Tác hại của ma túy "nước biển" đối với giới trẻ

.

ĐNO - Thời gian qua, ma túy “nước biển” được ngụy trang dạng nước ngọt được bày bán tại một số trường học trên địa bàn đã ảnh hưởng không nhỏ đến các em học sinh.

Lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng thành phố) bắt giữ đối tượng sản xuất ma túy mới, ma túy loại nước biển cung cấp cho dân chơi.
Lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng thành phố) bắt giữ đối tượng sản xuất ma túy mới, ma túy loại nước biển cung cấp cho dân chơi.

Trong năm 2023, có 6 học sinh thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên số 2 (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) bị ngộ độc do sử dụng dung dịch chứa chất màu vàng nghi là ma túy. May mắn, các em đã được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đà Nẵng nên đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định.

Điều mà chúng ta lo ngại nhận thức, thái độ về ma túy “nước biển” của học sinh trên địa bàn Đà Nẵng còn mơ hồ, nguy cơ tiềm ẩn của hành vi sử dụng ma túy “nước biển” trong học sinh đang là vấn đề hết sức nguy hiểm. Vì vậy cần có các giải pháp nhằm phòng, tránh sự xâm nhập của ma túy “nước biển” vào môi trường học đường.

Em Dương Thanh Long Chiêu, học sinh lớp 12/11 Trường THPT Thanh Khê cho biết em lên mạng tìm hiểu mới biết chứ ma túy mà ngụy trang trong lon nước ngọt hoặc các sản phẩm thức uống học sinh thường dùng thì thật khó mà tránh.

"Mình nghĩ rằng, để học sinh tránh được mối nguy hiểm về “ma túy” nói chung và “ma túy nước biển” nói riêng nhà trường nên phối hợp với công an thành phố cập nhật nhanh nhất các sản phẩm mà ma túy đang núp bóng để học sinh chủ động để phòng tránh", em Long Chiêu nói.

"Mong rằng các cơ quan chức năng, nhà trường kịp thời phối hợp, tuyên truyền để học sinh biết cách phòng tránh", anh Lê Tuân, có con đang học lớp 8 tại một trường THCS trên địa bàn quận Hải Châu chia sẻ.

Từ những mối nguy hiểm trên, thiết nghĩ, nhà trường cần phối hợp với các cơ quan chức năng về tuyên truyền cho học sinh nhận biết được các dấu hiệu mới về ma túy “nước biển”, tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa các nội dung về phòng ngừa ma túy "nước biển” cho học sinh các cấp học.

Đồng thời cần trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy “nước biển” cho đội ngũ nhà giáo ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tổ chức thực hiện giảng dạy, tích hợp vào chương trình chính khóa. Tập huấn cho giáo viên, nhân viên ý tế trường học, cán bộ tư vấn tâm lý có đủ năng lực tư vấn giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề phòng chống ma túy “nước biển” cho học sinh khi cần.

Cần có sự tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác quản lý học sinh, không để học sinh tham gia các tệ nạn ma túy và các vi phạm pháp luật; thiết lập các kênh tố giác qua môi trường mạng, mạng xã hội.

Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo và học tập. Các bậc phụ huynh cũng phải là điểm tựa vững chắc, là thành trì kiên cố bảo vệ con trẻ trước những cạm bẫy ngoài xã hội. Muốn vậy, bản thân cha mẹ phải có hiểu biết đầy đủ và chính xác về những vấn đề liên quan đến ma túy “nước biển”; đồng thời có những kỹ năng  cơ bản trong việc hỗ trợ con em mình phòng, chống ma túy “nước biển”.

Nhà trường cần nâng cao nhận thức cho học sinh qua các hoạt động giáo dục và ngoài giáo dục. Học sinh cần nâng cao nhận thức về khái niệm, hậu quả của hành vi sử dụng ma túy “nước biển”. Đồng thời, trang bị những kỹ năng cần thiết như kĩ năng nhận biết ma túy “nước biển”, kỹ năng từ bỏ ma túy “nước biển”… và có cách ứng xử phù hợp với bản thân và bạn bè có hành vi sử dụng ma túy “nước biển”.

Khi học sinh có hành vi sử dụng ma túy “nước biển” rất cần gia đình, bạn bè, nhà trường nhận biết, phát hiện. Sau khi dự đoán, nhận biết, phát hiện các biểu hiện của hành vi sử dụng ma túy “nước biển” ở học sinh, gia đình, nhà trường kịp thời hỗ trợ cho học sinh để bản thân học sinh có thể thay đổi và chấm dứt hành vi nguy hiểm này.

Q. TOÀN - B.L

;
;
.
.
.
.
.
.