Hằng năm, chợ hoa Tết luôn làm điểm đến của người dân thành phố để chọn mua các loại hoa để trang trí cho gia đình, cơ quan. Khác với mọi năm trước, chợ hoa Tết Giáp Thìn tan sớm, khi từ chiều 8-2 (29 Tết), nhiều tiểu thương tại chợ hoa Tết (khu vực Cung Thể thao Tiên Sơn) đã bắt đầu treo bảng hạ giá, giảm giá bất ngờ các loại hoa Tết nhằm cắt lỗ. Tại các khu vực khác như chợ hoa ở quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Cẩm Lệ cũng khá trầm lắng. Ở các khu vực chuyên kinh doanh hoa, cây cảnh trên địa bàn sức mua chậm do thưa thớt khách.
Tại chợ hoa Tết khu vực Cung Thể thao Tiên Sơn, một chủ hàng bán mai quê An Nhơn, Bình Định kể: "Tôi đưa ra gần 100 gốc mai để bán nhưng ế ẩm. Từ chiều nay (29 Tết), tôi quyết định hạ giá sâu để bán bù lỗ rồi thu dọn, thuê xe chở về Bình Định. Những gốc mai có giá 2-2,5 triệu đồng, giờ treo bảng bán 1 triệu đồng; có gốc mai thế vài năm tuổi chào bán giá 500 ngàn đồng nhưng cũng không có người mua”.
Nhiều tiểu thương nhận định chưa năm nào không khí chợ hoa xuân ảm đạm như năm nay. "Tôi hạ giá đến 80% với hy vọng bán được nhưng cả ngày hôm nay chưa có ai mua. Bán như cho mà cũng không có khách", một tiểu thương bán hoa ở khu vực góc đường Đỗ Bá - Ngũ Hành Sơn chia sẻ. Lý giải nguyên nhân sức mua bị giảm sút, nhiều thương lái tại Đà Nẵng cho rằng, có thể do năm qua tình hình kinh tế khó khăn nên các gia đình thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, lý giải trên chưa thật sự thuyết phục bởi dù gì hoa, cây cảnh vẫn luôn được nhiều gia đình tìm mua để trang trí đón Tết.
Một cái Tết đã đi qua để nhìn lại nhóm hàng hóa là hoa, cây cảnh ở góc độ thị trường để có định hướng sản xuất, kinh doanh ở năm sau. Nhìn lại thị trường hoa, cây cảnh năm nay và những năm trước hầu như lặp lại mô típ nâng giá bán cao so với giá trị thật của hàng hóa ở những ngày đầu giáp Tết. Sau đó đo đếm lượng khách hàng mà giảm giá dần về ngày cuối phiên chợ (30 Tết).
Tình trạng tồn hàng hoa, cây cảnh ở các chợ hoa Tết năm nay không thể đỗ lỗi cho kinh tế khó khăn, cho người mua so đo thắt chặc chi tiêu. Một khi đã kinh doanh, buôn bán sản phẩm, người bán cần dự trù, phải tính trước tình huống không bán được, sẽ bị lỗ hay lời chứ không phải chắc mẩm hay chờ đợi bán được, lời khẳm. Thử nhìn vào cây mai, ở thời điểm này tâm lý khách hàng Đà Nẵng đã có thay đổi, dịch chuyển từ việc chọn mai cúc đọt đỏ sang diệp mai vốn có nguồn gốc tại bản xứ. Do đó, khi cung ứng một số lượng mai cúc đọt đỏ đưa ra thị trường thì hiển nhiên sức mua yếu.
Khi bán được hàng sẽ không ai nói gì, nhưng khi không bán được giá cao, giá như mình mong muốn, phải bán giá thanh lý, nhiều người kêu ca, lên tiếng, thậm chí đập bỏ hàng. Người bán, ngoài làm chủ được thị trường, thì hiển nhiên phải biết hoa, cây cảnh không phải là mặt hàng thiết yếu. Trong thời điểm kinh tế đang khó khăn, rõ ràng người tiêu dùng phải lựa chọn giữa việc ưu tiên mua cái nào trước, cái nào mua sau và cái nào có thể không mua. Người ta chỉ mua cái không thiết yếu, theo nhu cầu, theo sở thích... khi giá của chúng rẻ, phải chăng, còn khi chúng đắt, họ sẽ không mua.
Thị trường hoa Tết Giáp Thìn còn chịu tác động bởi nguồn cung đa dạng về chủng loại và chất lượng như các loại hoa lan, hoa nhập ngoại. Ngoài ra còn có sự chia sẻ bởi các kênh bán hàng qua mạng…và kênh thương mại điện tử đang thực sự là thách thức cho loại hình thương mại truyền thống.
Hoa Tết và thị trường hoa Tết năm nay đã gợi mở ra một cách tiếp cận mới không chỉ ở khâu phân phối mà ngay cả từ khâu trồng trọt.
GIA PHÚC