Các ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý, giúp đỡ người sau cai. Nhờ đó tỷ lệ tái nghiện ma túy trên địa bàn thành phố giảm mạnh, góp phần ngăn ngừa, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự.
Sau khi hoàn thành cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, P.V.L. (SN 1990, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) trở về địa phương trong vòng tay chào đón của gia đình và xã hội. Hiểu được tâm lý mặc cảm, tự ti của người từng lầm lỡ, Hội Nông dân phường vận động anh L. tham gia CLB “Tương lai xanh” và làm hồ sơ đề xuất cấp trên tặng xe máy làm phương tiện sinh kế. Từ khi tham gia sinh hoạt tại CLB “Tương lai xanh”, anh L. dần hòa nhập với mọi người. Có xe máy, anh xin được việc làm trong khu công nghiệp gần nhà với mức lương ổn định. Tương tự, vì nghe bạn bè rủ rê, T.T.B. (SN 1993, phường Hòa Thọ Tây) sa chân vào ma túy. Sau khi cai nghiện, anh B. tham gia CLB “Tương lai xanh” với quyết tâm làm lại cuộc đời.
Được các hội, đoàn thể ở khu dân cư động viên, giúp đỡ, B. học nghề cắt tóc và mở tiệm tại nhà, thu nhập ổn định. Theo Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây Phan Hữu Thuận, định kỳ hằng quý, CLB “Tương lai xanh” tổ chức sinh hoạt. Đây là dịp để những người từng lầm lỡ gặp gỡ, trò chuyện, động viên, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. CLB cũng là cách để lãnh đạo phường tập hợp, quản lý các đối tượng sau cai; theo dõi, bàn giải pháp giúp các đối tượng hòa nhập cộng đồng. Qua đó góp phần giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian qua, thành phố thí điểm triển khai nhiều mô hình quản lý, can thiệp, giúp đỡ người nghiện ma túy hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2015, thành phố triển khai công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh, thiếu niên mới sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Thành đoàn trực tiếp theo dõi, kèm cặp, hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm cho người mới sử dụng ma túy, với kinh phí bình quân 10 triệu đồng/người.
Qua 5 năm thực hiện, có 287/440 trường hợp tiến bộ, đạt 65%; 240/440 trường hợp có việc làm, đạt 54,5%. Từ năm 2016, thành phố thí điểm mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” tại 6 phường trọng điểm về ma túy trên địa bàn thành phố, thu hút 727 lượt đối tượng tham gia. Sau 5 năm thực hiện, có 36 người được hỗ trợ học nghề, học văn hóa; 4 người được hỗ trợ vay vốn ưu đãi; 79 người được hỗ trợ khó khăn đột xuất; 169 người được giới thiệu việc làm và 10 người trở lại lớp học.
Các quận, huyện đều ban hành kế hoạch chỉ đạo các phường, xã triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ trong công tác cai nghiện ma túy; quản lý sau cai nghiện ma túy; xây dựng phường, xã lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Hằng năm, các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6 hằng năm) và ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6 hằng năm); thực hiện công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện ma túy; tổ chức các đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm ma túy, xử lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức, tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn quận, huyện.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thành Nam cho biết, công tác quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện được các quận, huyện thực hiện hiệu quả. Các địa phương phối hợp với lực lượng công an lập hồ sơ, quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương. Gia đoạn 2010-2023, các địa phương đã hỗ trợ kinh kế, tự học nghề cho 268 người; hỗ trợ tạo việc làm cho 205 người; hỗ trợ kinh phí tìm việc làm cho 229 người, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 143 người, tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Đặc biệt, mỗi người tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, người thuộc diện quản lý sau cai, người có nguy cơ cao nghiện ma túy hưởng chính sách dự phòng nghiện đều được phân công người theo dõi, kèm cặp, điểm danh, đánh giá định kỳ nhằm theo dõi tình hình, hiệu quả của từng trường hợp. Thành phố bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí cho người được phân công theo dõi, kèm cặp người sau cai nghiện với mức 350.000 đồng/người/tháng nhằm tăng hiệu quả việc theo dõi, quản lý, giúp đỡ người sau cai.
Năm 2022, toàn thành phố có 565 người được quản lý sau cai nghiện ma túy, trong đó 50 người được hỗ trợ (hỗ trợ đào tạo nghề 2 người, hỗ trợ tạo việc làm 48 người). Năm 2023, thành phố có 436 người được quản lý sau cai nghiện ma túy, trong đó 26 người được hỗ trợ (hỗ trợ đào tạo nghề 8 người, hỗ trợ tạo việc làm 18 người). Quý 1-2024, thành phố có 435 người được quản lý sau cai nghiện ma túy. |
LAM PHƯƠNG