Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2020-2025) và Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng từ hơn 45% lên 47% vào năm 2025. Những năm qua, thành phố đã, đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh hoạt động Tết trồng cây và trồng rừng gỗ lớn để thực hiện mục tiêu nói trên và góp phần thực hiện tốt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ.
Người dân ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) ươm giống cây để phục vụ trồng rừng. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Keo lá tràm là loài cây đang được trồng phổ biến ở các cánh rừng sản xuất vì mang lại hiệu quả kinh tế, thậm chí nhiều người còn đặt tên là “cây xóa đói, giảm nghèo”. Với đặc tính không cần chăm bón, sống khỏe, thời gian thu hoạch ngắn... nên người trồng keo nhanh chóng thu hồi vốn, có tiền để phục vụ đời sống và tái... trồng keo.
Tuy nhiên, do keo sống khỏe, làm cho đất bạc màu nhanh. Sau khi thu hoạch keo, người dân lại phải đốt rừng để dọn thực bì và mặt bằng để chuẩn bị trồng nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tầng đất mặt cũng như dễ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài. Mặt khác, trong điều kiện biến đổi khí hậu, cây keo hút nhiều nước vào mùa nắng, gây lo ngại hạ thấp mực nước ngầm cũng như làm giảm dòng chảy cơ bản của các sông, suối. Chính vì thế, việc trồng cây bản địa và trồng cây gỗ lớn thay thế cây keo không chỉ mang lại kinh tế cao, lâu dài mà còn góp phần bảo vệ nguồn nước, giữ vững ổn định tỷ lệ che phủ rừng, hạn chế lũ lụt, sạt lở, bạc màu đất...
Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc nhìn nhận: “Dưới tác động của biến đổi khí hậu, cần thiết phải chuyển đổi mạnh mẽ trồng rừng sản xuất từ cây kéo lá tràm sang trồng rừng gỗ lớn”.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), xã không chỉ đang có 4.000ha rừng tự nhiên với 7 tiểu khu và 2.510ha rừng trồng, mà còn có nhiều hộ dân ươm và bán giống cây keo lá tràm. Thời gian qua, xã cũng đã vận động nhiều hộ có rừng sản xuất chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn thay thế cây keo lá tràm. Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Văn Bửu cho biết: “Ngoài việc vận động người dân bảo vệ rừng, tăng cường phòng chống cháy rừng, trồng và chăm sóc rừng để tăng độ che phủ rừng, UBND xã Hòa Phú đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn để góp phần thực hiện tốt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030. Hiện người dân trên địa bàn xã đã đăng ký thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu cây gỗ lớn theo Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 của HĐND thành phố với tổng diện tích hơn 350ha”.
Giữa tháng 1-2024, UBND xã Hòa Bắc và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) ký kết ghi nhớ hợp tác trồng rừng gỗ lớn tại thôn Tà Lang và Giàn Bí. Theo đó, các hộ dân sẽ được hỗ trợ cây giống, phân bón, chi phí trồng, chăm sóc và được hỗ trợ sinh kế để có điều kiện phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; đồng thời khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển mô hình vườn rừng... Ông Trần Xuân Trung (đồng bào Cơ tu, thôn Giàn Bí) chia sẻ, gia đình ông đang có 4ha rừng trồng keo lá tràm và đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi sang trồng cây sao đen và chò.
Ông Trần Long (đồng bào Cơtu, thôn Giàn Bí) cũng thông tin, sẽ trồng 1.300 cây sao đen trên diện tích 1,1ha để thay thế cây keo lá tràm và cam kết trồng, chăm sóc cây đúng quy trình kỹ thuật. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Trương Thanh Nhân cho biết, có 11 hộ dân ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí mới đăng ký trồng rừng gỗ lớn với các loại cây như: chò, sao đen, lát hoa, dỗi xanh, lim... với tổng diện tích 26,1ha. Diện tích này sẽ được trồng ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Cùng với đó, trên địa bàn xã cũng có 16 hộ dân khác đăng ký được hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 254/20199/NQ-HĐND của HĐND thành phố với tổng diện tích 281,29ha; trong đó có 251,31ha rừng trồng mới và 29,98ha được chuyển từ cây gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn.
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hòa Vang Lê Đình Thám cho biết, huyện có hơn 58.000ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Người dân trên địa bàn huyện rất hưởng ứng tham gia chương trình trồng cây gỗ lớn để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ rừng và góp phần thực hiện tốt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ. Từ năm 2021 đến 2023, thành phố đã chi từ ngân sách hơn 20,8 tỷ đồng và huy động nguồn xã hội hóa hơn 14,5 tỷ đồng để tập trung trồng hơn 1,018 triệu cây xanh (hơn 557,8ha rừng). Dự kiến trong giai đoạn 2024-2025, thành phố trồng hơn 2,133 triệu cây xanh (960ha rừng).
Phó Chi cục Biển, đảo và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Võ Thành cho hay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình UBND thành phố kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Thành ủy về việc tổ chức phát động thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 trong năm 2024 kết hợp ra quân thực hiện Tết trồng cây. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã triển khai mua sắm, gieo ươm được hơn 330.011 cây giống các loại (phần lớn là cây giống phục vụ trồng rừng) để chuẩn bị cho hoạt động Tết trồng cây sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
HOÀNG HIỆP