Trước đến nay ai cũng nghĩ những năm tháng càng về “xế chiều” của cuộc đời, con người càng có xu hướng thấy cuộc sống nhiều màu xám hơn. Nhưng Báo cáo hạnh phúc thế giới vừa công bố nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 năm nay lại cho thấy những thay đổi tinh tế khi báo động về tâm trạng “kém vui” phổ biến của những người còn đang rất trẻ.
Việc thiếu cơ hội học hành, đào tạo và thiếu nhà ở được cho là những nguyên nhân phía sau tâm thế đáng lẽ vốn là lạc quan của những người trẻ thuộc thế hệ “gen Z”. Dường như có điều gì đó không được như kỳ vọng đối với những người trong độ tuổi 15-24 tại các nước như Vương quốc Anh, Mỹ, Úc và trên khắp châu Âu. Bảng xếp hạng được thiết lập dựa trên đánh giá của bản thân các cá nhân tham gia khảo sát, và còn căn cứ vào các tiêu chí khác như GDP trung bình đầu người, sự hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, mức độ tự do, sự hào phóng và tình trạng tham nhũng của mỗi quốc gia.
Người trẻ hoang mang trước tương lai
AFP dẫn báo cáo cho thấy, dù không phải tất cả thanh-thiếu niên bi quan, nhưng có một số lượng lớn và ngày càng tăng trong nhóm tuổi này cảm thấy hoang mang trước thực tế khó tìm việc làm trong khi kỹ năng trang bị còn sơ sài và thị trường lao động thì mỗi năm lại khắc nghiệt hơn. Có thể mạng xã hội là một phần nguyên nhân dẫn tới trạng thái sa sút sự tự tin cũng như tước đi niềm hạnh phúc của người trẻ. Tuy nhiên, chính sự thiếu cơ hội giáo dục, thiếu đào tạo kỹ năng và thiếu nhà ở giá phải chăng được cho mới là những nguyên nhân chính khiến tâm trạng của “gen Z” không hạnh phúc như báo cáo ghi nhận.
Những người trẻ ngày càng trở nên giống với cha mẹ họ hơn, những người luôn cảm thấy mình bị bao vây và kiệt sức với rất nhiều trách nhiệm đời sống. Việc học đại học giờ đây không còn là sự bảo đảm chắc chắn cho ổn định tài chính cũng như hạnh phúc tinh thần. Bên cạnh đó, những người không học tiếp lên cao cũng trầy trật hơn khi tìm cơ hội tập sự cũng như các khóa học nghề nghiệp khác để tìm nghề mưu sinh tốt, giúp nâng cao vị thế xã hội, thu nhập cũng như lòng tự tôn.
Tổ chức từ thiện Intergenerational Foundation viết: “Những người trẻ trưởng thành đang phải chịu “đòn” giáng từ mọi phía do sự kết hợp tai hại của chính sách, cuộc khủng hoảng nhà ở có giá phải chăng, lương không tăng và chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi thế hệ này đang trải qua các cấp độ tinh thần sa sút khi tương lai của họ có vẻ quá ảm đạm”.
Trong khi người trẻ đang ngày càng nhận thấy họ không hạnh phúc, thì các thế hệ lớn tuổi hơn lại cho thấy những mức độ hài lòng với cuộc sống cao nhất. Sự giàu có mang theo cảm giác hạnh phúc và thu nhập cao cũng vậy, đây chính là lý do khiến tâm trạng tích cực được cải thiện hơn ở hầu hết những người sắp hoặc đã được nhận lương hưu.
Vì sao Phần Lan lại giữ ngôi đầu?
Năm nay là năm thứ 7 liên tiếp Phần Lan duy trì “ngôi vị” là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Các nước Bắc Âu khác là Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển cũng thuộc top 10. Lần đầu tiên, kể từ khi Báo cáo Hạnh phúc thế giới được công bố hơn một thập niên trước, Mỹ và Đức “rớt” khỏi top 20, chỉ ở vị trí lần lượt là 23 và 24. Bà Jennifer De Paola, chuyên gia nghiên cứu về hạnh phúc tại Đại học Helsinki (Phần Lan), lý giải chính sự kết nối gần gũi với thiên nhiên và sự cân bằng lành mạnh giữa đời sống và công việc là yếu tố căn cốt mang lại cảm giác hài lòng trong cuộc sống người dân Phần Lan.
Bên cạnh đó, người Phần Lan “có nhận thức dễ đạt được hơn trong quan niệm thế nào là cuộc sống thành công”, nếu so sánh với ví dụ khác là Mỹ, nơi mà sự thành công thường gắn với thành tựu về tài chính. Ngoài ra, một xã hội có chế độ phúc lợi tốt, người dân tin tưởng vào chính quyền, nạn tham nhũng ít, trong khi giáo dục và y tế được miễn phí cũng là những yếu tố rất quan trọng mang lại “ngôi quán quân” cho Phần Lan.
Đáng lưu ý, nhóm “hạnh phúc nhất” không còn gồm những nước lớn nhất thế giới nữa. “Trong top 10 chỉ có Hà Lan và Úc có dân số hơn 15 triệu. Trong top 20 chỉ có Canada và Vương quốc Anh có dân số hơn 30 triệu”.
TRẦN ĐẮC LUÂN