Sớm thi công, vận hành các công trình chống ngập úng

.

Hiện các đơn vị đang tập trung thi công, vận hành sớm 6 công trình chống ngập úng và đang chuẩn bị đầu tư dự án khắc phục 3 điểm ngập úng khác; đồng thời nghiên cứu, đề xuất chủ trương xử lý căn cơ các điểm ngập úng lâu năm cũng như mới phát sinh.

Trạm bơm chống ngập ở đường Yên Khê 2 đã được thi công cơ bản hoàn thành và bắt đầu vận hành thử trong trận mưa ngày 25-9-2023. Ảnh: H.HIỆP
Trạm bơm chống ngập ở đường Yên Khê 2 đã được thi công cơ bản hoàn thành và bắt đầu vận hành thử trong trận mưa ngày 25-9-2023. Ảnh: H.HIỆP

Tháo gỡ vướng mắc

Thời gian qua, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thực hiện các hạng mục dự án Cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn quận Thanh Khê. Đến nay, một số hạng mục đã cơ bản hoàn thành thi công, đưa vào vận hành, góp phần làm giảm ngập tại 3 điểm ngập úng gồm: kiệt 96 Điện Biên Phủ, đường Hà Huy Tập đoạn xung quanh Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ và kiệt 818 Trần Cao Vân. Đặc biệt, trạm bơm chống ngập ở đường Yên Khê 2 đã đưa vào vận hành thử trong đợt mưa lớn xảy ra vào ngày 25-9-2023 không chỉ làm giảm ngập úng tại kiệt 818 Trần Cao Vân, mà còn góp phần bảo đảm thoát nước khu vực dọc tuyến cống liên phường Xuân Hà - Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê).

Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng cũng hoàn thành thi công tuyến cống số 1 dọc theo tuyến mương Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê). Tuy nhiên, khu vực dân cư bên cống thấp trũng và thấp hơn mực nước sông Phú Lộc khi có triều cường và sóng biển lớn do bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động gần bờ nên tình trạng ngập úng chưa giải quyết được. Mặt khác, tuyến cống số 2 phân chia nước cho khu vực dân cư này chưa được thi công nên mỗi khi trời mưa, lưu lượng nước lớn từ thượng lưu vẫn đổ về gây ngập sâu.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Phan Trọng Tài, tuyến cống số 2 chưa triển khai thi công được vì Cục Đường sắt Việt Nam không đồng ý cho cống băng qua đường sắt, nên đơn vị đang đề xuất điều chỉnh quy hoạch.

Đối với điểm ngập úng ở khu vực cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh, thời gian qua, UBND quận Liên Chiểu đã tích cực giải phóng mặt bằng dự án Tuyến đường Trục 1 Tây Bắc, đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến nút giao quốc lộ 1A (đường Nguyễn Lương Bằng) và đường Nguyễn An Ninh nối dài, đoạn từ đường sắt đến quốc lộ 1A (đường Nguyễn Lương Bằng), đặc biệt là tuyến cống thoát nước nối từ cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh đến hồ Bàu Sấu.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy cho biết, đến nay, mặt bằng đã cơ bản đáp ứng thi công khớp nối hạ tầng kỹ thuật dự án nói trên. Nhà thầu đang tập trung thi công đấu nối hạ tầng kỹ thuật và nút giao giữa đường Trục 1 - Tây Bắc với cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh. Còn đối với đoạn nút giao giữa đường Nguyễn An Ninh với đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã thống nhất phương án thỏa thuận liên quan đến khớp nối hạ tầng kỹ thuật đoạn băng qua đường sắt.

Ban quản lý đang đề xuất điều chỉnh dự án để bổ sung khối lượng thi công của đoạn băng qua đường sắt rồi mới triển khai đấu thầu để thi công. Đối với điểm ngập úng ở xung quanh đồi Trung Sơn, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), do vướng giải phóng mặt bằng nhiều năm, dẫn đến chậm thi công tuyến kênh thoát nước chính nối từ kênh dọc đường số 4 của Khu công nghiệp Hòa Khánh ra sông Cu Đê; công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, nhà thầu đang tập trung thi công đoạn còn lại của tuyến kênh.

Nghiên cứu, đề xuất, triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư

Bên cạnh các công trình, dự án xử lý 6 điểm ngập úng nói trên, các đơn vị, địa phương còn triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình xử lý 3 điểm ngập úng, gồm khu vực đường Trần Xuân Lê (quận Thanh Khê), đường Tống Phước Phổ (quận Hải Châu), đường Lê Tấn Trung (quận Sơn Trà). UBND thành phố cũng vừa giao UBND quận Sơn Trà phối hợp Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng khẩn trương phối hợp hoàn thiện phương án đầu tư xây dựng tuyến đường Huyền Quang kết hợp hệ thống thoát nước chính, để giải quyết căn cơ tình trạng ngập úng tại khu vực đường Lê Tấn Trung và vùng phụ cận.

Sở Xây dựng phối hợp UBND quận Thanh Khê, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng và các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án đầu tư sửa chữa tuyến cống nối giữa hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung và hồ Công viên 29 Tháng 3, nhằm tăng khả năng điều tiết nước tại khu vực khi có mưa lớn, góp phần làm giảm ngập úng khu vực trung tâm thành phố như: đường Lê Duẩn, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh...

UBND thành phố giao các đơn vị liên quan hoàn thành các thủ tục để thi công cải tạo hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường nội thị như: Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Ông Ích Khiêm, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Lê Lợi. Cùng với đó, đánh giá hiệu quả thoát nước của tuyến cống tây nam Hòa Cường khi nước sông Hàn dâng cao do có lũ từ các sông Vu Gia chảy về kết hợp triều cường, sóng lớn để nghiên cứu giải pháp thoát nước cho khu vực đường Lê Thanh Nghị, Phan Đăng Lưu, Núi Thành...

Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chống ngập khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng (cải tạo tạo các hồ trong sân bay, bổ sung các tuyến cống thoát nước), xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn tại vị trí qua kênh Phong Bắc (quận Cẩm Lệ). Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng và các đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt với ưu tiên quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa bê-tông hóa nếu không thật sự cần thiết; lựa chọn chu kỳ lặp lại trận mưa tính toán cao hơn yêu cầu tối thiểu theo QCVN 01:2021/BXD trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt và các dự án thoát nước được đầu tư xây dựng mới...

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho rằng, hiện trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm để góp phần làm giảm ngập úng cho thành phố. Theo đó, các nhà thầu đang tập trung thi công các công trình và chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chống ngập. Về tương lai, sau khi những công trình, dự án chống ngập được hoàn thành và đưa vào vận hành cũng như khắc phục được các khó khăn, vướng mắc để khớp nối hạ tầng giữa khu đô thị cũ và mới, thì sẽ giải quyết tốt vấn đề ngập úng trên địa bàn thành phố. 

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.