Nơi cưu mang trẻ bất hạnh

.

Qua 17 năm thành lập Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng (thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố) không chỉ là nơi chăm sóc, dạy học, dạy nghề, phục hồi chức năng cho những nạn nhân da cam, trẻ khuyết tật, mà còn là nơi gieo hy vọng, tiếp thêm ý chí, nghị lực để các em vươn lên hòa nhập cộng đồng, vượt qua mặc cảm, tự ti trong cuộc sống.

Trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng được tạo điều kiện học nghề may mặc. Ảnh: N.Q
Trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng được tạo điều kiện học nghề may mặc. Ảnh: N.Q

Xoa dịu nỗi đau da cam

Theo Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Tô Năm, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng thành lập năm 2006, hiện có 2 cơ sở (cơ sở 1 tại số 15 Nguyễn Văn Huề, quận Thanh Khê và cơ sở ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang).

Hiện nay, trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, đào tạo nghề, dạy học cho gần 100 trẻ em là nạn nhân da cam, trẻ khuyết tật. Ngoài ra, đây cũng là đơn vị đại diện cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam.

Những năm qua, công tác chăm sóc, đưa đón, tổ chức ăn uống cho trẻ tại trung tâm được bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các em được đánh giá mức độ khuyết tật và khả năng học tập để phân loại về các lớp giáo dục phù hợp để từng bước tiến bộ. Hằng năm, trung tâm kết hợp với các hội, đoàn thể tổ chức vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động dã ngoại, giúp các em vui vẻ, lạc quan, thêm nghị lực vươn lên.

Với nhiều nỗ lực của thầy cô, cán bộ tại trung tâm đã giúp nhiều em trang bị kỹ năng sinh hoạt xã hội, đủ điều kiện về hòa nhập cùng gia đình, cộng đồng. Đặc biệt, trung tâm chú trọng khảo sát, sàng lọc các em có khả năng học nghề nhằm hướng dẫn một số nghề đơn giản như làm hoa voan, hoa cườm, làm hương, học may. Nhiều em nỗ lực học nghề hiệu quả được trung tâm giới thiệu việc làm sau khi về hòa nhập cộng đồng.

Chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam trên cơ thể, anh Nguyễn Ngọc Phương (sinh năm 1981, trú Liên Chiểu) chỉ cao 95cm, nặng 20kg. Hơn 10 năm về trước, anh Phương được trung tâm tạo điều kiện học nghề làm hương. Với sự nỗ lực không ngừng, anh được giữ lại trở thành giáo viên dạy nghề sản xuất hương tại cơ sở 1. Anh Phương bộc bạch: Tôi rất xúc động bởi những cố gắng của bản thân được đền đáp sau khi được tạo điều kiện trở thành giáo viên dạy nghề làm hương tại Trung tâm. Tôi sẽ tiếp tục lan tỏa ý chí, kinh nghiệm của bản thân dạy nghề cho các trẻ em nạn nhân da cam để sau này có điều kiện vươn lên”.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Theo ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng, thời gian qua, trung tâm nhận được sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước, mạnh thường quân trong việc hỗ trợ xây dựng, mở rộng các phòng học văn hóa, học nghề, làm đường bê-tông và khu vực chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Từ đó, hoạt động tại Trung tâm ngày càng được mở rộng và phát triển. Việc chăm sóc, giáo dục, phục hồi trẻ đạt hiệu quả cao, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Mặc dù vậy, Trung tâm hoạt động dựa trên nguồn kinh phí vận động được nên có sự khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên. Số lượng cán bộ, nhân viên tại 2 cơ sở có 20 người với mức lương bình quân từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều nhân viên có thâm niên làm việc gần 15 năm, kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau, làm việc kể cả những ngày nghỉ, lễ, Tết, nhưng mức lương như trên chưa bảo đảm ổn định đời sống.

Cô Nguyễn Thị Kim Yến (SN 1969, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) gần 15 năm làm công tác dạy văn hóa, kỹ năng sống cho trẻ em tại cơ sở ở Hòa Nhơn nhưng mức lương hiện nay chỉ hơn 3 triệu đồng/1 tháng. Cô Kim Yến chia sẻ: “Hằng ngày đến Trung tâm thấy các em mạnh khỏe, vui đùa, chăm chỉ học tập, chính là động lực để chúng tôi vượt qua những khó khăn, cùng nhau cố gắng”.

Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Tô Năm cho biết: “Trung tâm tiếp tục nỗ lực chăm sóc, dạy học, dạy nghề, phục hồi chức năng cho cho trẻ em da cam, trẻ khuyết tật. Từ đó, cổ vũ khát vọng sống, từng bước xoa dịu nỗi đau da cam, giúp các em vươn lên hòa nhập cộng đồng, xứng đáng là mái nhà ấm áp để phụ huynh yên tâm gửi gắm.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.