Mạng lưới công viên, vườn dạo được các địa phương đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch và chú trọng các nội dung thiết thực gắn với công năng sử dụng thực tế; qua đó góp phần tăng thêm mảng xanh đô thị, cải thiện môi trường cũng như từng bước đáp ứng nhu cầu về rèn luyện thể chất, nâng cao tinh thần của người dân thành phố.
Người dân dạo chơi tại Công viên 29-3. Ảnh: KIM LIÊN |
Tháng 11-2023, công viên vườn dạo kết hợp bãi đỗ xe công cộng tại khu đất A2 đường Nguyễn Văn Linh do UBND quận Hải Châu đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Cứ vào sáng sớm hay chiều tối, bà Lê Thị Khánh (tổ dân phố 11, phường Nam Dương) lại đến công viên này để tập luyện thể dục. Trước đây, bà chỉ có thể tập thể dục và chạy bộ vào sáng sớm, vì khi đó có ít phương tiện lưu thông trên đường, nhưng giờ thì có thể đi bất cứ lúc nào tại công viên. Vào những ngày cuối tuần hoặc lễ, Tết, nơi đây còn diễn ra các đêm nhạc, biểu diễn văn nghệ, các hoạt động văn hóa rất sôi động.
Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Duy cho biết, với đặc thù là khu vực trung tâm có đông dân cư, hầu hết diện tích của quận đều tận dụng vào mục đích ở và kinh doanh buôn bán. Từ năm 2021 đến nay, địa phương đã phê duyệt quy hoạch, đầu tư 52 công viên, vườn dạo tại các khu dân cư. Các công viên, vườn dạo trên địa bàn quận đóng vai trò như lõi xanh trong khu dân cư, góp phần điều hòa không khí, cải thiện môi trường sống. Trong đó, nổi bật có Công viên APEC là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao và đón số lượt du khách tham quan tương đối lớn mỗi ngày. Tuy nhiên, tổng thể hiện trạng các công viên, vườn dạo hiện nay trên địa bàn quận Hải Châu chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân và quỹ đất dành cho công viên, vườn dạo tại một số phường còn tương đối hạn chế.
Tại quận Sơn Trà, hiện có 52 khu đất được quy hoạch làm công viên, vườn dạo với tổng diện tích khoảng 134.906m2, trong đó có 38 khu với diện tích 69.379m2 đã được đầu tư. Bên cạnh đó, địa phương lại có Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với diện tích 4.439ha, các khu vực công cộng giáp sông Hàn và giáp biển nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu nâng cao đời sống tinh thần, giải trí của người dân và du khách.
Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Công Thanh cho rằng, hầu hết quy mô diện tích các công viên, vườn dạo trên địa bàn quận có diện tích nhỏ (dưới 1ha) nhưng đã góp phần cải thiện đáng kể không gian sống cho người dân trong các khu dân cư. Nhiều công viên, vườn dạo được đầu tư mới, có nhiều dải không gian xanh, thoáng mát đã tạo cho đô thị diện mạo mới, khang trang; không chỉ tạo ra môi trường không khí trong lành, điều kiện thư giãn mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội và mỹ quan đô thị. Ngoài ra, các địa điểm này cũng là một môi trường để học tập và giáo dục về thiên nhiên, giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động bảo vệ môi trường từ cộng đồng.
Các địa phương và sở, ngành, đơn vị tập trung phát triển mạng lưới công viên, vườn dạo nhằm phục vụ người dân. TRONG ẢNH: Người dân tập thể dục, thể thao và sinh hoạt tại Công viên Thanh Niên. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Tại quận Cẩm Lệ, địa phương đang quản lý, khai thác 22 công viên, vườn dạo, qua đó đáp ứng nhu cầu vui chơi, tập luyện thể dục - thể thao của người dân, phù hợp quy hoạch cũng như định hướng phát triển chung của quận. Tuy nhiên, các khu dân cư trên địa bàn hiện rất đông dân, không còn quỹ đất để đầu tư các công viên, vườn dạo; thiếu các công viên công cộng đủ lớn và phân bố hợp lý để cải thiện khí hậu, tạo hiệu ứng sinh thái phục vụ nhân dân. Hệ thống các công viên, vườn dạo tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân với 7 vị trí và Khu đô thị Phước Lý với 5 vị trí vẫn chưa được quan tâm, đầu tư khiến cảnh quan môi trường chưa xanh, sạch, đẹp như mong muốn. UBND quận đã tiến hành làm việc và có văn bản đề nghị các chủ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị thực hiện đúng cam kết.
Theo đánh giá từ Sở Xây dựng, thành phố Đà Nẵng đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển không gian xanh thông qua việc đầu tư vào công viên và vườn dạo. Các quận, huyện tổ chức lập quy hoạch và triển khai thủ tục đầu tư xây dựng với tổng số 243 khu công viên, vườn dạo trên địa bàn thành phố. Một số khu đất có nguồn gốc là đất rẻo sau quy hoạch, đất di dời mồ mả... đã được đề xuất đầu tư làm công viên, vườn dạo nhằm giải quyết bức xúc của nhân dân, kiến nghị cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Các công viên và vườn dạo được trang bị cơ sở hạ tầng và thiết bị đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Bên cạnh đó, các công viên có quy mô lớn là những điểm nhấn kiến trúc ấn tượng của đô thị, trở thành địa chỉ quen thuộc cho tổ chức các sự kiện văn hóa - chính trị - xã hội tại khu vực. Song, quỹ đất tại các khu đô thị hiện hữu rất hạn hẹp, không đủ để quy hoạch công viên cây xanh, vườn dạo có quy mô diện tích lớn và phân bổ hợp lý phục vụ nhân dân, đáp ứng chỉ tiêu cây xanh công cộng của thành phố. Ngoài ra, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chỉ mới hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị; chưa có văn bản hướng dẫn quản lý công viên, vườn dạo nên các cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện. Thời gian đến, Sở Xây dựng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp; đồng thời kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện hiệu quả quy hoạch, đầu tư, sử dụng các công trình công viên, vườn dạo tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố.
TRẦN TRÚC