Báo chí và thách thức từ AI

.

Việc trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm suy yếu hoặc thậm chí đe dọa sự sống còn của nền báo chí tương lai không chỉ là lời cảnh báo khi mối nguy lớn nhất đến từ việc AI tham gia quá trình sáng tạo vốn được mặc định duy nhất thuộc về con người. Do đó, chỉ khi mỗi nhà báo biết “đứng trên vai người khổng lồ” đúng cách, bản thể và giá trị cốt lõi của báo chí vẫn vẹn nguyên. 

Rõ ràng, với thông tin sai lệch, không được kiểm chứng do AI tạo ra đang tràn lan, tác động tiêu cực dường như vượt xa bất kỳ lợi ích tiềm năng nào mà chúng mang lại. Tuy nhiên, trên trang Writer’s Digest, nhà báo tự do Alison Hill, từng là nhà sản xuất truyền hình, đạo diễn và bình luận viên của đài BBC, cho rằng giá trị toàn vẹn của báo chí sẽ vẫn được bảo toàn bằng cách duy nhất: để con người toàn quyền kiểm soát từng giai đoạn thu thập tin tức, từ lên ý tưởng đến kiểm tra, xác minh nguồn tin. Đây là mục tiêu quan trọng trong bối cảnh các công ty truyền thông toàn cầu sẽ theo xu hướng thay thế con người bằng công nghệ, máy móc. Dù chấp nhận hay chối bỏ viễn cảnh này, chúng ta vẫn phải dõi theo chặt chẽ việc sử dụng AI trong báo chí bởi nó sẽ chẳng biến mất mà còn không ngừng cải thiện mỗi ngày với tốc độ nhanh chóng. Câu hỏi đặt ra là: Độc giả thích xem nội dung do AI hay con người tạo ra? Và liệu có hệ thống và quy tắc nào được áp dụng để phân biệt giữa chúng không?

Nguy cơ hiện hữu

Thực tế, hoạt động báo chí có biến chuyển đáng kể trước bước tiến công nghệ vũ bão trong thời gian qua. Kỷ nguyên kỹ thuật số thay đổi mạnh mẽ cách sản xuất, phân phối và tiếp cận tin tức, đồng thời cũng mở rộng cửa cho các nhà báo hoạt động tự do. Tuy nhiên, dòng chảy số hóa gây tổn thất đáng kể đối với báo in khi nhà báo “công dân” và các kênh tin tức trực tuyến lấp đầy lỗ hổng trong ngành báo chí xuất bản toàn cầu vốn mất gần 60% lực lượng lao động trong giai đoạn 1990-2016, theo Cục Thống kê lao động Mỹ.

Không thể phủ nhận các công cụ AI mang lại lợi ích rõ ràng ở góc độ nào đó. Nhiều nhà báo quen với Grammarly - công cụ kiểm tra, sửa lỗi chính tả, ngữ pháp văn bản tiếng Anh. Hãng AP, một trong những “ông trùm” thống trị công nghiệp truyền thông hiện đại, sử dụng AI trong tòa soạn từ năm 2014 và thậm chí đạt thỏa thuận với OpenAI để cấp phép cho kho lưu trữ các bài viết ra đời từ năm 1985. Song, phải đến năm 2022, thế giới chứng kiến bước nhảy vọt lớn về công nghệ với sự ra đời của ChatGPT có khả năng tạo bài viết 1.200 từ. Tuy nhiên, phản hồi do công cụ này tạo ra dựa trên dữ liệu nên một trong những vấn đề nổi cộm nhất là sự thiên vị đang ẩn nấp trong đó.

Theo giới chuyên gia, AI vẫn chưa thể thay thế nhà báo được đào tạo bài bản trong sản xuất tin bài. Trong hội thảo chuyên đề diễn ra tại Hà Nội tháng 3-2024, ông Francesco Guarascio, Trưởng đại diện hãng tin Reuters tại Việt Nam cho biết, dù là tổ chức truyền thông lớn với 200 điểm trên toàn cầu nhưng Reuters chưa có sự thay đổi tức thì trong công việc khi AI xuất hiện mà chỉ thay đổi về đầu việc. Điều đó càng cho thấy công nghệ này chưa thể thay thế con người trong hoạt động báo chí.

Sức mạnh của trải nghiệm thực tế  

Việc sử dụng AI được nâng lên ở cấp độ đáng lo nhất là sáng tạo nội dung và đây chính là nơi khởi sự thêm rắc rối tiềm ẩn. Trước sức hút của AI tạo sinh, liệu nhà báo tận tâm, tự trọng, giàu kinh nghiệm sau nhiều năm học hỏi và hoàn thiện kỹ năng có cảm thấy tự tin khi ghi tên mình cho tác phẩm mà họ không phải là tác giả không? Và liệu họ có hoàn toàn tin tưởng kết quả đầu ra đáng tin cậy của một mô hình AI tổng hợp không? Bất kỳ ai dấn thân vào sự nghiệp báo chí luôn cần khắc ghi nguyên tắc rằng báo chí phải có tính kỷ luật, trung thực, đứng trên lập trường khách quan, trung lập và nhân văn. Do đó, nhà báo không nên giao sứ mệnh này cho máy móc để tránh hệ quả đáng tiếc như tiềm ẩn xung đột lợi ích và hành vi tuyên truyền bất hợp pháp.

