Điểm sáng trong công tác cai nghiện

.

ĐNO - Thời gian qua, Cơ sở xã hội Bầu Bàng (Cơ sở) đã tiếp nhận, quản lý, cai nghiện, giáo dục, chữa trị phục hồi cho 10.057 lượt học viên, trong số đó có nhiều người từ bỏ được "làn khói trắng” để tự tin làm lại cuộc đời, có cuộc sống ổn định và phát triển. 

Bác sĩ đang thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho học viên.
Bác sĩ đang thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho học viên.

Học viên khi vào Cơ sở được kiểm tra sức khoẻ, sau đó được điều trị cắt cơn nghiện; chăm sóc sức khoẻ, điều trị các bệnh cơ hội như lao, phổi; xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Song song với việc áp dụng phác đồ điều trị an thần kinh, các bài thuốc cai nghiện và chống tái nghiện.

Để công tác quản lý, giáo dục, tư vấn và tuyên truyền đến học viên đạt hiệu quả, học viên vào Cơ sở được giáo dục chấp hành nội quy quy chế, học đội hình đội ngũ, rèn luyện ý thức, tác phong kỷ luật, nề nếp; mọi hoạt động của học viên đều có cán bộ giám sát chặt chẽ để phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực phát sinh.

Em Đ.Tr.Nh, trú quận Thanh Khê, học viên cai nghiện lần đầu chia sẻ, bản thân thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy nên bị bạn bè lôi kéo sử dụng. Vào Cơ sở học tập, cai nghiện được 8 tháng, được cán bộ, thầy cô quan tâm, động viên, chia sẻ, chỉ bày rất tận tình nên em đã hiểu biết rất nhiều, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy cũng như có thêm kỹ năng để phòng, chống tái nghiện. Nhờ quá trình phấn đấu tốt nên em được xem xét giảm thời gian chấp hành theo quyết định của tòa án để sớm trở về với gia đình, tiếp tục học tập, làm việc, hướng đến từ bỏ ma túy.

Cơ sở còn thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép với hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm để làm phong phú hơn đời sống tinh thần và trang bị cho các học viên đầy đủ kiến thức về tâm lý, sức khoẻ, pháp luật nhằm giúp họ sớm có điều kiện tái hoà nhập cộng đồng.   

Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của Cơ sở không chỉ khám, điều trị cho học viên mà còn thường xuyên kiểm tra công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn nhằm không để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, lao động trị liệu, điều trị của học viên. Cơ sở thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao giữa học viên với Thành Đoàn Đà Nẵng, Huyện Đoàn Hòa Vang… nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học viên, đồng thời giúp học viên hiểu được cộng đồng xã hội không xa lánh, ruồng bỏ mà luôn quan tâm, động viên, chia sẻ để học viên nỗ lực vươn lên làm lại cuộc đời.

Cơ sở luôn kiên trì biện pháp giáo dục thuyết phục trên nền tảng “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” để học viên hiểu được tác hại của ma túy và nghiện ma túy, lợi ích của việc cai nghiện để họ tự giác chấp hành nội quy quy chế; duy trì lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và các hàng hóa ra - vào cổng; tổ chức tuần tra đảm bảo an toàn khu vực vành đai. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, duy trì nội vụ của học viên gọn gàng, sạch sẽ, tổ chức kiểm tra xác suất bằng test thử ma túy đối với học viên để phòng, chống thẩm lậu, sử dụng ma túy.

Với phương châm đào tạo nghề để giúp học viên dễ tái hoà nhập cộng đồng, Cơ sở đã liên kết với các trường nghề tổ chức dạy và cấp chứng chỉ cho trên 1.800 học viên; 113 học viên mù chữ đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Trong cai nghiện ma túy, cùng với việc kết hợp nhiều biện pháp thì việc nêu gương của cán bộ là rất quan trọng. Qua đó, mỗi cán bộ của Cơ sở thật sự là một tấm gương, một điểm tựa để học viên nhìn vào mà phấn đấu noi theo cũng như sẵn sàng chia sẻ mong muốn, nguyện vọng của mình.

Ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng cho biết: “Thời gian qua, việc cai nghiện, chữa bệnh, giáo dục cho người cai nghiện ma túy mang lại hiệu quả, giúp các em ngày càng tự tin, từng bước vươn lên”.

Với những thành công trong công tác cai nghiện, dạy nghề, phục hồi hành vi cho học viên, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã góp phần tích cực đưa những người lầm đường lạc lối trở về với cuộc sống mới đầy hứa hẹn với tương lai tươi sáng hơn.

HIẾU NGÂN

;
;
.
.
.
.
.
.