Bảo tàng Điêu khắc Chăm xuống cấp, thấm dột

.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng cách đây hơn 100 năm, là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc giá trị của nền văn hóa Chăm. Trong đó, có 9 bảo vật quốc gia, thu hút đông đảo khách tham quan mỗi năm. Trải qua thời gian, tòa nhà bảo tàng đang có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác bảo quản, trưng bày các hiện vật.

Tình trạng xuống cấp gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ, gìn giữ hiện vật và trải nghiệm tham quan của du khách. Ảnh: THIÊN DUYÊN
Tình trạng xuống cấp gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ, gìn giữ hiện vật và trải nghiệm tham quan của du khách. Ảnh: THIÊN DUYÊN

Tường bong tróc, ẩm mốc

Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng vào năm 1915 và đón khách tham quan từ năm 1919, mang đặc trưng kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX và phong cách của các đền tháp Chăm trên dải đất miền Trung. Không chỉ là công trình có kiến trúc độc đáo của thành phố, nơi đây còn lưu giữ bộ sưu tập hơn 2.000 tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu từ thế kỷ thứ V đến khoảng thế kỷ XIV-XV của nền văn hóa Chăm. Năm 2015, bảo tàng được thành phố duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của của chúng tôi, hiện nay các không gian trưng bày trong tòa nhà đang có dấu hiệu xuống cấp, tường thấm dột, bong tróc, ẩm thấp, một số chỗ nứt vỡ. Tình trạng này xuất hiện ở khắp các phòng trưng bày hiện vật đến khu vực hành lang, lối đi. Đáng nói, tại khu vực trưng bày các bảo vật quốc gia, nhiều mảng tường bị mốc xanh, mốc đen, gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến cổ vật.

Là một điểm đến văn hóa, du lịch nổi tiếng của thành phố, tình trạng xuống cấp của Bảo tàng Điêu khắc Chăm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách tham quan. Mặt khác, nếu tình trạng trên kéo dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ hư hại các hiện vật, ảnh hưởng đến công tác bảo quản, trưng bày. Ông Lê Văn Toàn (du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Ở đây có các hiện vật rất giá trị, niên đại cả nghìn năm tuổi. Tôi nghĩ, các hiện vật có tuổi đời như vậy đòi hỏi phải được bảo quản trong môi trường, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp.

Tình trạng thấm dột, ẩm mốc ở bảo tàng sẽ ảnh hưởng đến việc bảo quản các cổ vật ở đây”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hà, hướng dẫn viên tự do dẫn đoàn khách tham quan bảo tàng cho biết, một số khách trong quá trình tham quan cũng chú ý, chỉ chỏ vào những chỗ xuống cấp của bảo tàng. “Nơi đây mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách đến tham quan. Tình trạng xuống cấp của bảo tàng gây ấn tượng không tốt cho du khách. Mong rằng, cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này, giữ được hình ảnh đẹp về du lịch của thành phố”, chị Hà bày tỏ.

Chuẩn bị phương án khắc phục

Bảo tàng Điêu khắc Chăm là đơn vị duy nhất thuộc ngành văn hóa thực hiện tự chủ hoàn toàn hơn 15 năm qua, có nguồn thu từ việc bán vé (mức giá 60.000 đồng/người/lượt). Hằng năm, bảo tàng đóng góp vào ngân sách thành phố hàng tỷ đồng. Đại diện lãnh đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, tình trạng xuống cấp của bảo tàng mới xuất hiện những năm gần đây do thời tiết miền Trung diễn biến phức tạp, mưa nhiều.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân như: giai đoạn 2020-2022, Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng khách đến tham quan bảo tàng giảm nghiêm trọng; năm 2021 và 2022, đơn vị thực hiện chính sách miễn phí tham quan cho du khách đến với bảo tàng. Do đó, bảo tàng không có nguồn thu, dẫn đến tình trạng tài chính khó khăn. Đến năm 2023, mặc dù số lượng vé bán ra đã có chuyển biến tích cực (khoảng 170.000 lượt khách), nhưng vẫn chưa hoàn toàn khôi phục so với trước đây. Trong khi đó, 40% kinh phí thu được, bảo tàng đóng góp vào ngân sách thành phố. Nguồn kinh phí còn lại phải chi trả lương cán bộ, nhân viên, thực hiện công tác chuyên môn, an ninh, bảo vệ, bảo quản hiện vật. Vì vậy, bảo tàng không còn kinh phí thực hiện sửa chữa, chống thấm dột cho tòa nhà.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là công trình hơn 100 năm tuổi, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nên chuyện hư hỏng, xuống cấp là khó tránh khỏi. Dù đã được duy tu, sửa chữa cách đây gần 10 năm, nhưng thời tiết khắc nghiệt của miền Trung khiến công trình xuất hiện tình trạng xuống cấp. Bảo tàng Điêu khắc Chăm là đơn vị tự chủ hoàn toàn, có tính độc lập về mặt quản lý Nhà nước, tài chính và được giao trách nhiệm bảo vệ, bảo quản tài sản công. Tuy nhiên, tòa nhà bảo tàng cũng là di tích cấp thành phố.

Do đó, trước tình trạng xuống cấp này, sở đã chủ động làm việc và kiểm tra, rà soát kỹ hiện trạng bảo tàng. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch tổng thể dự án trùng tu, sửa chữa tòa nhà; lên phương án thi kiến trúc cải tạo, nâng cấp sân vườn kỹ lưỡng trước khi tham mưu UBND thành phố quyết định đầu tư. Qua đó, góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ công trình phục vụ văn hóa, du lịch của thành phố, bảo đảm hài hòa, khớp với trục cảnh quan các tuyến đường lân cận.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.