Buổi sáng mùa xuân, trên cánh đồng còn sót lại ở phía tây thành phố, tôi gặp lại một trời tuổi thơ đầy thương mến. Hẳn nhiên, trên cánh đồng ấy, lúa đương thì con gái và nhiều những cánh cò đã di trú về đây. Bình yên quá đỗi.
Sản xuất hoa tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Ảnh: THANH NHÀN |
Đà Nẵng, tưởng rộng mà lại nhỏ đến độ thân thuộc như mạch máu trong lòng bàn tay vậy, đó là cách mà tôi hay nghĩ về mảnh đất đầu biển, cuối sông này. Mùa xuân đi về phía tây thành phố, nỗi nhớ tràn dâng khi bắt gặp những cánh cò trắng bình an trên cánh đồng mùa ải đất. Và khi vụ lúa mới bắt đầu, những cánh cò này sẽ quay trở lại, điểm xuyết lên bầu trời bình yên phía tây thành phố những nét chấm phá đẹp không cùng.
Phía tây thành phố là vùng đất cách mạng Hòa Vang, là những dấu tích một thời đạn bom, khói lửa trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Dọc theo hành trình mùa xuân, tôi về thăm Công viên văn hóa Bia chiến tích Gò Hà ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Công trình này được đầu tư xây dựng và đưa vào khánh thành năm 2022, đúng dịp kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng huyện Hòa Vang (28-3-1975 - 28-3-2022), giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2022). Thắp nén hương tri ân những bậc tiền hiền, anh hùng, liệt sĩ, tôi phóng tầm mắt bao quát lên toàn bộ tượng đài chính gồm bia - biểu tượng cho hình ảnh người chiến sĩ quân giải phóng kiên trung, anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung và trận đánh Gò Hà nói riêng.
Lòng chợt dâng lên một xúc cảm tự hào quá đỗi. Trên mảnh đất này, máu đỏ đã nhuộm đồng xanh, tô thêm màu cờ Tổ quốc, cho hôm nay quê hương xanh màu hy vọng, cho cuộc sống bình an theo mỗi nhịp tim mình. Và mảnh đất lửa, cháy lên thêm nhiều những sự tận hiến, cho mảnh đất lửa Hòa Vang, như vết son chói đỏ trong lịch sử Quảng Đà - Đà Nẵng hôm nay.
Ký ức quay về, rất chậm, trong nhiều những niềm tự hào mà có thể, với bất kỳ một ai, khi nghĩ về quê hương, tự trong hy sinh, đạn bom, khói lửa. Trong lịch sử chói ngời của mảnh đẩt Quảng Đà anh dũng, chiến thắng Gò Hà tháng 10-1965, là trận đánh xuất sắc, đánh dấu sự trưởng thành của Tiểu đoàn bộ binh R20. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Quảng Đà, cũng như Quân khu 5, lực lượng vũ trang địa phương đã tiêu diệt được 1 đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ trong công sự vững chắc với trang bị vũ khí hiện đại. Trận đánh thể hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, phát huy trí tuệ tập thể, nhận định chính xác tình hình, kiên trì bám trụ trận địa, chiến đấu đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ.
Và hôm nay, khi đất nước vẹn toàn độc lập, khi “đất lửa” Hòa Vang đang từng ngày thay da đổi thịt, thì công trình Công viên văn hóa Bia chiến tích Gò Hà là “nhân chứng sống” ghi lại một cột mốc quan trọng, có giá trị lịch sử to lớn, lưu giữ một giai đoạn lịch sử hào hùng trong quá trình đấu tranh cách mạng của quân dân ta, có giá trị đặc biệt trong xây dựng bản sắc văn hóa, giáo dục chính trị tư tưởng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Giáp Tết, tôi về lại Hòa Khương, trở lại thôn Phú Sơn Nam, để được thêm một lần nữa lắng nghe những sẻ chia tận đáy lòng của nhiều hộ gia đình nơi đây, đã tự nguyện hiến nhiều diện tích đất ở của gia đình, để cùng chính quyền xã, mở rộng đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng. Với mong muốn đóng góp một phần để làm cho quê hương đẹp giàu, khi địa phương triển khai thực hiện dự án Đường vào nghĩa trang thành phố và đường vào nghĩa trủng Phước Ninh, xã Hòa Khương, nhiều hộ dân nơi đây đã tự nguyện hiến đất và không nhận tiền đền bù giải tỏa. Nhiều hộ dân không giấu được niềm vui, tự hào vì đã góp được một phần vật chất để cùng với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bà Phạm Thị Mai, 50 tuổi, không giấu được xúc động khi nhắc về việc gia đình bà tự nguyện hiến hơn 200m2 đất, không nhận tiền đền bù, giải tỏa. Với gia đình bà Mai, mảnh đất này là toàn bộ tài sản hai vợ chồng tích góp nhiều năm, mua để sau này cho con trai làm nhà. Nhưng như cách bà Mai lý giải, quê hương gắn bó cả cuộc đời, giờ mình trao tặng quê hương một phần, cũng là cách mà mỗi người nên làm.
Tôi, đã có may mắn được gặp lại những nhân chứng lịch sử của sự kiện Gò Hà - những người cán bộ quả cảm và gan dạ. Những người ở tuổi xưa nay hiếm, khi nhắc đến những năm tháng sống, chiến đấu vì độc lập dân tộc, trên mảnh đất Hòa Vang, đã không ít lần đưa tay lau nước mắt. Cuộc đời như những thước phim chầm chậm quay trở lại, và từng khoảnh khắc vào sinh ra tử, với họ, là đã và đang sống thêm cuộc đời, ước mơ của nhiều đồng đội mình, đã hy sinh trên mảnh đất này.
Trong dòng chảy của lịch sử, ở phía tây thành phố, luôn lưu giữ trọn vẹn những trang sử hào hùng. Lịch sử sang trang nhưng những dòng huyết mạch của lịch sử vẫn chảy trong dòng máu mỗi người dân đất Việt, dù ở bất kỳ nơi nào, vẫn hướng về quê hương, nguồn cội và vẫn đứng lặng trước những chứng tích chiến tranh, để biết lựa chọn cho mình con đường ánh sáng, sống tiếp bước các thế hệ cha anh, trọn vẹn ân tình sau trước, trọn vẹn giấc mơ vượt thời gian để tự hào khi đặt tay lên ngực trái tim mình và hát Quốc ca.
Miệt mài dệt thời gian trên những khung thêu mang hình hài của nỗi nhớ, của những cung bậc cảm xúc khi tận sâu thẳm lòng mình, đã chạm được nơi tận cùng sâu nhất. Tôi tin như đã và đang ngắm mùa xuân bình an trên vùng đất phía tây thành phố. Vẫn ngắm trọn những cánh cò trắng chao nghiêng trên ruộng lúa xuân thì. Hành trình mùa xuân, hẳn sẽ phải bắt đầu từ những bình yên. Tôi tin vào trực giác của mình, gửi theo nhiều khát vọng trước mùa xuân mới.
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO