Nhiều năm qua, nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) dần chuyển mình, khoác lên chiếc áo mới. Thôn có hệ thống đèn chiếu sáng phủ rộng, đường bê-tông trải dài. Vừa qua, thôn hoàn thành xây dựng nhà văn hóa thôn rộng 1.700m2, tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng.
Về lại thôn Trung Sơn sau chuỗi ngày mưa phùn kéo dài, lúc này, nắng vàng những ngày cuối năm nhuộm khắp những con đường bê-tông rộng sáng loáng, phủ lên từng mái hiên, cây lá. Đón tôi tại nhà văn hóa thôn còn phảng phất mùi sơn, ông Hà Thúc Vinh, Trưởng thôn hào hứng nói, ngày trước, nhà văn hóa thôn xập xệ, cây cối cứ thế mọc um tùm, cảnh quanh nhếch nhác nên người lớn lẫn con trẻ không có nơi sinh hoạt, vui chơi. Chính vì vậy, tháng 4-2023, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nông thôn mới và lót gạch toàn bộ trên diện tích rộng 1.700m2 để người dân có không gian sinh hoạt, tổ chức lễ hội. Trong khuôn viên nhà văn hóa có sân bóng mini và khu luyện tập thể dục, thể thao gồm các máy tập thể luyện, cây xanh do mạnh thường quân và nhân dân vận động quyên góp.
“Thôn có 190 hộ dân, 644 nhân khẩu. Đa số người dân chủ yếu buôn bán và đi làm tại các khu công nghiệp. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhờ vượt khó xây dựng nông thôn mới, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên; con em được học tập đầy đủ, môi trường cảnh quan trong thôn bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, đẹp… Đó là kết quả tích cực sự vào cuộc của Đảng ủy, chính quyền xã, các tổ chức, đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi, triển khai nhiều phong trào hiệu quả, thiết thực”, ông Vinh chia sẻ.
Bên cạnh đó, các mô hình xử lý rác thải và cải tạo nông thôn xanh - sạch - đẹp như: “Phân loại rác thải tại nguồn”, “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp” được thôn tích cực thực hiện, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, thôn áp dụng thông tin qua mạng xã hội để đảng viên, hộ dân nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố, huyện, xã và thôn để có sự tương tác nhanh chóng với bí thư chi bộ, trưởng thôn. Đặc biệt, các hộ dân phát huy tinh thần đoàn kết nhờ phát huy vai trò của quần chúng, tộc họ. Nhờ vậy, nhiều năm liền thôn được công nhận là thôn văn hóa, đạt danh hiệu thi đua tiên tiến, xuất sắc…
Ông Nguyễn Văn Sơn, người dân thôn Trung Sơn cho hay: “Thôn được chính quyền quan tâm và đưa nhiều sáng kiến góp phần xây dựng nông thôn mới nên đời sống người dân đỡ vất vả. Ví như nhà văn hóa thôn được sửa chữa, chúng tôi ai nấy phấn khởi trong lòng. Bởi nó như ngôi nhà tinh thần để chúng tôi tụ họp mỗi buổi chiều và nhà văn hóa còn góp phần xây dựng bộ mặt của thôn”.
Thôn rất quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa, bởi thôn là nơi duy nhất của thành phố có khu rừng tự nhiên với diện tích 107.960m2, là địa chỉ đỏ trong phong trào cách mạng trong suốt 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm. Bên trong và ven bìa rừng có gần 200 ngôi mộ nghĩa sĩ hy sinh, giếng Chăm Cổ và các địa chỉ đỏ như đình làng Trung Sơn xây dựng dưới bìa rừng Trung Sơn năm 1724, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của làng qua các thời kỳ kháng chiến. Theo thống kê của UBND xã Hòa Liên, thôn Trung Sơn hiện có 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 69 liệt sĩ và 2 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Võ Chí Thanh, nguyên Trưởng thôn cho hay: “Hằng năm thôn rất chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa như tổ chức lễ hội, giúp con cháu nhớ về cội nguồn và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.
Người dân trong thôn luôn ý thức bảo vệ và chăm sóc rừng theo 3 quy định chung: cấm người dân không chặt phá khai thác ở rừng, không lấy cát trắng rừng Trung Sơn để làm nhà và người mất không chôn trong rừng. Nhờ vậy, rừng Trung Sơn tồn tại đến bây giờ còn nguyên hiện trạng và là một quần thể di tích có giá trị lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, đến nay đình làng lẫn khu rừng vẫn chưa được xếp hạng nên ảnh hưởng rất lớn về công tác bảo tồn sau này. Tôi mong rằng, Nhà nước và các cấp quan tâm để đình làng, khu rừng sớm được xếp hạng. Được như vậy, chúng tôi phấn khởi”.
HUỲNH VŨ