Các bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều hoạt động, mang đến trải nghiệm mới cho du khách nhằm tăng sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tham quan, phát huy các giá trị văn hóa, đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng.
Các bảo tàng đầu tư, triển khai nhiều hoạt động mang đến những trải nghiệm mới, thu hút du khách. TRONG ẢNH: Khách tham quan Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn).Ảnh: VH |
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là nơi lưu giữ hơn 2.000 hiện vật và trưng bày thường xuyên hơn 400 hiện vật tiêu biểu, đặc biệt trưng bày, lưu giữ và bảo vệ 9 bảo vật quốc gia. Năm 2023, bảo tàng thu hút hơn 170.000 khách tham quan nội địa và quốc tế, tăng hơn 257% so với năm 2022. Tháng 11-2023, không gian trưng bày văn hóa Chăm được đưa vào hoạt động, tạo điểm nhấn mới thu hút du khách. Nơi đây có khoảng 150 hiện vật, được trưng bày theo 6 chuyên đề, gồm: đời sống sinh hoạt - tôn giáo tín ngưỡng, chữ viết, trang phục, nhạc cụ, lễ hội và làng nghề truyền thống.
Tham quan không gian trưng bày, ông Cường Nguyễn (du khách đến từ Mỹ) bày tỏ ấn tượng về văn hóa, giá trị nghệ thuật và tính thẩm mỹ trong trang phục của người Chăm. Các hiện vật được trưng bày rất đa dạng, sinh động, giúp cho ông cùng gia đình hiểu thêm về đời sống văn hóa, phong tục tập quán của người Chăm. “Mỗi khu vực trưng bày hiện vật đều được giới thiệu bằng tiếng Việt, tiếng Anh và hình ảnh minh họa nên du khách rất dễ hình dung. Nếu bảo tàng có thêm dịch vụ thuê trang phục truyền thống của người Chăm để du khách chụp ảnh, check-in thì sẽ ấn tượng”, ông Cường gợi ý.
Tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà, Bảo tàng Đồng Đình với diện tích rộng khoảng 10.000m2, là một trong những bảo tàng tư nhân nổi tiếng tại Đà Nẵng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử và tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên. Bảo tàng có 4 không gian tham quan, gồm: khu ký ức làng chài, 2 nhà trưng bày cổ vật và khu dân tộc học. Trong đó, không gian ký ức làng chài là nơi tái hiện rõ nét, chân thực và sinh động về đời sống của ngư dân làng chài Nam Thọ xưa (nay là phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).
Vào mùa du lịch, bảo tàng là địa điểm nổi tiếng để tham quan, check-in, chụp ảnh của giới trẻ. Anh Đỗ Văn Phú (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết, đây là lần thứ 3 gia đình anh đến bảo tàng. Không gian xanh mát nơi đây là điểm nhấn thu hút anh cùng nhiều du khách. “Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử mà lưu giữ sự bình yên, xanh mát và trong lành của núi rừng Sơn Trà. Đây là điều làm tôi ấn tượng khi đặt chân đến bảo tàng”, anh Phú nói.
Chỉ mới gần 1 năm đưa vào hoạt động, nhưng Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) đã trở thành điểm đến ấn tượng, hấp dẫn khách đến Đà Nẵng. Tại đây, du khách sẽ được tham quan các khu vực trưng bày, tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.
Chị Trần Thị Linh (du khách từ Hải Phòng) chia sẻ, bảo tàng có vị trí gần Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn nên rất thuận tiện để người dân, du khách kết hợp tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương; các hiện vật trưng bày tại bảo tàng gợi mở cho người xem về hình ảnh của làng nghề. Chị Linh hy vọng bảo tàng sẽ có thêm nhiều hoạt động để quảng bá, thu hút và tạo ấn tượng với du khách trong nước, quốc tế.
Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Bảo tàng ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước nhìn nhận, bảo tàng là nơi lưu giữ những giá trị và “ký ức” chân thực của làng nghề điêu khắc đặc biệt của Đà Nẵng qua từng giai đoạn lịch sử. Đây là bản sắc riêng, điểm nhấn thu hút công chúng. Để giới thiệu rộng rãi đến người dân và du khách khi đến Đà Nẵng, bảo tàng sẽ tiếp tục xúc tiến, liên kết với các đơn vị du lịch, lữ hành; qua đó, tạo điểm đến ấn tượng về du văn hóa, hướng đến phát triển bền vững.
THIÊN NGUYỆN