Tốc độ vận chuyển nhanh chóng, thời gian thu gom rút ngắn, nhiều điểm tập kết được xóa bỏ... là những ưu điểm nhìn thấy rõ khi đưa vào vận hành hai trạm trung chuyển rác trên địa bàn quận Sơn Trà và Hải Châu; qua đó, bảo đảm mỹ quan đô thị, góp phần làm cho Đà Nẵng ngày càng sạch, đẹp và văn minh, hướng đến xây dựng thành phố môi trường.
Việc vận hành các trạm trung chuyển rác góp phần nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Trạm trung chuyển rác trên đường Lê Thanh Nghị, quận Hải Châu. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Tháng 7-2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng phối hợp Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng và các đơn vị triển khai đưa vào vận hành trạm trung chuyển rác ở đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu). Theo đó, trạm trung chuyển rác có công suất tối đa đạt 485 tấn/ngày (phiên vận hành) được đầu tư, nâng cấp và thay đổi từ công nghệ cũ sang công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường gồm: hệ thống nghiền rác cồng kềnh, ép rác, xử lý mùi, xử lý nước thải, phun sương chế phẩm xử lý mùi hôi, các xe vận chuyển thùng rác kín (hooklift)... Sau khi tiếp nhận rác từ Xí nghiệp môi trường Hải Châu, Cẩm Lệ, trạm trung chuyển sẽ đưa vào các thùng chứa bằng công nghệ ép ngang kín và vận chuyển đến bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) để xử lý theo quy định.
Ông Trần Văn Nhựt, Phó Giám đốc Xí nghiệp môi trường Hải Châu cho biết, trước đây, toàn bộ lượng rác thu gom được đơn vị vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu), nhưng các phương tiện phải mất trung bình 1 giờ/chuyến để quay lại thực hiện việc thu gom. Từ khi vận hành trạm trung chuyển, tốc độ vận chuyển rác sinh hoạt được thực hiện nhanh, thời gian được rút ngắn 2-3 lần so với trước đây.
Mặc khác, nhiều điểm tập kết rác trên một số tuyến đường cũng bị xóa bỏ, việc sắp xếp thu gom rác đạt hiệu quả cao hơn, lượng rác trong khu dân cư được lấy triệt để, bảo đảm mỹ quan đô thị trên địa bàn quận. Được biết, mỗi ngày, xí nghiệp thu gom khoảng 260 tấn/ngày, trong đó, khoảng 230-240 tấn rác được xí nghiệp đưa về trạm trung chuyển tiếp nhận; chưa tới 20 tấn rác được thu gom tại các kiệt, hẻm, khu dân cư được đưa về điểm tập kết Đa Phước và vận chuyển trực tiếp về bãi rác Khánh Sơn. Về lâu dài, xí nghiệp đề xuất phương án đưa toàn bộ rác thu gom xử lý tại trạm trung chuyển. “Hiện nhiều hộ dân vẫn đổ rác ngoài khung giờ thu gom (từ 18 giờ đến 3 giờ sáng) nên xí nghiệp phải bố trí lực lượng để xử lý. Trên các vỉa hè, nhiều phương tiện đỗ xe gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến công tác thu gom, duy trì vệ sinh đường phố cho nên các địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân”, ông Nhựt chia sẻ.
Trước đó, giữa tháng 1-2023, Trạm trung chuyển chất thải rắn khu vực quận Sơn Trà được đưa vào hoạt động với 2 hệ thống ép rác kín có công suất định mức 200 tấn/8 giờ và công suất tối đa 300 tấn/8 giờ. Một số hạng mục tại trạm gồm: hệ thống rửa xe tự động; hệ thống nghiền rác cồng kềnh; hệ thống khử mùi hôi; hệ thống xử lý nước thải; 4 xe hooklift vận chuyển thùng chứa rác; 9 thùng chứa rác kín loại lớn... Ông Trần Mai Trường, Giám đốc Xí nghiệp môi trường Sơn Trà cho hay, mỗi ngày, tổng khối lượng rác được thu gom trên địa bàn quận từ 190-210 tấn. Thời gian vận chuyển rác lên bãi rác Khánh Sơn mất khoảng 2,5 tiếng/chuyến khiến việc xử lý, thu gom gặp nhiều hạn chế. Từ khi vận hành trạm, khoảng 90% số điểm tập kết rác trên địa bàn tại các tuyến đường như Bùi Quốc Hưng, Hồ Hán Thương, Trần Hưng Đạo, Chính Hữu, Vương Thừa Vũ… được xóa bỏ. Việc thu gom được thuận lợi hơn, trung chuyển nhanh và bảo đảm vệ sinh môi trường. Thời gian đến, xí nghiệp tiếp tục cơ giới hóa trên địa bàn; thực hiện tốt trong việc thu gom rác thải sinh hoạt, bảo đảm công tác phối hợp tiếp nhận rác với trạm trung chuyển. Vào các thời điểm đặc biệt như lễ, Tết, bão lũ…, lượng rác phát sinh lớn hơn so với ngày thường, xí nghiệp đề xuất trạm trung chuyển có phương án xử lý, tăng công suất tiếp nhận để bảo đảm môi trường trên địa bàn quận.
Theo Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, thời gian hoạt động của các trạm trung chuyển cần bảo đảm cùng với công tác thu gom và vận chuyển của các xí nghiệp môi trường. Đối với trường hợp khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đưa về trạm trung chuyển khu vực quận Sơn Trà vượt quá công suất, công ty đề nghị được đưa khối lượng vượt này về trạm trung chuyển trên đường Lê Thanh Nghị tiếp nhận. Đối với các lộ trình đưa về trạm trung chuyển Lê Thanh Nghị, cần đưa khối lượng rác thu gom tại một số khu vực quận Ngũ Hành Sơn và phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) thay cho khối lượng của quận Thanh Khê.
Về lâu dài, cần điều chỉnh lại các lộ trình rác đưa về trạm để hợp lý và hiệu quả. Để công tác thu gom, vận chuyển rác trong ngày được bảo đảm, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết… công ty cũng đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng có giải pháp kéo dài thời gian hoạt động của trạm trung chuyển, cũng như tăng công suất tiếp nhận so với công suất thiết kế từ 10 đến 20%. Mặc khác, các trạm trung chuyển cần xem xét việc tiếp nhận đa dạng các loại xe thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố để đơn vị bố trí phương tiện thu gom phù hợp theo địa bàn, lộ trình.
VĂN HOÀNG