Chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn trong nước và quốc tế là xu hướng mà các trường đại học hướng đến. Mục tiêu là giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập, nâng cao các kỹ năng cần thiết của một công dân toàn cầu.
Sinh viên quốc tế tham gia chương trình trao đổi ngắn hạn tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh. Ảnh: NGỌC HÀ |
Đa dạng môi trường học tập
Từ năm 2022, 10 cơ sở giáo dục đại học khối kinh tế trên cả nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo đảm chất lượng giáo dục. Một trong những nội dung ký kết là sinh viên có cơ hội được học tập trao đổi các khóa học ngắn và dài hạn ở những trường trong khối. Theo đó, học kỳ I năm học 2023 - 2024, có 2 sinh viên Học viện Ngân hàng đến học tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng); nhà trường gửi 7 sinh viên học chương trình trao đổi tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Thực hiện trao đổi sinh viên, trước mỗi học kỳ, Trường Đại học Kinh tế đều gửi thời khóa biểu dự kiến đến 9 trường còn lại trong khối trường đào tạo kinh tế. Dựa trên thời khóa biểu dự kiến này, sinh viên muốn tham gia chương trình trao đổi sẽ chọn lựa các môn học, cân đối số tín chỉ phù hợp để đăng ký tại trường mình đang học. Vũ Ngọc Kiều Giang, sinh viên năm 3 chuyên ngành Ngoại thương (Trường Đại học Kinh tế), tham gia trao đổi sinh viên một tháng tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở Vĩnh Long) chia sẻ, chương trình liên kết là cơ hội để trải nghiệm môi trường học tập khác, kết nối thêm bạn bè ở nhiều trường học trên cả nước. Ngoài giờ học, sinh viên được giao lưu văn nghệ, tham gia thi đấu thể thao; trải nghiệm một ngày là thanh niên tình nguyện trong chuỗi chương trình tình nguyện...
Không chỉ trao đổi sinh viên trong nước, các trường đại học cũng đẩy mạnh chương trình trao đổi quốc tế với các trường đại học nước ngoài. Hằng năm, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) đón sinh viên đến trao đổi, giao lưu và gửi sinh viên tham gia các chương trình trao đổi với các trường đại học ở Anh, Hoa Kỳ, Úc, Na Uy, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hungrary...
Các chương trình này không chỉ bao gồm các kỳ trao đổi ngắn hạn mà còn có các chương trình kéo dài một hoặc hai học kỳ, đáp ứng nhu cầu và mong muốn đa dạng của sinh viên. Phạm Như Uyên Nhi (sinh viên năm cuối chuyên ngành Quản trị và Kinh doanh quốc tế, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) cho biết, điều ấn tượng nhất là trải nghiệm môi trường học tập và nền văn hóa của nước bạn và có điều kiện trau dồi, nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Thúc đẩy trao đổi ngắn hạn
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho hay, sau ký kết hợp tác, 3 trường đào tạo khối ngành (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán) gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) và Trường Đại Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã có nhiều buổi làm việc ở cấp độ các khoa để trao đổi việc tổ chức các khóa học ngắn hạn, xây dựng kho học liệu, bài giảng chung theo hướng chuyển đổi số “Ưu điểm lớn nhất của mô hình là sự chia sẻ trong đầu tư nguồn lực. Mỗi trường có những môn học được xem là thế mạnh.
Với sự công nhận tín chỉ lẫn nhau, sinh viên được lựa chọn môn học và giảng viên của một trong ba trường để có kiến thức tốt nhất cho định hướng nghề nghiệp. Nhà trường đang thúc đẩy trao đổi mô hình này để sinh viên có cơ hội học chung các giảng viên tốt nhất của 3 trường”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.
Trong khi đó, PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng nhìn nhận, trao đổi sinh viên giữa các trường trong cùng khối, ngành đào tạo mới chỉ ở giai đoạn khởi động. “Đây là quy trình mới nên các trường phải bổ sung trong xây dựng phần mềm để có thể lưu trữ thông tin sinh viên thuộc diện trao đổi. Việc này không chỉ phục vụ cho công tác quản lý sinh viên trước mắt mà còn tính đến trường hợp sau này, cựu sinh viên quay trở lại trường xin xác nhận thông tin về quá trình học tập”, PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh nói.
Đối với trao đổi sinh viên quốc tế, bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh cho rằng, thuận lợi lớn nhất của chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn với các trường quốc tế mở ra cánh cửa cho sinh viên tiếp cận với một môi trường giáo dục mới, có thể học hỏi các phương pháp tiên tiến và đổi mới sáng tạo từ các trường đại học uy tín ở nước ngoài. Điều này không chỉ giúp sinh viên mở rộng kiến thức và kỹ năng của mình mà còn tạo cơ hội để họ phát triển sự hiểu biết về văn hóa và xã hội toàn cầu, tăng cường khả năng thích nghi và làm việc trong môi trường đa văn hóa.
Tuy nhiên, bà Hương cho rằng việc triển khai các chương trình trao đổi sinh viên cũng đặt ra một số thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là bảo đảm rằng mọi sinh viên đều có cơ hội tham gia, bất kể hoàn cảnh kinh tế của họ. Viện hỗ trợ tài chính một phần cho sinh viên thông qua học bổng và hợp tác với trường đại học đối tác, nhưng cần có hỗ trợ nhiều hơn từ các tổ chức đối tác và cộng đồng doanh nghiệp để mở rộng quy mô này.
NGỌC HÀ