Thực tế phũ phàng là bất kỳ ai cũng có thể tự xem mình là “nhà báo” dưới nhiều hình thức, từ viết bài blog đến tiểu luận mà phần lớn nội dung đó là do AI tạo ra đang tràn ngập mạng xã hội. Họ tự huyễn hoặc bản thân rằng tại sao phải dành thời gian học nghề và cắm đầu vào những nhiệm vụ khó khăn trong khi AI có thể làm thay tất thảy? Đó là lý do nhiều bài viết thiếu chiều sâu do nghiên cứu hời hợt và kỹ năng diễn đạt kém. Điều đáng buồn là những người “sáng tạo” nội dung này chỉ theo đuổi mù quáng mục tiêu duy nhất là kiếm tiền và tiếp tục làm như vậy miễn sao còn dễ làm. Không chỉ dừng lại ở con chữ “công nghệ hóa” này, hình ảnh và video cũng bị tước cái sức mạnh “trăm nghe không bằng mắt thấy” dưới khả năng “phù thủy” của AI. Rồi chẳng bao lâu nữa, khó có thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả trong mớ hỗn độn đó.

Nhà báo Alison Hill tự tin nhận định, rồi cũng sẽ đến lúc độc giả sớm chán nội dung nhạt nhẽo với tính đồng nhất, rập khuôn không thể tránh khỏi của AI và bắt đầu khao khát, thậm chí đòi hỏi tiếp cận các tác phẩm nguyên bản, đích thực. Chính điều này sẽ thôi thúc những nhà báo từ chối AI trong sáng tạo, và tiếp tục sứ mệnh báo chí chân chính dẫu tốn nhiều trí lực, sức lực và thời gian.

Trong toàn bộ quá trình làm báo, việc tìm kiếm và nghiên cứu đề tài, phỏng vấn, viết bản thảo đầu tiên, xác minh nguồn tin không nên nhờ cậy AI, thậm chí ngay cả việc ghi lại cuộc phỏng vấn bởi chỉ bằng cách chú tâm lắng nghe mới có thể khơi dậy dòng chảy ý tưởng sáng tạo vô tận trong tâm trí người viết. Sử dụng AI về cơ bản là hành vi dối lừa chính bản thân. Do đó, nếu quyết định dùng AI để viết bài, ngay cả khi đó chỉ là dàn ý hoặc bản nháp đầu tiên thì điều này nên được công khai và phải dán nhãn “AI” rõ ràng đối với bài báo mà công nghệ này tạo ra, đặc biệt đề tài quan trọng, nhạy cảm.

AI rất giỏi bắt chước con người và có thể viết theo văn phong của bất kỳ ai nhưng nó hoàn toàn không có khả năng tư duy, phản biện, kích hoạt ý tưởng ban đầu mà chỉ đơn thuần tái tạo nội dung từ dữ liệu thu nhận và tái cấu trúc kiến ​​thức hiện có. Suy cho cùng, chỉ có con người mới có thể viết một tác phẩm hấp dẫn với sự đồng cảm sâu sắc, khả năng khám phá chân thực, vô hạn về cuộc sống dựa trên trải nghiệm thực tế và tương tác trực tiếp với nhân vật trong đời thực, điều mà “nhà báo” AI chưa và sẽ chẳng bao giờ làm được. Đôi khi chúng ta dễ choáng ngợp trước sức mạnh không tưởng của công nghệ mà quên mất rằng giá trị và nguồn sáng tạo của con người là vô tận và độc nhất khiến máy móc không thể can thiệp, sao chép và ngụy tạo.

Trong thời đại AI, các nhà báo cần tiếp tục mài giũa kỹ năng khám phá sâu hơn những khía cạnh cuộc sống, bám sát hơi thở của cuộc sống, phát huy tư duy phản biện để truyền đạt thông điệp đến độc giả lôi cuốn hơn, hướng đến vị nhân sinh. Thực tế không thể chối cãi rằng chính lòng yêu nghề, xúc cảm và trải nghiệm thực tế của nhà báo bằng xương bằng thịt thể hiện qua từng con chữ sẽ kiềm chế sự lấn át thái quá của AI, từ đó phát triển mối quan hệ báo chí - AI cộng sinh, tương hỗ thay vì đối kháng.

Cách AI tạo sinh thay đổi công việc của nhà báo

Theo Forbes, AI sẽ tạo những thay đổi thực tế nhất trong nền báo chí tương lai. Trước tiên, viết là kỹ năng mà ChatGPT giỏi nhất và có nhiều nền tảng khác như Writesonic và Jasper cũng có chức năng tạo văn bản. AI có thể tóm tắt tài liệu, báo cáo, biểu đồ hoặc thậm chí toàn bộ cuốn sách để cung cấp thông tin cho nhà báo, tạo cấu trúc mạch bài viết khi gợi ý cách tốt nhất về kết nối, sắp đặt các mảng thông tin. Bởi AI có tính sáng tạo nên nhà báo chỉ cần mô tả hình ảnh trực quan mà họ cần và ra lệnh AI tạo ra đồ họa hấp dẫn phù hợp xu hướng, giúp việc kể chuyện dựa trên dữ liệu trở nên dễ tiếp cận hơn.

AI cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình biên tập vì có thể đánh giá nghiêm túc chất lượng bài viết, xác định lỗ hổng hoặc mâu thuẫn trong cách diễn đạt và đề xuất hướng khắc phục. Công cụ này còn có thể điều chỉnh bài viết phù hợp đối tượng cụ thể, chẳng hạn đơn giản hóa ngôn ngữ chuyên ngành để phục vụ độc giả nhí. Báo cáo tự động cũng là thế mạnh khác khi AI tự động “điền” nội dung cập nhật theo khuôn mẫu ở các hình thức báo chí có tính lặp lại cao như bản tin thể thao hoặc báo cáo thị trường chứng khoán.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.