Theo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2023 (từ tháng 10-2022-10-2023) đều đạt và vượt, trong đó nổi bật là việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái - Ảnh: VGP/LS |
Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt trên 20.000 tỷ đồng
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, TS. Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) cho biết, ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết 01-NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu: "Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về THADS, thi hành án hành chính. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài".
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động của ngành tư pháp, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu về công tác THADS, hành chính; Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã giao chỉ tiêu cụ thể đến từng cục, chi cục THADS và chấp hành viên, kèm theo là việc đề ra với những giải pháp rất cụ thể đối với từng chỉ tiêu nhiệm vụ.
Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS, định kỳ (nhất là vào những tháng cuối của năm công tác), kết quả thi hành án được gửi đến chủ tịch UBND, trưởng ban chỉ đạo THADS các cấp để kịp thời nắm bắt tình hình, tiến độ và có biện pháp đôn đốc, chỉ đạo cơ quan THADS thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Tại nhiều địa phương, công tác THADS tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ phải báo cáo tại các cuộc họp giao ban nội chính của ban nội chính, thường trực tỉnh ủy, thành ủy.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục THADS, năm 2023, số thụ lý mới về việc và giá trị tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, trong khi phải thực hiện việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu, thách thức lớn cho toàn hệ thống THADS. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, linh hoạt của Chính phủ, Bộ Tư pháp, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống THADS, đến nay các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về cơ bản được đánh giá là đạt và vượt chỉ tiêu.
Kết quả về tiền đã thi hành xong trên 89.000 tỷ đồng, tăng trên 14.000 tỷ đồng so với năm 2022. Nổi bật trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt trên 20.000 tỷ đồng.
Đạt được kết quả trên, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản thu hồi tiền cho Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Theo đó, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo sát sao tiến độ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, định kỳ hàng tháng, hàng quý, hoặc đột xuất trực tiếp làm việc với các cơ quan THADS; chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản.
Hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác THADS
Công tác THADS không còn được xác định là chỉ riêng của ngành tư pháp và hệ thống THADS, mà có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ở Trung ương, Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã quan tâm, hỗ trợ tích cực đối với Bộ, ngành tư pháp và hệ thống THADS.
Tổng cục THADS cũng đã chủ động, phối hợp liên ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác thu hồi tài sản, tổ chức nhiều cuộc họp, cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cơ quan THADS xử lý tài sản bảo đảm thi hành án. Một số vụ việc đặc biệt khó khăn, vướng mắc tiếp tục được nghiên cứu, rà soát và đề xuất phương án giải quyết theo cơ chế tổ công tác theo Quyết định số 153-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS cũng kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản kê biên trong quá trình cơ quan THADS xử lý tài sản, bản án tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án mà có yêu cầu phân chia tài sản chung.
Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm.
Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cũng thường xuyên phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế để có giải pháp phù hợp (trong đó vấn đề số việc và tiền thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, kết quả thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao; vẫn còn một số trường hợp vi phạm pháp luật).
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái cho rằng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác THADS cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quản lý nhà nước, hạn chế phát sinh các tranh chấp phức tạp trong xã hội; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp của các cơ quan hữu quan ngay từ giai đoạn thanh tra, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử đến thi hành án.
"Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để tạo hành lang pháp lý đảm bảo việc tổ chức thi hành án được hiệu quả, chính xác, đúng pháp luật. Việc tổ chức thi hành các quy định của pháp luật cần có các hoạt động sơ kết, tổng kết để kịp thời đánh giá, rà soát, xác định các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện", Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh.
Đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Tổng cục trưởng nhấn mạnh: Phải không ngừng đổi mới, đảm bảo tính linh hoạt, chủ động, đặc biệt là vai trò chủ động của các cơ quan THADS địa phương trong tổ chức thi hành án.
Ở từng thời điểm nhất định cần xác định rõ, cụ thể những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo giải quyết. Kết hợp nhuần nhuyễn công tác chỉ đạo, điều hành với công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công tác tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ. Tích cực, chủ động trong công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để quyết liệt, sâu sát, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác THADS tại từng địa phương.
Theo baochinhphu.vn