5 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW

Những quyết sách vì dân

.

Thông qua triển khai có hiệu quả nhiều chính sách an sinh xã hội đặc thù mang thương hiệu như: thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, Đà Nẵng tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chăm lo đời sống nhân dân, khẳng định danh xưng thành phố đáng sống trên cả nước và khu vực.

Những chính sách hỗ trợ nhà ở của các cấp chính quyền thành phố giúp hiện thực hóa ước mơ có nhà cho hộ nghèo. Trong ảnh: Mặt trận phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) tổ chức bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Ảnh: L.P
Những chính sách hỗ trợ nhà ở của các cấp chính quyền thành phố giúp hiện thực hóa ước mơ có nhà cho hộ nghèo. TRONG ẢNH: Mặt trận phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) tổ chức bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Ảnh: L.P

Hiện thực hóa giấc mơ có nhà

Ngày 26-3-2021, thành phố ra Quyết định số 980/QĐ-UBND ban hành Đề án thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đến năm 2025. Trên cơ sở đó, cả hệ thống chính trị nhanh chóng bắt tay triển khai nhiều phần việc thiết thực. Xác định nhu cầu cơ bản của người dân là có “nhà ở” (thực hiện chương trình “3 có”: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị), các cấp chính quyền đẩy mạnh xây dựng các dự án nhà ở cho người dân. Tính đến tháng 8-2023, toàn thành phố có 13.938 căn hộ chung cư và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên; đang tiếp tục xây dựng 4.361 căn hộ và kêu gọi đầu tư 4 dự án với hơn 4.000 căn hộ.

Về nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, đến nay đã hoàn thành 2 dự án với 1.499 căn hộ, đang xây dựng 546 căn hộ, đề xuất Chính phủ cho chuyển đổi công năng 2 ký túc xá sinh viên sang nhà ở xã hội cho công nhân với 728 căn hộ, kêu gọi đầu tư 1 dự án với khoảng 600 căn hộ và đang phối hợp chọn địa điểm triển khai 1 dự án phục vụ công nhân khu vực quận Liên Chiểu. Là một trong những hộ đầu tiên mua được nhà tại dự án Khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chị Lê Thanh Thủy (quê Quảng Bình, công nhân Công ty Daiwa Việt Nam) chia sẻ: “Chính sách phát triển nhà ở của thành phố đã giúp hiện thực hóa giấc mơ có nhà cho hàng nghìn công nhân lao động ngoại tỉnh như chúng tôi, giúp mọi người an cư lạc nghiệp”.

Trong khi đó, với hộ nghèo Ông Thị Giang (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), nếu không có kinh phí hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố, giấc mơ xây nhà mới của bà Giang khó thành hiện thực. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ khó khăn có nơi ở ổn định, hằng năm, mặt trận, hội đoàn thể các cấp thành phố đẩy mạnh vận động kinh phí để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn về nơi ở. Trong 3 năm qua, từ nguồn Quỹ vì người nghèo, mặt trận các cấp đã trao hơn 48,5 tỷ đồng xây mới 232 nhà, sửa chữa 794 nhà cho hộ nghèo. Song song đó, các hội, đoàn thể cũng hỗ trợ xây mới, sửa chữa hàng trăm nhà cho hội viên, đoàn viên khó khăn.

Thực hiện Chương trình “Có việc làm” giai đoạn 2021-2025, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng lao động, tăng cơ hội có việc làm cho người dân. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố tổ chức hơn 110 phiên giao dịch việc làm, kết nối việc làm cho 7.875 lao động. Cũng với đó, hoạt động xuất khẩu lao động được đẩy mạnh; hỗ trợ doanh nghiệp vay hơn 3.200 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho hơn 56.000 lao động… Hoạt động đào tạo, dạy nghề cho người lao động thất nghiệp, các đối tượng yếu thế, bộ đội xuất ngũ được chú trọng.

Nhiều chính sách đặc thù

Bên cạnh thực hiện các chính sách của Trung ương, thành phố thường xuyên có những quyết sách đặc thù để nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng thụ hưởng, nới lỏng điều kiện thụ hưởng so với Trung ương. Điển hình là nâng mức trợ cấp hằng tháng cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, có chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc làm, ngừng việc; hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh; chính sách miễn, giảm học phí… Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hằng năm, thành phố chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 20.000 người có công với cách mạng và gần 35.000 đối tượng bảo trợ xã hội, tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hơn 2.000 hộ người có công, tổng kinh phí hơn 72 tỷ đồng; huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo giúp hàng nghìn hộ vươn lên thoát nghèo.

Để giúp đỡ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngoài các chính sách cho hộ nghèo nói chung, thành phố còn trợ cấp 300.000 đồng/người/tháng cho người đang hưởng các chính sách bảo trợ xã hội hiện hành; 500.000 đồng/người/tháng cho người già yếu, khuyết tật, trẻ mồ côi đau ốm thường xuyên chưa đủ điều kiện hưởng chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng và trợ cấp thêm 2 năm kể từ thời điểm thoát nghèo; hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng với người bệnh ung thư, người chạy thận nhân tạo thuộc hộ nghèo; 400.000 đồng/người/tháng cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng,...

Đặc biệt, trong 2 năm bị tác động bởi Covid-19, ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương cho 74.686 đối tượng với kinh phí hơn 186 tỷ đồng, thành phố có nhiều chính sách riêng để hỗ trợ thêm cho 95.330 đối tượng, tổng kinh phí 91 tỷ đồng; gần 12 nghìn lượt lao động được vay vốn ưu đãi với số tiền 45,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố triển khai nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất sau dịch. Tổng kinh phí hỗ trợ khó khăn do Covid-19 giai đoạn 2020-2022 khoảng 12.000 tỷ đồng.

Việc triển khai Đề án thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đến năm 2025 với những chính sách nhân văn, đặc thù của thành phố thời gian qua đã góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, là nền tảng cốt lõi để xây dựng thành phố an toàn, văn hóa, văn minh, hướng tới thực hiện thành công Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.