Thực hiện Thông tư số 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện, hoạt động công tác xã hội tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố ngày càng hiệu quả, hỗ trợ chu đáo cho bệnh nhân, nâng cao sự hài lòng của người bệnh.
Nhân viên Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng trao suất ăn cho bệnh nhân khó khăn. Ảnh: L.P |
Cầu nối yêu thương
Đầu năm 2024, chị Arất Thị Dây (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đến Bệnh viện Phụ sản Nhi - Đà Nẵng sinh mổ 2 bé trai. Qua khám sàng lọc sau sinh, 2 bé được chẩn đoán mắc bệnh tứ chứng Fallot, kèm thiếu men, biến chứng suy tim. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương để mổ tim, chi phí chuyển viện bằng xe cấp cứu khoảng 15 triệu đồng. Gia đình chị Dây thuộc hộ nghèo, thu nhập thấp, còn 2 con nhỏ ở quê. Để hỗ trợ bệnh nhân, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 16 triệu đồng giúp gia đình đưa 2 bé chuyển viện điều trị kịp thời.
Tương tự, chị Hồ Thị Ngôi (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) sinh non bé trai ở tuần 30, được chẩn đoán thận ứ nước, suy thận. Tháng 1-2024, chị Ngôi đưa bé nhập viện điều trị tại Khoa Nhi sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Sau thăm khám, bệnh nhi được phẫu thuật hẹp van niệu đạo sau, kèm nhiễm trùng huyết và chỉ định dùng thuốc điều trị ngoài danh mục bảo hiểm y tế với liệu trình điều trị ít nhất 14 ngày, chi phí mỗi ngày 900.000 đồng. Gia đình chị Ngôi thuộc hộ nghèo, là đồng bào thiểu số, thu nhập bấp bênh nên không có khả năng chi trả chi phí điều trị. Sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Công tác xã hội xác minh hoàn cảnh, vận động mạnh thường quân hỗ trợ hơn 21 triệu đồng giúp gia đình chi trả chi phí điều trị và sinh hoạt. Sau thời gian điều trị, tháng 4-2024, bệnh nhân xuất viện, được Phòng Công tác xã hội kết nối hỗ trợ chuyến xe miễn phí về nhà.
Đại diện Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội, bên cạnh hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề cho người bệnh, phòng còn thường xuyên tìm nguồn lực, vận động, tiếp nhận tài trợ từ mạnh thường quân để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân người đồng bào thiểu số, gặp khó khăn đột xuất, cơ nhỡ cả về vật chất và tinh thần. Từ đầu năm đến nay, phòng vận động, kết nối hỗ trợ 51 trường hợp bệnh nhân khó khăn khẩn cấp, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng; đồng thời kết nối hỗ trợ 10 chuyến xe miễn phí giúp bệnh nhân chuyển viện, xuất viện.
Nhiều mô hình nhân văn
Song song hỗ trợ bệnh nhân nội trú, tháng 4-2022, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thực hiện chương trình “Xe đẩy yêu thương”. Chị Đoàn Thị Hồng Vân, nhân viên Phòng Công tác xã hội cho biết, thấu hiểu sự vất vả của những người mẹ đưa con nhỏ đến khám bệnh, vừa bồng con, vừa mang hành lý và làm các thủ tục, phòng đã phát động quyên góp xe đẩy giúp các mẹ thuận tiện hơn trong quá trình đi lại. “Chương trình “Xe đẩy yêu thương” ra đời như một “cánh tay” đắc lực, vừa giúp các bà, các mẹ đỡ vất vả, mệt nhọc vì phải bế con trong thời gian dài, vừa giúp các bé có chỗ nằm thoải mái để ngủ nghỉ sau chuyến xe dài”, chị Vân chia sẻ.
Hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện Đà Nẵng cũng được triển khai đa dạng, hiệu quả. Đại diện Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, năm 2023, phòng tiếp nhận và hỗ trợ 116 bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 1.228 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ bệnh nhân khó khăn với tổng số tiền hơn 2,72 tỷ đồng; phát miễn phí trung bình 720 suất ăn/ngày cho bệnh nhân khó khăn; phối hợp với các tiệm tóc cắt tóc miễn phí cho người bệnh 2 tuần/lần; kết nối 103 chuyến xe miễn phí đưa bệnh nhân xuất viện an toàn.
Đặc biệt, để tiếp thêm tinh thần cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phòng triển khai “Thư viện tóc” đặt tại Khoa Ung bướu để người bệnh mượn tóc, đổi tóc khi có nhu cầu; đặt “Kệ bánh yêu thương” tại Khoa Thận nhân tạo và Ung bướu để bệnh nhân bổ sung thêm năng lượng trong quá trình điều trị… Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2024, Phòng Công tác xã hội vận động, tiếp nhận hỗ trợ 829 lượt bệnh nhân khó khăn, tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; kết nối hỗ trợ 63 chuyến xe miễn phí đưa bệnh nhân xuất viện.
Với đặc thù bệnh nhân là đối tượng yếu thế, các hoạt động công tác xã hội ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, có phần đặc biệt hơn. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được tham gia liệu pháp tái thích ứng xã hội với nhiều hoạt động như: trồng rau, rửa xe máy, làm các sản phẩm thủ công: làm chiếu, đan móc, may quần áo, làm hoa nhựa… Các sản phẩm làm ra vừa bán gây quỹ, vừa phục vụ nhu cầu của người bệnh.
Anh Nguyễn Thành Minh H. (SN 1990, tỉnh Quảng Nam) điều trị tại bệnh viện gần 2 tháng nay. Mỗi ngày, anh H. có 4 tiếng để làm các hoạt động trị liệu như: rửa xe máy, gấp bì đựng hồ sơ. Nhờ tham gia các hoạt động, anh H. cảm thấy tinh thần phấn chấn, tập trung hơn và đỡ nhàm chán trong quá trình điều trị bệnh. Đều đặn thứ Sáu hằng tuần, Khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện tổ chức hoạt động chung như: làm bánh, nấu chè. Bệnh nhân được đi chợ, siêu thị mua nguyên liệu, tự tay nấu món ăn và cùng thưởng thức. Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng Trần Nguyên Ngọc cho biết, các hoạt động trị liệu vừa giúp cải thiện trạng thái tinh thần cho người bệnh, vừa có tác dụng hướng nghiệp để bệnh nhân tìm được công việc phù hợp, yêu thích sau khi khỏi bệnh. Qua đó giúp người bệnh dần tái thích ứng xã hội, hòa nhập cộng đồng.
LAM PHƯƠNG