Siết chặt kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động

.

Để bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe, tính mạng công nhân lao động, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm mang lại môi trường làm việc an toàn, hiệu quả.

Người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn quận Liên Chiểu thực hành phương án chữa cháy do Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: L.P
Người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn quận Liên Chiểu thực hành phương án chữa cháy do Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: L.P

Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động

Xác định công nhân lao động là chủ thể chính trong thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn lao động cũng như thụ hưởng lợi ích từ việc này, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung chú trọng công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho công nhân. Bà Trần Như Thiên Mỵ, Tổng Giám đốc công ty cho hay, hằng năm, công ty chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp Công đoàn công ty xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ. Mỗi năm tổ chức 10-12 khóa đào tạo, huấn luyện cho người lao động, mỗi khóa khoảng 120-150 người tham gia.

Bên cạnh đó, công ty phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố huấn luyện sơ cấp cứu cho người lao động để xử lý khi có tai nạn xảy ra. Định kỳ hằng tháng, bộ phận phụ trách ATVSLĐ phối hợp các bộ phận kiểm tra toàn diện các văn phòng, nhà xưởng, kịp thời nhắc nhở các trường hợp có nguy cơ gây mất an toàn trong lao động, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy,… Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ, hướng dẫn phương pháp sản xuất, làm việc an toàn, 3 năm gần đây công ty không có tai nạn lao động xảy ra.

Tương tự, Công ty TNHH Morito Đà Nẵng hằng năm luôn chú trọng huấn luyện sơ cấp cứu cho người lao động. Qua đó, giúp người lao động nắm được các kỹ năng cấp cứu và trợ giúp, chăm sóc ban đầu cho người bị nạn ngay tại nơi làm việc trước khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; hạn chế tối đa các tổn thương, giảm thiểu các trường hợp tử vong, tạo điều kiện cho nạn nhân mau hồi phục. Trong khi đó, nhận thức rõ lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp là ngành nghề nặng nhọc độc hại, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) chú trọng phân cấp trách nhiệm ATVSLĐ cho từng cá nhân. Từ hội đồng ATVSLĐ, ban giám đốc, các phòng, ban, mạng lưới an toàn vệ sinh viên, phân xưởng đến từng người lao động đều được đào tạo và có trách nhiệm thực hiện các quy định về ATVSLĐ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong quá trình lao động sản xuất, giảm xảy ra tai nạn lao động.

Chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, việc chấp hành nghiêm các quy định về ATVSLĐ được hầu hết các doanh nghiệp lớn quan tâm. Trong khi đó, tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ còn nhiều sơ sài, chưa bảo đảm. Mặt khác, hầu hết các vụ tai nạn lao động thường xảy ra tại các công trình xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Do đó, các ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về ATVSLĐ.

Là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, UBND quận Liên Chiểu đặc biệt chú trọng công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động. Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Huỳnh Anh Vũ cho biết, định kỳ hằng năm, UBND quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn về thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ,… Song song đó, UBND quận phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động, hợp đồng lao động, chế độ tiền lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Tại quận Hải Châu, các phòng, ngành chức năng và UBND 13 phường thường xuyên thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các công trình xây dựng trên địa bàn. Trong đó, tập trung các công trình xây dựng nhà cao tầng có lao động làm việc trên cao và sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, các nhà thầu tư nhân… Qua kiểm tra nhắc nhở, yêu cầu các chủ công trình rà soát việc tổ chức thi công; kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư; hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm, sử dụng đúng, đủ phương tiện bảo hộ lao động trong quá trình làm việc,… Đồng thời, phát hiện, xử lý các đơn vị vi phạm theo thẩm quyền.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2013-2023, sở phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra hơn 300 doanh nghiệp, kiểm tra hơn 325 lượt doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ. Thanh tra sở xử lý vi phạm hành chính 176 vụ, xử phạt gần 2 tỷ đồng. Tại các địa phương, mỗi năm kiểm tra 20-25 doanh nghiệp về thực hiện ATVSLĐ, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.