ĐNO - Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh vừa có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, các hội, đoàn thể, tổ chức trên địa bàn thành phố tập trung ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.
Video: QUANG CƯỜNG - HOÀNG HIỆP
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền Trung và các chỉ thị, công điện... của thành phố về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện tăng cường thông tin, truyền thông công tác ứng phó mưa lớn, lũ và bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau thiên tai;
Đề nghị các cơ quan báo, đài thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền về diễn biến mưa lũ, sạt lở đất, đá... để chính quyền các cấp và nhân dân biết, chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện đi lại.
Chủ tịch UBND các quận huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong thiên tai, nhất là tại các khu vực dân cư ở những vùng trũng, thấp, ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, nhà cửa không kiên cố...
Đồng thời, sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; tổ chức lực lượng canh gác, tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn; sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị xử lý các tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ nạo vét, khơi thông cống thoát nước thuộc phạm vi quản lý để hạn chế tình trạng ngập cục bộ; vận động người dân khơi thông, không làm cản trở dòng chảy tại kênh, mương, cửa thu nước mưa trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước;
Kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình trái phép, gây cản trở thoát lũ, dòng chảy ở các khu vực, tự ý tích nước để tổ chức sản xuất trái quy định của pháp luật.
Các đơn vị, lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập úng, chủ động có giải pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống do thiên tai có thể gây ra.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo tập trung triển khai phương án phòng chống ngập úng, khơi thông cống rãnh, vệ sinh cửa thu nước mưa; chỉ đạo Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng tiếp tục triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập và hồ chứa nước Nam Mỹ.
Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện và các sở, ban, ngành chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án khẩn trương tổ chức phòng chống mưa lũ và sạt lở đất cho công trình; phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng do mưa lớn cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng chống sạt lở đất đá trên địa bàn thành phố và phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức dọn vệ sinh môi trường sau mưa lũ.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, bảo đảm an toàn và thông suốt các tuyến giao thông chính; chỉ đạo khẩn trương rà soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở đất đá, triển khai ngay các giải pháp an toàn và cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm; tham gia điều tiết giao thông tại các khu vực xảy ra ngập úng, sạt lở đất đá...
Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, UBND các quận, huyện... trên địa bàn thành phố theo dõi diễn biến của thời tiết, mưa lũ trong các ngày tiếp theo để quyết định cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên nghỉ học để bảo đảm an toàn, nhất là tại các vùng trũng, thấp, ngập lũ, nguy cơ sạt lở đất...
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thường xuyên kiểm tra đánh giá an toàn các đập, hồ chứa nước trên địa bàn;
Sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn công trình; vận hành hồ chứa theo đúng quy trình và phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt;
Phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân và phương tiện đi lại trong hồ và tràn xả lũ; kịp thời thông báo cho UBND các quận, huyện, các xã cảnh báo cho nhân dân biết, chủ động phòng tránh...
Trước đó, tối 13-10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh kiểm tra thực tế tình hình ngập úng và chỉ đạo sơ tán nhân dân ở khu vực Khe Cạn, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê và đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang và các đoàn thể triển khai lực lượng, phối hợp hỗ trợ sơ tán, ứng cứu nhân dân ở các khu vực bị ngập sâu đến nơi cao ráo, an toàn. Đồng thời, bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho nhân dân.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, các lực lượng vũ trang, đơn vị, địa phương ứng trực, tiếp nhận, tổng hợp đầy đủ thông tin, kịp thời báo cáo cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố để triển khai xử lý các tình huống nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân ở các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Sơ tán hơn 2.300 người
Sáng 14-10, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng (tính đến 6 giờ), dự báo từ ngày 14 đến sáng ngày 16-10, trên địa bàn thành phố tiếp tục có mưa lớn và dông. Tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm.
Thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc) đang ngập sâu do lũ quét trên sông Cu Đê (ảnh chụp sáng 14-10). Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo đó, tại quận Thanh Khê, một số khu vực nước đang dâng lên và trong tình trạng ngập. Cụ thể, khu vực kênh Phần Lăng, nước vẫn tràn lên đường Nguyễn Đình Tựu (đoạn từ Cù Chính Lan đến đầu đường Lê Thị Tính); khu vực An Xuân 1, 2 (đoạn từ đường Cù Chính Lan - Nguyễn Đình Tựu đến nhà Trẻ Khai Trí, Huỳnh Ngọc Huệ từ số 100 đến 126; đường Nguyễn Đình Chiểu - Trường Chinh vẫn ngập 0,3m…
Tại khu vực Khe Cạn, nước ngập trên 1m. Tại khu vực đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu), nước đang dâng lên. Qua camera giám sát của Trung tâm IOC (lúc 6 giờ), một số tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng - Bắc Sơn, Nam Trân, Tân Trào, Vương Thừa Vũ - Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ… đang ngập khoảng 20-25cm.
Qua thống kê, số lượng tàu thuyền neo đậu tính đến 4 giờ 30 ngày 14-10 là 952 tàu cá, gồm 425 tàu Đà Nẵng, 527 tàu ngoại tỉnh và ghe chèo, xuồng máy nhỏ.
Chính quyền xã Hòa Bắc đang vận động 1 hộ dân sơ tán, tránh nguy cơ sạt lở đất đá. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tổng số người sơ tán trên địa bàn thành phố là 2.316 người, trong đó, sơ tán tập trung 194 người, sơ tán tại chỗ 2.122 người. Riêng tại huyện Hòa Vang, tổng số hộ di dời là 13 hộ, 50 khẩu; trong đó, xã Hòa Sơn di dời 6 hộ (21 khẩu) tại khu vực Núi Sọ thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Bắc di dời 7 hộ (29 khẩu) thôn Tà Lang. Quận Liên Chiểu di dời, sơ tán 1.870 người, trong đó, sơ tán tại chỗ là 1.776 người, sơ tán tập trung 94 người…
Về tình hình thiệt hại, 9,5ha rau màu tại vùng rau La Hường và Gò Soi bị ngập úng; sạt lở tại vị trí km 905+600 đường đèo Hải Vân (quận Liên Chiểu). Hiện nay, các lực lượng chức năng cùng các địa phương vẫn đang tập trung công tác ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở và vận động người dân sơ tán đến nơi an toàn.
HOÀNG HIỆP - VĂN HOÀNG - QUANG CƯỜNG - HOÀNG TUẤN