Quy hoạch xây dựng huyện Hòa Vang đạt đô thị loại IV

.

Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã trực thuộc thành phố trong thời gian sớm nhất.

Phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã. Trong ảnh: Đường Nguyễn Tất Thành nối dài tại xã Hòa Liên nối khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố với các tuyến đường tránh phía nam Hầm đường bộ Hải Vân, Túy Loan. Ảnh: Xuân Sơn
Phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã. TRONG ẢNH: Đường Nguyễn Tất Thành nối dài tại xã Hòa Liên nối khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố với các tuyến đường tránh phía nam Hầm đường bộ Hải Vân, Túy Loan. Ảnh: XUÂN SƠN

Phương án xây dựng quy hoạch vùng huyện và tổ chức khu vực nông thôn bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện với tổng diện tích tự nhiên khoảng 73.317ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 430.000 người, trong đó, dân số thường trú khoảng 380.000 người.

Cụ thể, phân vùng không gian gồm hai tiểu vùng dân cư nông thôn là tiểu vùng Đông Bắc gắn với tiểu vùng dân cư phía bắc Hòa Vang, gồm 4 xã: Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn. Khu vực phát triển trọng tâm tại phía đông Khu Công nghệ cao và dưới chân núi Bà Nà, trung tâm tiểu vùng tại khu vực xã Hòa Liên gắn với tổ hợp đô thị - công nghiệp công nghệ cao; tiểu vùng Đông Nam gắn với tiểu vùng dân cư phía nam Hòa Vang, gồm 7 xã: Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, trung tâm tiểu vùng đồng thời là huyện lỵ huyện Hòa Vang đặt tại xã Hòa Phong và một tiểu vùng sinh thái, tiểu vùng sinh thái phía Tây: khu vực rừng, núi và đồi phía tây thuộc các xã: Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Khương.

Đồng thời, phân vùng chức năng gồm 4 vùng: vùng công nghiệp công nghệ cao: định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung, công nghiệp hỗ trợ thông qua việc khai thác lợi thế các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin, khu công nghệ cao có sẵn và hình thành các khu công nghiệp mới, mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, hình thành các trọng điểm, đầu mối giao thương về công nghiệp, logistics cho toàn vùng; vùng phát triển dân cư: hình thành cụm dân cư tập trung với hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ tại các tiểu vùng Đông Bắc, Đông Nam, đáp ứng nhu cầu ở của lực lượng lao động trong vùng; vùng du lịch sinh thái: phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng và cộng đồng với trọng điểm là khu vực Tây Nam (xã Hòa Ninh, Hòa Phú và Hòa Khương) và khu vực Tây Bắc (xã Hòa Bắc); vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: khai thác vùng sản xuất phía nam thuộc các xã Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với loại hình du lịch nông nghiệp.

Song song, tổ chức lại không gian, cơ cấu chức năng các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa tiệm cận theo các tiêu chuẩn khu đô thị gắn với gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống. Tạo lập các khu vực dự trữ phát triển cho các giai đoạn sau năm 2030, sau năm 2045. Khu vực nông thôn tập trung tại huyện Hòa Vang, bao gồm khu dân cư nông thôn, các làng nghề truyền thống được cải tạo, chỉnh trang, các khu nhà vườn gắn kết với các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, cộng đồng, bảo tồn thiên nhiên, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hiện có. Bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, địa hình, không gian xanh tự nhiên, phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước nhằm tạo lập hình ảnh đặc trưng.

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho biết, định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện với diện tích chiếm hơn 70% diện tích đất liền thành phố bao trọn toàn bộ vùng sườn đồi, cụm công nghiệp công nghệ cao, cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là cụm trung tâm phát triển kinh tế - xã hội thành phố bao gồm trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu du lịch sinh thái núi, đồi... và phát triển không gian đô thị toàn thành phố tổ chức thành 12 phân khu, trong đó 3 phân khu nằm toàn bộ tại huyện (đô thị sườn đồi, dự trữ phát triển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và 4 phân khu có một phần thuộc huyện (công nghệ cao, trung tâm lõi xanh, đổi mới sáng tạo, sinh thái phía Tây). Vì vậy, để triển khai quy hoạch vùng huyện đi đúng hướng, UBND huyện cần triển khai và phối hợp đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tuần tự 5 bước gồm: lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Vang; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình phát triển đô thị; lập, thẩm định, phê duyệt đề án công nhân đô thị loại IV; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá hạ tầng đô thị; lập, thẩm định, phê duyệt Đề án thành lập thị xã, thành lập xã lên phường.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), cho rằng để triển khai theo đúng định hướng, huyện cần cụ thể hóa lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng rõ ràng từng việc, từng ngành, từng phân khu và các khu chức năng. Đối với xây dựng quy hoạch vùng huyện phải bắt đầu quy hoạch chung, lập quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết rồi mới có thể triển khai dự án. Đó là quy trình thực hiện để huyện hoàn thành các phương án quy hoạch, sớm đạt tiêu chí đô thị loại IV, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện trở thành thị xã.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.