Xã hội

Tăng cường phòng, chống tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên

08:35, 27/05/2024 (GMT+7)

Các ngành chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên; đồng thời, tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tệ nạn xã hội cho thanh, thiếu niên. Mục tiêu hướng đến xây dựng thế hệ thanh, thiếu niên phát triển toàn diện; có lý tưởng cách mạng; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh…

Ông Đặng Văn Thông (bên trái), chuyên viên Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Ảnh: NGỌC HÀ
Ông Đặng Văn Thông (bên trái), chuyên viên Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo Công an thành phố, thời gian qua, đơn vị chủ động tham mưu Thành ủy xây dựng, ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với người chưa thành niên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thay thế cho Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm phát luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện đợt cao điểm phòng, chống thanh, thiếu niên sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ phạm tội, vi phạm pháp luật.

Công an thành phố ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát an ninh trật tự nhằm hỗ trợ phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên, nhất là tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí chuẩn bị đánh nhau giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng. Đồng thời, duy trì hoạt động tuần tra, chốt chặn của lực lượng 911 bảo đảm 24/24 để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, trấn áp, xử lý nghiêm các vụ thanh, thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng trên đường phố; rà soát đưa vào diện quản lý 771 đối tượng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố để phối hợp quản lý, giáo dục, răn đe. Nhờ công tác triển khai quyết liệt, quý 1-2024, tình hình các nhóm thanh, thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố giảm 42,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp hành vi vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên, các ngành chức năng đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên về phòng,chống tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, mại dâm trong sinh viên. ThS. Nguyễn Tấn Hòa, Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa phối hợp Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức tuyên truyền cho sinh viên. Báo cáo viên đã giúp sinh viên nắm bắt về thực trạng ma túy, mại dâm hiện nay; tác hại nhiều mặt của tệ nạn ma túy, mại dâm…

Buổi tuyên truyền là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho sinh viên, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội phát sinh trong nhà trường, tạo cơ sở để xây dựng tốt công tác an toàn trật tự trong trường học.

Công an thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng vừa ký kết chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 -2030. Theo đó, hai đơn vị phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy; xây dựng và hình thành kỹ năng phòng tránh tệ nạn ma túy cho học sinh, sinh viên; rà soát, xây dựng bộ tài liệu giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh, sinh viên các cấp học; thiết kế các bài giảng điện tử về kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Phối hợp tổ chức các hoạt động cao điểm phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên hưởng ứng Tháng hành động, phòng chống ma túy và ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26-6 hằng năm…

Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đặt ra mục tiêu cả nước kiềm chế tỷ lệ gia tăng, bảo đảm quản lý chặt chẽ số thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy theo quy định. Đến năm 2025, hơn  80% và năm 2030, hơn 90% thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp và thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định pháp luật.

Hằng năm, ít nhất 70% cơ sở giáo dục bậc THCS trở lên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. Đến năm 2025, hơn  80% và năm 2030, 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy để có đủ năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.

NGỌC HÀ

.