Chế tạo mực viết, màu từ rác hữu cơ

.

ĐNO - Sau thời gian dài nghiên cứu với sự hướng dẫn của giảng viên, nhóm năm sinh viên của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh thuộc Đại học Đà Nẵng đã hiện thực hóa ý tưởng làm ra loại mực viết, màu vẽ đặc biệt từ nguồn rác thải hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhóm nghiên cứu sản phẩm mực viết, màu vẽ từ rác thải hữu cơ.
Nhóm nghiên cứu sản phẩm mực viết, màu vẽ từ rác thải hữu cơ.

Tháng 6-2023, nhóm bắt đầu nghiên cứu với quyết tâm tìm cách tái sử dụng triệt để nguồn nguyên liệu hữu cơ bị thải loại ra môi trường từ các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh... Sau giờ lên lớp học tập, các bạn sinh viên đã đi đến các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh ăn uống, chợ truyền thống, siêu thị, cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố để thực hiện khảo sát thực tế. 

Qua quan sát, nhóm ước tính lượng rau củ quả bị loại bỏ hằng ngày có thể lên đến nhiều tấn. Một con số có thể nói là khủng khiếp đó càng thôi thúc nhóm hành động với mục tiêu tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu hữu cơ này bằng việc sản xuất mực viết và màu vẽ.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh PGS.TS Giang Thị Kim Liên là người trực tiếp hướng dẫn nhóm dự án Botanical Inks đánh giá rất cao ý tưởng sáng tạo, tính ứng dụng và tiềm năng phát triển của dự án do nhóm sinh viên thực hiện. Nhóm đã thành công về mặt kỹ thuật, sản phẩm cũng như ý nghĩa về mặt nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêu dùng xanh, sạch và bảo vệ môi trường.

Theo đó, mực viết và màu vẽ từ nghiên cứu của nhóm sinh viên đã giải quyết cùng lúc hai vấn đề. Đó là vừa tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ vừa tạo ra một dòng mực thực vật an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Nhóm trưởng Trần Nhân Kiệt cho biết ý tưởng sử dụng rau củ quả bị loại bỏ để tạo ra mực viết và màu vẽ được nhóm hình thành khoảng một năm về trước thông qua việc nhận thấy ô nhiễm môi trường do rác thải hữu cơ trên địa bàn thành phố đang là vấn đề đáng báo động, trong khi lượng thực phẩm bị vứt bỏ ở các chợ, siêu thị và cơ sở chế biến là rất lớn. Lượng phế phẩm thực vật này bị bỏ chủ yếu do hỏng, quá chín hoặc không đạt tiêu chuẩn để sử dụng an toàn. Điều này gây lãng phí tài nguyên nghiêm trọng và tạo ra nhiều bãi rác, góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường.

Để tạo ra mực viết và màu vẽ từ thực vật, nhóm đã nghiên cứu và áp dụng các kỹ thuật chiết xuất, tinh chế và ổn định màu sắc dựa trên hợp chất anthocyanin - một nhóm sắc tố có trong thực vật tự nhiên.

Theo đó, nhóm tiến hành các bước như thu thập nguyên liệu, xử lý sơ bộ, chiết xuất sắc tố, lọc và nồng độ hóa để thu được các dung dịch màu sắc đa dạng, an toàn.

Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm với nhiều tâm huyết và sự đồng lòng, sáng tạo, cuối cùng nhóm đã thu được những lọ mực, màu vẽ thực vật mang tên "Botanical Inks" đầu tiên trong niềm vỡ òa hạnh phúc. 

Trần Tuấn Kiệt chia sẻ thêm, sản phẩm có tốc độ khô nhanh gấp sáu lần so với màu nước thông thường, có độ bền màu cao, an toàn cho sức khỏe người sử dụng và môi trường. Sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ và tính bền vững sẽ làm nên sự khác biệt của Botanical Inks so với các sản phẩm màu vẽ truyền thống hiện đang được sử dụng.

Tuy nhiên, để đi đến thành công với việc tạo ra những sản phẩm mực viết và màu vẽ như ý, nhóm đã gặp không ít thách thức, đặc biệt là trong việc tối ưu hóa quy trình trích ly và ổn định màu sắc của các dung dịch. Để tìm ra được những thông số kỹ thuật phù hợp để đạt được chất lượng sản phẩm như mong muốn, nhóm phải thử nghiệm rất nhiều lần, kiên trì điều chỉnh các thông số. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định và đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng là một thách thức.

Nhóm đã mạnh dạn đưa Dự án Mực thực vật Botanical Inks tham gia cuộc thi Khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2024. Dự án của nhóm đã vượt qua hàng trăm dự án trên toàn quốc để lọt vào top 50.

Cùng với đó, nhóm đã đưa sản phẩm Botanical Inks vào thực hiện thử nghiệm tại một số trường mỹ thuật, trung tâm sáng tạo và một số họa sĩ ở thành phố. Các giảng viên, họa sĩ chuyên môn đều đánh giá rất cao chất lượng, độ bền màu và tính an toàn của những sản phẩm này.

Họa sĩ Bá Hương là người đã sử dụng màu thực vật của nhóm trong để thực hiện các tác phẩm của mình cho biết, anh rất ấn tượng bởi màu sắc rực rỡ, tươi mới và khả năng tạo nên những đường nét mềm mại của sản phẩm, từ đó giúp cho sản phẩm “sáng hơn”, tập trung sự thu hút của người xem.

Trong khi đó, theo đánh giá của giảng viên Huỳnh Thanh Hoàng, việc sử dụng nguyên liệu không chứa hóa chất tổng hợp, đảm bảo an toàn cho người dùng là tiêu chí rất quan trọng, đặc biệt sản phẩm có nguồn gốc thực vật là xu hướng mới không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai, góp phần mang lại việc hình thành các sản phẩm nghệ thuật “xanh”.

Phạm Như Uyên Nhi, một thành viên của nhóm cho biết, nhóm hiện có kế hoạch mở rộng thêm lĩnh vực màu nhuộm vải. "Từ những ưu điểm của sản phẩm, nhóm tin tưởng có thể tạo ra sự khác biệt khi phát triển công thức nhuộm mới, mở rộng danh mục sản phẩm để có thể cạnh tranh hiệu quả với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường. Hy vọng ý tưởng của tập thể nhóm sẽ góp phần nhỏ bé nhưng ý nghĩa vào việc giảm thiểu lượng rác thải hữu cơ, bảo vệ hệ sinh thái và cải thiện sức khỏe cộng đồng", Uyên Nhi chia sẻ.

Nguyễn Hoàng Thanh Trâm - một thành viên trong nhóm cho biết thêm, hiện nhóm đang kết nối thêm các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục có quy mô hàng trăm học sinh sử dụng sản phẩm để tạo tiền đề mở rộng quy mô dự án. 

HƯỚNG DƯƠNG

 

;
;
.
.
.
.
.
.