Để tiếng nói người lao động được lắng nghe

.

Các cấp Công đoàn thành phố phối hợp lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người lao động nhằm bảo đảm quyền đóng góp ý kiến, minh bạch các chính sách đối với người lao động. Qua đó, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.

Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng tổ chức hội nghị người lao động.  Ảnh: XUÂN HẬU
Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng tổ chức hội nghị người lao động. Ảnh: XUÂN HẬU

Hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở

Mới đây, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh) phối hợp Công đoàn tổ chức hội nghị người lao động. Theo đó, sau khi lắng nghe ý kiến của người lao động, từ tháng 1-2024, lãnh đạo doanh nghiệp quyết định nâng giá trị bữa ăn ca để tăng cường dinh dưỡng cho người lao động. Theo Chủ tịch Công đoàn công ty Nguyễn Thanh Tân, tại hội nghị người lao động, nhiều vấn đề được người lao động quan tâm như bữa ăn ca, lương, thưởng, các chính sách trong năm mới,...

Lãnh đạo doanh nghiệp đã giải đáp kiến nghị, đề xuất trên tinh thần lắng nghe và thấu hiểu, mang lại sự hài lòng cho người lao động. Nhờ đó, nhiều năm nay, mối quan hệ lao động của doanh nghiệp luôn ổn định và hài hòa. “Riêng với bữa ăn ca, định kỳ hằng tháng công ty sẽ có những cuộc họp 3 bên giữa người lao động, công ty và doanh nghiệp cung cấp thực phẩm để lắng nghe ý kiến người lao động. Nếu có ý kiến về chất lượng bữa ăn sẽ được giải quyết ngay. Bên cạnh diễn đàn tại các buổi đối thoại, hội nghị, công ty còn có 2 kênh để người lao động đề đạt ý kiến lên cấp lãnh đạo là thông qua Công đoàn công ty và qua hotline”, ông Tân cho biết.

Trong khi đó, với đặc thù hơn 80% là lao động nữ, Công ty CP Dệt may 29-3 (quận Thanh Khê) có những chính sách ưu tiên hơn cho lao động nữ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng. Chủ tịch Công đoàn công ty Lê Thị Hải Châu cho biết: “Là doanh nghiệp may nên công ty rất quan tâm, lắng nghe các nhu cầu của lao động nữ, tạo điều kiện về thời gian làm việc cho lao động nữ mang thai, lao động nữ nuôi con nhỏ, bố trí chỗ để xe, ghế ngồi cho phụ nữ có thai, định kỳ khám cho người lao động mang thai... Nhiều trường hợp lao động nuôi con nhỏ gặp khó, khi chia sẻ với công ty đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên lấy ý kiến các món ăn, thay đổi những món ăn người lao động không thích, thay đổi trang bị bảo hộ lao động khi không phù hợp, không tạo cảm giác thoải mái cho người lao động”.

Tại Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đà Nẵng, từ đầu năm, Công đoàn và ban lãnh đạo công ty đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị người lao động, ban hành các văn bản về thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời, công ty sửa đổi, bổ sung, ban hành công khai nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động,... Chủ tịch Công đoàn công ty Nguyễn Hữu Hòa cho biết, công ty tổ chức đối thoại 2 lần/năm. Tại đây, Ban Chấp hành Công đoàn tổng hợp các ý kiến để gửi lãnh đạo trả lời, giải đáp, xem xét giải quyết. Đối với các hội nghị người lao động sẽ có ban hành nghị quyết hội nghị để làm cơ sở kiểm tra, giám sát.

Phát huy vai trò cán bộ công đoàn

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hải Châu Lữ Trọng Phương, hằng năm, LĐLĐ quận tham mưu cho UBND quận ban hành các văn bản đề nghị các đơn vị thực hiện hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị người lao động. Năm qua, Công đoàn phối hợp các đơn vị liên quan triển khai hơn 20 cuộc kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, quy chế lao động, thực hiện dân chủ tại các đơn vị. Bên cạnh đó, LĐLĐ quận còn tham gia Ban chỉ đạo Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở quận Hải Châu. Đồng thời, chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm, đời sống, cũng như tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Văn Đại, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nếu nghiêm túc, bài bản và thiện chí sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc ổn định sản xuất. Do đó, lắng nghe người lao động cũng là cách để doanh nghiệp và công đoàn đổi mới các hoạt động, phúc lợi hoàn thiện hơn và tạo dựng quan hệ lao động bền vững. Thông qua thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, người sử dụng lao động hiểu hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Hiện nay, người lao động đã dần ý thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của bản thân trong thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy, quy chế của công ty. Những ý kiến tham gia của người lao động, nhất là những biện pháp, sáng kiến nâng cao năng suất lao động, an toàn lao động và những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động đều được lãnh đạo các doanh nghiệp ủng hộ cao, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

XUÂN HẬU

;
;
.
.
.
.
.