Giúp người khiếm thính tiếp cận các nền tảng mạng xã hội

.

Dự án chuyển đổi tiếng Việt sang ngôn ngữ ký hiệu thông qua hoạt hình 3D (Vi2VSL) của học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là một trong hai dự án được chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2024. Dự án được đánh giá cao về tính thực tiễn cũng như tính nhân văn đối với người khiếm thính.

Hai tác giả Lê Quang Phúc, Huỳnh Tấn Phúc tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố.  Ảnh: HÀ THU
Hai tác giả Lê Quang Phúc, Huỳnh Tấn Phúc tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố. Ảnh: HÀ THU

Phần mềm hệ thống Vi2VSL (Vietnamese to Vietnamese Sign Language) dịch các nội dung số từ tiếng Việt sang ngôn ngữ ký hiệu. Khi sử dụng hệ thống này, các video, văn bản sử dụng văn phạm tiếng Việt sẽ được dịch sang ngôn ngữ ký hiệu và được biểu diễn thông qua mô hình nhân vật hoạt hình 3D. Thông qua nhân vật 3D, những người khiếm thính có thể dễ dàng hiểu được nội dung các video, văn bản đang truyền tải.

Chia sẻ về dự án, hai tác giả Lê Quang Phúc, Huỳnh Tấn Phúc (học sinh 12A5, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) cho biết, khi xem các bản tin thời sự trên Đài Truyền hình Việt Nam thấy có kèm theo người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để truyền tải thông tin đến người khiếm thính. “Chúng em suy nghĩ tại sao không ứng dụng công nghệ thay cho người phiên dịch? Hơn nữa, nếu việc phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu chỉ hỗ trợ cho một vài chương trình thì người khiếm thính sẽ rất khó khăn khi theo dõi các chương trình không có phiên dịch viên hỗ trợ. Sau khi kiểm tra thông tin về các nghiên cứu và phần mềm phiên dịch ký hiệu hiện nay, chúng em nhận thấy chưa có phần mềm có thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn trên. Vì vậy, chúng em bắt tay vào việc thực hiện dự án Vi2VSL”, Lê Quang Phúc nói.

Cô Phạm Thị Thu Hà, giáo viên hướng dẫn cho biết thêm, đây là hai học sinh có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, luôn suy nghĩ làm cách nào sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề và tự động hóa mọi công việc hoàn toàn bằng máy móc, thay thế con người. Đồng hành hai em trong cuộc thi khoa học kỹ thuật năm 2022-2023 và 2023-2024, cô luôn định hướng, khuyến khích, động viên hai em chọn đề tài bằng trải nghiệm thực tế, quan sát những điều đơn giản trong cuộc sống.

Sau khi lên ý tưởng về dự án, cô Hà và hai em bắt tay vào thực hiện từ đầu năm học 2023-2024 để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường. Bên cạnh việc hoàn thành chương trình dạy và học, để đạt kết quả tốt nhất trong cuộc thi, cô - trò tranh thủ mọi thời gian, mọi lúc, trao đổi, thảo luận mọi ý kiến  để đạt được mục đích mà cô và các em đã đặt ra ban đầu. Với sự chăm chỉ, nỗ lực hết mình, không ngừng tìm tòi tài liệu và các phần mềm liên quan, các em từng bước xây dựng dự án. Kết quả ban đầu đoạt giải Nhất cấp trường; sau đó đoạt giải Đặc biệt cấp thành phố trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh năm 2023-2024. Qua từng vòng thi, nhận được các câu hỏi và góp ý từ ban giám khảo, cô - trò đã hoàn thiện thêm các mảnh ghép còn thiếu để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh sắp tới.

“Được tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh là niềm vinh dự, tự hào. Vì vậy, dưới sự hướng dẫn của cô, chúng em xem lại tỉ mỉ từng chi tiết để dự án có thể được hoàn thiện chỉnh chu nhất. Hơn nữa, theo một số nghiên cứu, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,4-1,5 triệu trẻ ra đời, tỷ lệ trẻ khiếm thính vĩnh viễn là 0,3-0,5%, như vậy mỗi năm có thêm trung bình 5.000 trẻ khiếm thính. Tuy nhiên, số lượng phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu chuyên nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Chúng em mong rằng trong tương lai, dự án có thể áp dụng được trong thực tiễn vì đích đến là hỗ trợ người khiếm thính tiếp cận đến các nền tảng mạng xã hội; có trải nghiệm trực quan, thú vị hơn khi tiếp xúc với các sản phẩm sử dụng văn phạm tiếng Việt. Đây cũng chính là niềm hạnh phúc nhất khi thực hiện dự án này”, Huỳnh Tấn Phúc bày tỏ.

HÀ THU

;
;
.
.
.
.
.