Sản phẩm thủ công độc đáo của người khuyết tật

.

Nhiều sản phẩm thủ công đẹp mắt, tinh tế được làm bởi chính đôi bàn tay của người khuyết tật trên địa bàn thành phố. Những sản phẩm này không chỉ tạo việc làm, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương đến với khách du lịch.

Anh Hứa Văn Minh nói về cơ duyên làm đồ lưu niệm bằng tăm tre. Ảnh: KHÁNH NGÂN
Anh Hứa Văn Minh nói về cơ duyên làm đồ lưu niệm bằng tăm tre. Ảnh: KHÁNH NGÂN

Quảng bá du lịch địa phương

Trong quá trình lao động, chẳng may bị đá rơi trúng người gãy cột sống khiến anh Hứa Văn Minh (SN 1982, quận Sơn Trà) liệt nửa người. Từ một người khỏe mạnh, là chỗ dựa cho cả gia đình, anh trở thành người tật nguyền. Nhưng nhờ tình yêu thương, động viên của cả gia đình, anh nỗ lực vượt qua số phận và hành trình đến với sản phẩm thủ công làm từ tăm tre bắt đầu từ đó.

Năm 2014, với 3 tháng thực hiện, anh cho ra mắt sản phẩm đầu tay là tháp Eiffel. Tiếp đến là Ngọ Môn Huế, anh hoàn thiện chỉ trong vòng 10 ngày. Anh cho biết, giai đoạn đầu anh nhờ gia đình đến các cửa hàng mua nguyên vật liệu. Thời gian sau, anh sắm một chiếc xe ba bánh tự đi tìm nguồn nhập tre và đi chào bán cho các tiệm lưu niệm.

Đối với những sản phẩm đầu tiên ra mắt, anh ký gửi ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm du lịch tại Đà Nẵng và nhận được nhiều sự hưởng ứng, cùng với đó là những ý kiến đóng góp. Anh tham khảo, học hỏi và điều chỉnh ngay. Chính vì vậy, những sản phẩm về sau có thiết kế độc đáo và tinh tế hơn, thu hút được nhiều lượng khách hàng tìm đến.

Qua tìm hiểu, thấy sản phẩm lưu niệm du lịch có rất ít trên thị trường, anh đã nghiên cứu và chọn biểu tượng Trung tâm Hành chính thành phố cùng các cây cầu tại thành phố để làm mô hình quà lưu niệm. Khách hàng đặt mua qua mạng xã hội, các sản phẩm mô phỏng bằng tăm tre như: cầu Rồng, cầu Thuận Phước, thành Đại nội Huế, nhà rông Tây Nguyên... Mỗi sản phẩm có giá từ 700.000 - 1,5 triệu đồng tùy theo kích thước khách yêu cầu.

Nói về quy trình thực hiện, anh tâm sự: “Trước khi thực hiện sản phẩm, tôi phác họa bản vẽ, thực hiện theo tỷ lệ khách yêu cầu và triển khai lắp ráp. Tăm tre tôi mua từ Hội Người mù thành phố. Mỗi sản phẩm tôi thực hiện mất ít nhất 3-4 ngày”.

Trung bình mỗi tháng, anh kiếm được 5-7 triệu đồng từ các sản phẩm lưu niệm này. Nhưng với anh, đây không chỉ là một công việc mang lại thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn là niềm đam mê sáng tạo. Được đóng góp sức lực nhỏ bé vào việc đưa hình ảnh của quê hương đến với khách du lịch, anh bảo anh rất vui và đó cũng là động lực để không ngừng học hỏi, tìm tòi phát triển mỗi ngày.

Vươn lên trong cuộc sống

Đoạt giải Nhất trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 với chủ đề “Phát triển kinh tế gắn với nâng cao khả năng thương mại cho các sản phẩm địa phương” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang tổ chức, chị Hồ Thị Láng (SN 1994, trú huyện Hòa Vang) không dám tin những bức tranh nhỏ bé của mình chinh phục được Ban giám khảo cuộc thi.

Không giống với bạn bè đồng trang lứa, từ nhỏ, chị Hồ Thị Láng mắc bệnh xương khớp, cơ thể nhỏ bé, không thể lao động, làm việc như người bình thường.

Năm 2014, chị tìm hiểu về dòng sản phẩm thủ công quilling paper, nhận thấy việc làm này phù hợp với sức khỏe của bản thân nên chị quyết tâm học nghề. Đến năm 2018, gom hết số tiền dành dụm, chị mua nguyên vật liệu, dụng cụ để làm tranh giấy xoắn. Nói về bước đầu khởi nghiệp, chị Láng kể: “Thời điểm đó rất ít người biết đến tranh giấy xoắn. Tôi thường đăng bài giới thiệu sản phẩm trên trang Facebook cá nhân của mình, rồi cũng có những vị khách hàng đầu tiên tìm đến. Đó là động lực lớn để tôi có thể theo đuổi dòng sản phẩm tranh giấy xoắn đến nay”. 

Theo chị Láng, mỗi sản phẩm là một câu chuyện về quê hương, chim chóc, cây cối... Khi thực hiện, chị phải lựa chọn sắc màu phối hợp sao cho bắt mắt nhưng không kém phần mềm mại. Đối với thiệp, chị mất từ 1-2 giờ đồng hồ để hoàn thành một sản phẩm. Đối với tranh, chị thực hiện từ 4-7 ngày cho một bức khổ lớn. Trong đó, công đoạn xoắn sợi cần sự tập trung, kiên nhẫn để chị có thể tạo sự ấn tượng cho bức tranh. Mỗi tháng, chị kiếm được 4-5 triệu đồng từ công việc này.

Trong thời gian tới, chị Láng mong muốn tìm được đầu ra cho sản phẩm để nguồn thu nhập ổn định hơn. Đồng thời, chị sẵn sàng dạy nghề cho những bạn có nhu cầu học tập, có hoàn cảnh kém may mắn và yêu thích tranh tảo xoắn.

KHÁNH NGÂN

;
;
.
.
.
.
.