khí tượng thủy văn thủy văn Trung Trung Bộ, dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ 19-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ vĩ bắc, 108,3 độ kinh đông, ngay trên vùng biển phía đông vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Bão đổi hướng di chuyển theo hướng bắc tây bắc với tốc độ 5km/giờ và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ sáng 20-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ vĩ bắc, 107,5 độ kinh đông với sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 9.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).
Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, khu vực phía tây nam vùng biển Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao 2-4m.

Ở khu vực vịnh Bắc Bộ từ ngày 19-10 có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển tăng cao 2-4m.

Hôm nay 18-10, khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, từ chiều và đêm nay mưa lớn giảm nhanh. Từ nay đến sáng 19-10, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, sau đó mưa lớn giảm nhanh.

Từ chiều 19-10, mưa lớn trên diện rộng kết thúc trên khu vực Trung Trung Bộ.

Các cơ quan chức năng đang xử lý tình trạng đất đá bị nước cuốn trôi, sạt lở từ đường vành đai phía tây xuống khu vực dân cư thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: PV
Các cơ quan chức năng đang xử lý tình trạng đất đá bị nước cuốn trôi, sạt lở từ đường vành đai phía tây xuống khu vực dân cư thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Ảnh: PV

Trong sáng 18-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất…; sẵn sàng các hoạt động sơ tán nhân dân, nhất là tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở...

Đồng thời, tổ chức chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá…, không cho người dân đi vào các khu vực nguy hiểm; nghiêm cấm người dân, phương tiện đi lại tại các khu vực ven sông, suối, hồ đập và các khu vực ngập lụt để đánh bắt thuỷ sản; quản lý và bảo vệ trẻ em trong những ngày mưa lũ để bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, tuyên truyền các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức trên địa bàn khi dọn dẹp vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ phải bảo đảm an toàn (lưu ý các thiết bị điện, trượt té ngã,…).

Các đơn vị tiếp tục bảo đảm an toàn cho tàu thuyền neo đậu tại các khu neo đậu, trú tránh; duy trì liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.