Bất cập tại dự án Nhà ở công nhân

.

Sau 3 năm đưa vào khai thác và sử dụng, dự án Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm mới chỉ có 1 khối nhà với 74/88 phòng có người ở, hai khối nhà còn lại với 197 phòng vẫn cửa đóng then cài. Trong khi đó, nhu cầu thuê nhà ở của công nhân rất lớn...

Ba khối nhà xây dựng khang trang, kiên cố nhưng chỉ 1 khối nhà có người ở. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Ba khối nhà xây dựng khang trang, kiên cố nhưng chỉ 1 khối nhà có người ở. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Bám trụ vì cần chỗ ở

Chiều tối muộn, khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm thưa thớt người ra vào. Phần vì công nhân đi làm ca đêm, phần vì chỉ một khối nhà có người ở nên khung cảnh càng thêm vắng vẻ. Chị Hoàng Thị Khánh Liên (SN 1991) sống tại phòng 210 cùng chồng và 2 con nhỏ. Trong căn phòng chưa đầy 16m2, chị Liên kê kín vật dụng, chỉ chừa lối đi đủ một người qua. Để có chỗ ngủ cho 4 người, chồng chị Liên tự mua sắt về lắp thêm gác lửng làm chỗ ngả lưng cho chị và 2 con nhỏ. Phía dưới gác lửng kê chiếc ghế gỗ dài vừa là chỗ ngồi ăn cơm, vừa là nơi tiếp khách và cũng là chỗ ngủ của chồng chị Liên sau ca làm. Thường ngày, chị và chồng đi làm công nhân, hai con gửi về nhà ngoại đi học và chỉ đón về nhà vào chiều tối.

“Nhà chật cũng bất tiện lắm. Con trai lớn của tôi học lớp 2 nói chỉ thích ở nhà ngoại vì về đây chật chội, không có chỗ chơi”, chị Liên bộc bạch. Cũng theo công nhân này, mỗi tháng, vợ chồng tốn khoảng 400.000 đồng chi phí thuê nhà, rẻ hơn nhiều so với thuê trọ bên ngoài. Vì thế, để tiết kiệm chi phí lo cho các con ăn học, vợ chồng chị cố gắng bám trụ.

Ở đối diện phòng của chị Liên là phòng của vợ chồng chị Nguyễn Thị My (28 tuổi, công nhân Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam). Vợ chồng chị My có 3 đứa con, đứa đầu hơn 5 tuổi mắc chứng tăng động đang theo học lớp can thiệp, đứa giữa 4 tuổi và đứa út gần 3 tuổi. Từ cửa bước vào là khu vực bếp rộng khoảng 1m2, đối diện bếp là nhà vệ sinh rộng chừng 2,5m2, cuối phòng là ban công khoảng 0,5m2 làm nơi phơi áo quần. Còn lại khoảng 12m2 trống vừa là nơi ăn cơm, nơi chơi của các con và là nơi ngủ của cả nhà. Tất cả mọi sinh hoạt của gia đình gói gọn trong chưa đầy 16m2.

Đại diện Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, thuộc Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, block số 1 hiện có 74 phòng đang cho thuê với khoảng 92 người lớn và hàng chục trẻ nhỏ là con em công nhân. Diện tích các phòng rất nhỏ (15,75m2), chỉ phù hợp cho người lao động đơn thân. Trên thực tế, có đến 50% người lao động là hộ gia đình có từ 3 nhân khẩu trở lên đang thuê ở. Chật chội và bất tiện là tình trạng chung của hầu hết công nhân đang sống tại đây. Tuy nhiên, vì cần chỗ ở, hầu hết người lao động vẫn cố gắng bám trụ.

Công nhân đang cố bám trụ trong những căn phòng chật hẹp.  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Công nhân đang cố bám trụ trong những căn phòng chật hẹp. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Đề xuất cải tạo, sửa chữa

Vừa qua, chị Trần Thị Ánh Nguyệt (công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng) làm đơn xin thuê phòng tại Nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm. Tuy nhiên sau khi đi thực tế xem phòng, chị Nguyệt đành xin lưu hồ sơ chờ mở rộng diện tích phòng ở.

“Tôi rất tha thiết được thuê phòng tại đây để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, gia đình tôi 4 người, trong đó con trai đầu học đại học, con gái học lớp 12, rất khó để sống trong căn phòng chưa đầy 16m2. Mong thành phố và các ngành chức năng sớm thông phòng mở rộng diện tích để công nhân chúng tôi có nơi ở tốt hơn”, chị Nguyệt phân trần.

Trong khi đó, sau một thời gian sinh sống, Hoàng Thị Tuyên (công nhân tại khu công nghiệp Hòa Cầm) cũng đành xin trả lại phòng, ra ngoài thuê trọ dù chi phí tăng gấp 4 lần. Theo chị Tuyên, các phòng ở đây đều rất kiên cố, an toàn tuy nhiên vì diện tích quá nhỏ, không bảo đảm không gian sinh hoạt cho cả gia đình 4 người lớn, nên dù không muốn chị cũng đành xin trả lại.

Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, thời gian qua, có 35 hộ không nhận và trả lại phòng do không còn nhu cầu hoặc không còn đủ điều kiện thuê; 5 hộ vì gia đình đông nhân khẩu nên mong muốn lưu hồ sơ chờ chủ trương mở rộng diện tích phòng ở. Ngoài vấn đề diện tích phòng chật, các khối nhà ở đều xây dựng 5 tầng nhưng chưa bố trí thang máy nên công nhân, nhất là gia đình có con nhỏ e ngại thuê phòng ở tầng 4 và tầng 5.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Văn Đại cho biết, để lấp đầy các phòng ở tại 3 khối nhà, bảo đảm hiệu quả khai thác, tránh lãng phí, Liên đoàn lao động  thành phố đã đề xuất chủ trương thông 190 phòng đơn tại 2 block số 2 và số 3 nhằm mở rộng diện tích, phù hợp nhu cầu của người thuê. Bên cạnh đó, trang bị thang máy tại 3 khối nhà để thuận tiện trong di chuyển, sinh hoạt, thu hút người lao động có nhu cầu.

Trên cơ sở đó, ngày 28-11, UBND thành phố có tờ trình xin ý kiến HĐND thành phố về kế hoạch sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trong đó đề xuất cải tạo, sửa chữa Nhà ở công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm. Theo đó, cải tạo 3 khối nhà 5 tầng, bổ sung thang máy, nhà xe cho 3 khối nhà. Tổng mức đầu tư 20,07 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2025. Như vậy, phải đến năm 2025, sau khi hoàn thành cải tạo, sửa chữa, dự án Nhà ở công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm mới tiếp tục đón công nhân vào ở, bảo đảm giải quyết chỗ ở cho công nhân lao động theo mục tiêu đề ra.

Sắp có thêm 608 căn nhà ở xã hội cho công nhân
Tại Tờ trình số 218/TTr-UBND của UBND thành phố về việc xin ý kiến HĐND thành phố về kế hoạch sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố đề xuất dự án chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá sinh viên tập trung tại khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) sang nhà ở xã hội. Cụ thể, chuyển đổi, cải tạo công năng 5 khối nhà 7 tầng và 2 khối nhà 5 tầng và trung tâm sinh viên 3 tầng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2026, tổng mức đầu tư 314 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 200 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ có thêm 608 căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.