Rủi ro khi trẻ em tiếp cận không gian mạng

.

Mỗi ngày, có hàng trăm nghìn dữ liệu, thông tin dưới dạng tệp tin, ứng dụng, chương trình... mới được tải lên không gian mạng, trong đó nhiều nội dung không phù hợp gây nguy hại tới quá trình phát triển của trẻ em.

Việc để trẻ tiếp cận các nền tảng trực tuyến dễ tạo ra các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng.  Ảnh: CHIẾN THẮNG
Việc để trẻ tiếp cận các nền tảng trực tuyến dễ tạo ra các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Mối lo về an ninh, an toàn trên không gian mạng

Các hình thức lừa đảo trực tuyến đang ngày càng tinh vi, việc nhiều phụ huynh cho con truy cập mạng sẽ tạo ra những nguy cơ như trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo. Em Tr.G.B. (học sinh trung học cơ sở) cho biết, em thường sử dụng điện thoại của mẹ để phục vụ học tập, giải trí. Gần đây, em có thấy những tin nhắn có đường dẫn liên kết với nội dung yêu cầu tải về và chơi có thể nhận giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Vì tò mò và mong muốn có được số tiền đó, em đã tải và nhập các thông tin như họ và tên, tuổi, số điện thoại cá nhân. Đặc biệt, ứng dụng cũng yêu cầu liên kết ngân hàng với ứng dụng để thuận lợi cho việc nhận tiền thưởng. Sau khi nhập các thông tin cá nhân, điện thoại liên tục nhận được thông báo trừ tiền trong tài khoản ngân hàng. Hiện tại, em đang rơi vào tình trạng hoảng loạn khi số tiền bị đánh cắp lên đến hàng chục triệu đồng.

Từ nguồn dữ liệu đánh cắp, nhiều đối tượng với ý đồ xấu có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội. Điển hình như trường hợp anh B.H.Th. (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) từng nhiều lần bị các đối tượng lừa đảo gọi điện mạo danh. Lần gần nhất, đối tượng lừa đảo đã mạo danh làm cô giáo của con anh và yêu cầu chuyển tiền viện phí. Kẻ mạo danh có đầy đủ các thông tin cá nhân của con anh như tên, lớp, địa chỉ... Càng nguy hiểm hơn khi các đối tượng còn nắm dữ liệu nhạy cảm như: số điện thoại, email, nghề nghiệp, địa chỉ nhà, nơi làm việc của cả phụ huynh.

Sau khi gặng hỏi thì anh mới biết được đây là thông tin con trai anh cung cấp cho các đối tượng lừa đảo giả mạo nhận thưởng quà tặng. Sự phát triển nhanh của khoa học - công nghệ đã thúc đẩy những ứng dụng, chương trình trí tuệ nhân tạo (AI), theo đó, các nền tảng này thu hút nhiều người sử dụng vì các tính năng nổi trội như: tự động trả lời, phân tích các câu hỏi có chọn lọc, trò chuyện như một người bạn, tự động giải bài tập... Vì để tiết kiệm thời gian, nhiều phụ huynh đã cho con tự học, chơi qua chương trình trí tuệ nhân tạo như: Chat GPT, Notion AI, Copilot, Jasper Chat… Cách vận hành của những nền tảng này là thu thập, phân tích dựa trên các dữ liệu phổ biến được đề xuất trên internet nên nhiều thông tin được xem là không đáng tin cậy. Những thông tin sai sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành, phát triển tâm lý, trí tuệ của trẻ.

Chủ động biện pháp phòng, chống ảnh hưởng từ không gian mạng

Theo số liệu công bố của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hiện nay, hơn 80% trẻ em Việt Nam từ 12-15 tuổi có sử dụng internet; với độ tuổi từ 14-16, con số này trên 90%. Thực tế, đây là độ tuổi mà trẻ dễ gặp những tổn thương trên môi trường mạng khi các em chưa nhận thức được những mối nguy hại từ vấn đề an toàn, an ninh, bảo mật thông tin dẫn đến các nguy cơ về rò rỉ, đánh cắp thông tin cá nhân bị chia sẻ lên mạng và bị kẻ xấu lợi dụng là rất lớn. Ảnh hưởng đầu tiên là gây khó chịu với trẻ, nguy hại hơn là liên quan đến lừa đảo, lạm dụng. Bà Ngô Thị Thảo Quỳnh, giảng viên Tâm lý học (Trường Đại học Duy Tân) cho rằng, từ việc lộ, lọt thông tin cá nhân có thể dẫn đến việc trẻ bị bắt nạt, lạm dụng trên mạng. Trước hiện trạng trên, giải pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là sự chung tay của cả gia đình, nhà trường, xã hội và chính các em.

Ngoài sự chủ động của cha mẹ, chính các em cũng cần nhận thức, nhận diện về các khả năng gây ảnh hưởng xấu để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu những thông tin, cuộc thi cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng internet an toàn cho trẻ. Các cuộc thi sẽ giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. Điển hình như cuộc thi học sinh với an toàn thông tin do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Cuộc thi là một hoạt động hưởng ứng chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1-6-2021.

Thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Đà Nẵng) cho hay, từ đầu năm tới nay lực lượng công an đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án liên quan tới lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua dữ liệu bị đánh cắp, rò rỉ trên nền tảng trực tuyến. Dữ liệu cá nhân là loại thông tin có nhiều giá trị nhất, là “mỏ vàng” mà các đối tượng xấu luôn nhắm tới. Những kẻ lừa đảo luôn tìm cách gắn mã độc vào các trò chơi, ứng dụng phổ biến của trẻ. Đồng thời, nhiều kẻ xấu cũng tận dụng khả năng tiếp cận, khai thác thông tin từ chương trình AI để tiêm nhiễm những kiến thức sai lệch gây ảnh hưởng xấu tới trẻ. Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiến hành kiểm tra việc thi hành nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân nhằm bảo vệ thông tin của người dùng nói chung và trẻ em nói riêng. Qua đó, sẽ hạn chế các thông tin cá nhân, các thông tin trẻ em được rao bán và sử dụng bất hợp pháp trên mạng.

CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.