Thắp sáng niềm tin cho những người lầm lỗi

.

ĐNO - Những cán bộ ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng được ví như những người thầy giáo, cô giáo. Với trách nhiệm và tình thương yêu của mình, ngày ngày, họ vẫn miệt mài gieo mầm xanh của niềm tin và hy vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những “người học trò” từng lầm đường lạc lối.

học viên cai nghiện tại cơ sở xã hội Bầu Bàng đang trồng rau củ quả.
Học viên cai nghiện tại cơ sở xã hội Bầu Bàng đang trồng rau củ quả.

Cơ sở xã hội Bầu Bàng hiện đang quản lý gần 500 học viên. Trong những năm qua, công tác cai nghiện, giáo dục, chữa bệnh cho học viên luôn được quan tâm đặc biệt với nhiều biện pháp khác nhau như xóa mù chữ, dạy nghề, giáo dục pháp luật, hành vi, nhân cách….

Đến với lớp học xóa mù chữ do anh Dương Thế Vũ phụ trách, nhìn những đôi tay nắn nót từng nét chữ, những ánh mắt tập trung theo từng lời giảng, những tiếng đọc “ê, a” của học viên cai nghiện vang lên đều nhịp, chúng tôi hiểu được đó là sự cố gắng rất lớn của cả thầy và trò.

Công tác được gần 7 năm, thì có hơn phân nửa thời gian anh Vũ gắn bó với các lớp xóa mù tại đây. Bằng sự tận tâm của mình, anh Vũ đã từng bước mở cánh cửa tri thức cho nhiều học viên, hướng họ tới những điều lương thiện.

Cách lớp học xóa mù không xa là lớp nghề kỹ thuật điện lạnh. Học viên Ng.Đ.Ch cho biết: “Khi mới vào cơ sở, em không nhận thức được hành vi của mình, hay có cảm giác lo sợ nhưng sau quá trình được thầy cô tận tình giúp đỡ, khuyên bảo, động viên, em đã dần ổn định tâm lý, nhận ra hành vi sai trái của mình. Em quyết tâm học tập, lao động để hiểu biết hơn và rèn luyện, thay đổi bản thân”. 

Với anh Phạm Ngọc, người có 20 năm làm công tác quản lý học viên cai nghiện có tiền án, tiền sự cũng rất nhiều trăn trở. Anh mong mỏi làm sao để uốn nắn, để “học trò” của mình suy nghĩ tích cực, nếp sống lành mạnh.

Anh Phạm Ngọc chia sẻ, mỗi một con người sinh ra không ai mong muốn mình vi phạm pháp luật. Nhưng vì nhiều nguyên nhân có cả chủ quan lẫn khách quan mà các em mới đến nơi đây. Công việc của chúng tôi là giúp cho các em thấy được cái sai, cái chưa tốt để nhanh chóng sửa chữa, khắc phục, cái tốt thì cố gắng phát huy để trở thành người có ích.

Ban Quản giáo số 7 nơi anh Phạm Ngọc làm trưởng ban hiện có 52 học viên. Học viên V.V.V, trú quận Cẩm Lệ tâm sự, bản thân đã từng chấp hành án tù hơn 3 năm. Ra tù, không việc làm ổn định nên buồn chán, theo bạn bè rồi đi vào con đường sử dụng trái phép chất ma túy. Vào Cơ sở xã hội Bầu Bàng được gần 3 tháng là cũng chừng ấy đêm V. suy nghĩ bởi được nhiều cán bộ động viên, phân tích, chỉ bày lẽ thường của cuộc sống mà mỗi người cần phải thực hiện tốt. V. cảm thấy may mắn vì còn được sống, sinh hoạt, học tập với những cán bộ đầy sự bao dung và trách nhiệm. 

Ban Quản giáo số 7 là vậy. Với Ban Quản lý số 1, nơi đang quản lý, giáo dục cho 18 học viên là nữ. Học viên nhỏ nhất 14 tuổi, lớn nhất 56 tuổi. Nhìn học viên quây quần sinh hoạt, chia sẻ thông tin, cùng bàn để chuẩn bị cho cuộc thi tìm hiểu về pháp luật phòng, chống ma túy mà cơ sở chuẩn bị tổ chức mới thấy thật sự họ được đáng thương hơn là phải chịu sự đáng “giận”, đáng “lên án” của ai đó.

Em Tr, 14 tuổi, trú huyện Hòa Vang, mới vào cơ sở gần 1 tháng. Nhìn khuôn mặt hồn nhiên cùng với đôi mắt ngây thơ mà em đang hướng về phía xa xăm suy nghĩ mới thấy đáng thương chừng nào. Sau một hồi trò chuyện, em Tr. chia sẻ, học đến lớp 8, ở nhà ba mẹ thường hay cãi vả với nhau vì cuộc sống. Tr. bị bạn bè rủ rê, lôi kéo bảo dùng thử và nghiện. 

Chị Kiều Thị Ly, Phó trưởng Ban Quản lý số 1 chia sẻ, với học viên nữ, công tác quản lý, giáo dục có đặc thù riêng. Nhiều học viên đã lập gia đình, có con cái nên các em thường hay thay đổi tâm lý, tình cảm. Do vậy, mình phải gần gũi, hiểu được tâm trạng của người mẹ như các em để chia sẻ, động viên với mong muốn dù ở cơ sở hay sau này về với gia đình, các em cố gắng làm tròn bổn phận của mình.

Thạc sĩ Công tác xã hội Võ Thị Huyền Trang, chuyên viên Phòng Công tác xã hội chia sẻ: “Các thầy, cô giáo nơi đây phải rất nỗ lực, chia sẻ, cảm hóa học viên bằng cả tình yêu thương. Các chuyên đề giáo dục được phân theo từng độ tuổi, nhận thức, giai đoạn phục hồi của học viên, giới tính. Ở môi trường này hướng đến giáo dục hành vi, nhân cách rất khó khăn, vất vả, không như môi trường bên ngoài”.

Mỗi cán bộ như anh Dương Thế Vũ, Phạm Ngọc, chị Kiều Thị Ly, Nguyễn Thị Huyền Trang và tất cả được ví như người đưa đò để đưa học viên cai nghiện trở về bến bờ hoàn lương. Động lực lớn nhất để những cán bộ nơi đây phấn đấu chính là giáo dục, cảm hóa được học viên cai nghiện để họ nhận ra lỗi lầm, sai trái, tìm về nẻo thiện và hy vọng sau này khi hết thời gian cai nghiện, những học viên này sẽ có công việc làm ổn định và trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng xã hội.

Ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng chia sẻ, làm công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa học viên cai nghiện ma túy nếu chỉ có tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ thì chưa đủ. “Nếu không có cái tâm, không có lòng nhiệt huyết và tình người thì có lẽ không làm nổi. Bởi quản lý, giáo dục học viên cai nghiện ma túy là một nghề đặc thù, mang đầy tính nhân văn. Không chỉ thực thi pháp luật mà còn tìm cách khơi dậy mầm thiện và phải bằng tình thương, lòng nhân ái mới mong cảm hóa được những mảnh đời từng lầm lỗi”, ông Dũng nói.

A. DƯƠNG - T. DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
.