Ngập lụt đô thị và phương án dự phòng cho tương lai

.

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã chứng kiến tình hình mưa lũ trở nên khó lường, phức tạp và khả năng ngập tăng lên nhanh chóng. Mặc dù thành phố đã có nhiều giải pháp ứng phó nhưng thực tế cứ mưa là ngập. Đô thị hóa và bê-tông hóa cơ sở hạ tầng xây dựng khiến tỷ lệ bề mặt không thấm nước của đô thị tăng cao trong khi hệ thống thoát nước không đủ công suất đáp ứng khi gặp lượng mưa lớn và diễn ra trong thời gian dài.

Cơ sở hạ tầng đô thị an toàn và tin cậy là một trong những nền tảng của một nền kinh tế. Đà Nẵng đang hướng tới trở thành một trong những đô thị thông minh, thành phố ưu tiên phát triển mười sáu lĩnh vực trong nhóm sáu trụ cột chính (quản trị thông minh, đời sống thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, công dân thông minh, giao thông thông minh). Việc ưu tiên phát triển này đòi hỏi thành phố phải mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng (hạ tầng giao thông, hạ tầng ngầm, các khu đô thị…). Song song với việc mở rộng này là sự gia tăng với nhiều rủi ro và đối mặt với nhiều hiện tượng khí tượng và địa chất thủy văn bất lợi (ví dụ: mưa lớn, lũ lụt, xói mòn, lở đất...) với tần suất tăng dần.

Những hiện tượng này tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến hệ thống hạ tầng đô thị. Tác động trực tiếp là những thiệt hại vật chất đối với cấu trúc của hệ thống đô thị phát sinh từ lũ. Tác động gián tiếp là tác động đối với người tham gia giao thông và các hoạt động giao thông như lỗi phương tiện, ùn tắc giao thông, hủy bỏ kế hoạch di chuyển, giảm khả năng ứng phó khẩn cấp, tăng lượng khí thải... Thiệt hại kinh tế do tác động trực tiếp có thể được đánh giá định lượng, trong khi tác động gián tiếp khó ước tính chính xác do có quá nhiều yếu tố chi phối.

Thiên tai liên tục trong những năm qua đã cho thấy hệ thống thoát nước tại Đà Nẵng và các đô thị ven biển miền Trung hiện chưa đáp ứng năng lực thoát. Việc phân tích, đánh giá tốc độ hồi phục của đô thị sau trận lũ trong việc tiếp cận các dịch vụ, sửa chữa và tái thiết cấu trúc đảm bảo các hoạt động trở lại bình thường sau lũ vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn. Bài toán này càng trở nên cấp thiết hơn trong năm nay, khi mới chỉ vào mùa mưa lại bị ngập.

Để giải quyết triệt để ngập úng ở Đà Nẵng, cần xem xét đánh giá kỹ các công trình thoát nước, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch thoát nước, thoát lũ trên toàn thành phố. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch dự phòng cụ thể, và tạo sự nhận thức và đồng thuận trong cộng đồng là rất quan trọng. Chỉ khi mỗi gia đình và cộng đồng đều được chuẩn bị tinh thần và có phương án dự phòng hợp lý, chúng ta mới có khả năng đối phó hiệu quả với những thách thức lũ lụt trong tương lai và xây dựng đô thị bền vững.

PHƯƠNG MINH

;
;
.
.
.
.
.