Thực hiện chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phối hợp Công an thành phố triển khai cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu. Ảnh: L.P |
Sau khi chấp hành xong án phạt tù thời hạn hơn 2 năm vì tội gây gổ đánh nhau, anh Nguyễn Đức T. (31 tuổi, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) trở về địa phương, quyết tâm tu chí làm ăn. Nhận thấy anh T. quyết chí hoàn lương, có nhu cầu vay vốn làm ăn, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu cho vay 100 triệu đồng giúp anh mở rộng kinh doanh dịch vụ giặt ủi. Sau khi có vốn, anh T. đầu tư thêm máy giặt, sấy chuyên dụng, mua hóa chất giặt xả, nâng cấp cơ sở kinh doanh và chạy quảng cáo để thu hút khách hàng. Nhờ đầu tư bài bản, chất lượng dịch vụ tốt, cơ sở giặt ủi của anh T. ngày càng đông khách. “Tôi có lượng khách hàng ổn định, nhiều khách quen nên thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày. Số tiền này ngoài chi tiêu sinh hoạt, tôi góp tiết kiệm 2 triệu đồng/tháng để hoàn trả gốc và lãi trong thời gian sớm nhất”, anh T. chia sẻ.
Anh Nguyễn Quốc T. (SN 1982, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) từng đi tù vì tội đánh bài qua mạng. Sau lần ấy, anh T. hối hận, quyết tâm làm lại cuộc đời để chăm lo cho 2 con. Sau khi biết đến chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, anh T. làm hồ sơ xin vay 50 triệu đồng. Có vốn, anh mua tủ, bàn ghế, máy làm bánh và lắp mái che để mở quán bán nước ép và bánh nướng. Chăm chỉ, chịu khó, công việc kinh doanh của anh T. ngày càng ổn định. “Sau khi trừ chi phí, tôi thu nhập 400.000 - 600.000 đồng/ngày. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư thêm vật dụng bán các món ăn mới để nâng cao thu nhập”, anh T. nói.
Ông Trần Oanh Vũ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu cho biết, hiện có 6 hộ vay vốn theo chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tổng dư nợ 390 triệu đồng. Các hộ được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian tối đa 10 năm để phục vụ kinh doanh, buôn bán. Tính đến hiện tại, các hộ vay đều chấp hành trả lãi, góp vốn đúng thời gian quy định.
Tương tự, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang cũng giải quyết cho 4 hộ vay theo chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tổng dư nợ 330 triệu đồng. Sau khi chấp hành xong án phạt, anh Bùi Anh T. (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) quyết tâm hoàn lương, vay 100 triệu đồng với lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo 6,6%/năm để làm vốn kinh doanh. Sau khi được giải ngân, anh T. mua sắm vật dụng, bàn ghế và mở bán quán ăn. Sau gần 4 tháng mở quán, anh T. buôn bán thuận lợi, thu nhập ổn định và tham gia góp tiết kiệm trả lãi và gốc đúng hạn.
Bà Dương Thị Tứ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn 50 (phường Hòa Khánh Bắc) cho biết, đang quản lý 42 hộ vay vốn, trong đó có các hộ vay theo chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Để các chương trình vay vốn bảo đảm hiệu quả, đều đặn ngày 14 hằng tháng, đại diện tổ tiết kiệm vay vốn đến từng nhà, vừa đôn đốc các hộ trả lãi đúng hạn, vừa nhắc nhở, động viên các hộ tập trung làm ăn, phát triển kinh tế.
Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho biết, tính đến nay, chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã giải quyết cho 24 khách hàng vay vốn với tổng số tiền 1,75 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho những người từng lầm lỡ có điều kiện ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và Công an thành phố ký kết chương trình phối hợp, xác định rõ nguyên tắc, hình thức, nội dung phối hợp giữa hai đơn vị; đồng thời phân công trách nhiệm của từng đơn vị trong việc tư vấn, hỗ trợ thông tin, nhận ủy thác, tổ chức bình xét cho vay, giám sát sử dụng vốn vay bảo đảm hiệu quả.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù quy định: đối tượng được vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Mức vốn cho vay để đào tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng/người. Mức vốn cho vay để sản xuất, kinh doanh tối đa 100 triệu đồng/người. Các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở kinh doanh. Thời hạn vay tối đa 120 tháng. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo quy định từng thời kỳ. |
LAM PHƯƠNG