Hơn 20 năm làm công tác công đoàn, chị Lê Thị Ngọc Oanh, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng luôn tâm niệm: “Dù ở cương vị nào cũng phải hết mình vì nhiệm vụ, nỗ lực để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, người lao động và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh”.
Chị Lê Thị Ngọc Oanh. Ảnh: P.V |
“Luật sư” của công nhân, người lao động
Đến bây giờ, hàng trăm công nhân, người lao động (NLĐ) từng làm việc tại Công ty TNHH MTV TBO Vina - công ty có 100% vốn nước ngoài (trụ sở đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu) vẫn biết ơn chị Oanh và các cán bộ Công đoàn thành phố, khi đại diện cho họ đứng ra để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, đòi gần 14 tỷ đồng tiền lương, bảo hiểm xã hội mà công ty này nợ. Vụ việc đó không chỉ tăng uy tín của tổ chức Công đoàn đối với công nhân, NLĐ mà còn trở thành vụ việc điển hình, được các địa phương học tập. Còn với chị Oanh, đây là vụ việc phức tạp mà chị dũng cảm nhận nhiệm vụ để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ khi chưa có tiền lệ.
Chị Oanh nhớ lại, năm 2018, công ty do làm ăn thua lỗ nên nợ bảo hiểm, kinh phí công đoàn; đặc biệt công ty cho hàng trăm công nhân nghỉ dài ngày và nợ lương, bảo hiểm xã hội với số tiền gần 14 tỷ đồng. Từ tháng 7-2018 đến tháng 4-2019, NLĐ nhiều lần tụ tập tại trụ sở công ty cũng như một số cơ quan hành chính nhà nước. Được chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố về phối hợp, giải quyết các vấn đề liên quan đến tình hình NLĐ, chị Oanh lúc đó là Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cùng các cơ quan liên quan bắt tay vào việc. “Đây là vấn đề lớn, nhạy cảm, cần phải giải quyết kịp thời để không chỉ ổn định đời sống cho NLĐ của công ty mà còn bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”, chị Oanh nói.
Với sự phối hợp nhịp nhàng, các đơn vị liên quan nhanh chóng ổn định tình hình; Liên đoàn Lao động thành phố đề xuất UBND thành phố trợ cấp 270 triệu đồng cho NLĐ đang mang thai và nghỉ thai sản nhưng chưa được giải quyết chế độ, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp doanh nghiệp còn nợ để giúp cho toàn bộ người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; tư vấn cách giải quyết các chế độ thai sản cho lao động nữ và hướng dẫn một số thủ tục liên quan. Tuy nhiên, theo chị Oanh, đó chỉ là các giải pháp tạm thời, trước mắt, chưa phải là căn cơ, lâu dài.
Tham vấn nhiều nơi, nhiều đêm dài trăn trở, suy nghĩ để tìm kiếm phương án tối ưu để thực hiện nhưng có lúc chị Oanh và các đồng nghiệp như rơi vào bế tắc. Nhiều phương án được chị Oanh cùng Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đưa ra để tính toán thiệt hơn. Cuối cùng, phương án yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động để đòi tiền lương và bảo hiểm cho NLĐ được lựa chọn, bởi đây là phương án dễ thực hiện, thời gian thực hiện ngắn hơn, NLĐ chủ động hơn cho từng hồ sơ của mình.
Mở được hướng đi, những tháng ngày đó, chị Oanh hết sức bận rộn khi phải cùng đơn vị tổ chức các buổi tư vấn, đối thoại, giải đáp thắc mắc, chuẩn bị sẵn các hồ sơ, mẫu đơn khởi kiện. Đến ngày 10-6-2019, gần 200 NLĐ tiến hành gửi hồ sơ khởi kiện. Với chuyên môn ngành luật, chị Oanh hiểu rõ mọi ngọn nguồn nên trực tiếp hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ, hỗ trợ viết đơn cho công nhân, đồng thời thu thập thông tin tiền lương, chứng cứ tiền lương, số nợ bảo hiểm xã hội cũng như các văn bản có liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng để hỗ trợ NLĐ khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu. Chị Oanh trở thành “luật sư” của NLĐ, đứng ra bào chữa trong thời gian tòa án đưa vụ án lao động ra xét xử.
Sau gần nửa tháng theo sát vụ kiện với những lập luận sắc bén của người cán bộ công đoàn là chị, Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc công ty này phải trả tiền lương cộng với các khoản phụ cấp còn nợ cho NLĐ nếu họ làm đủ ngày công theo thực tế; đồng thời phải chuyển trả tiền nợ bảo hiểm xã hội của NLĐ vào quỹ bảo hiểm xã hội để NLĐ có thể cập nhật quá trình tham gia bảo hiểm xã hội.
“Nhìn những NLĐ mừng rỡ khi được thắng kiện, mình cảm thấy hạnh phúc vì những ngày vất vả đã mang lại trái ngọt. Thành quả này cũng giúp cho bản thân tự tin hơn, có thêm kiến thức, kinh nghiệm để sẵn sàng hỗ trợ NLĐ khi họ cần đến mình”, chị Oanh chia sẻ. Điều đó được minh chứng khi hiện nay chị Oanh tiếp tục hỗ trợ các thủ tục pháp lý, chuyển đơn khởi kiện của 74 NLĐ tham gia hòa giải không thành sang Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu để tòa án thụ lý vụ việc nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi bị Công ty Cổ phần Dệt Hòa Khánh nợ tiền lương, trợ cấp thôi việc.
Đặt lợi ích người lao độnglên hàng đầu
Tốt nghiệp chuyên ngành Luật, Đại học Khoa học (Đại học Huế) năm 2002, chị Oanh về làm tại Tổng Công ty Xây dựng miền Trung. Những tưởng sẽ gắn bó lâu dài với công ty này nhưng cơ duyên lại đưa đẩy chị sang Công đoàn. Năm 2011, sau một thời gian công tác tại Công đoàn ngành Xây dựng, chị Oanh được luân chuyển về Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động thuộc Liên đoàn Lao động thành phố và được bổ nhiệm làm phó trưởng ban năm 2013. Một thời gian sau, Oanh được điều động về làm Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho đến tháng 5-2024, được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động.
Với kiến thức pháp luật đã được tích lũy trong những năm học đại học cũng như thời gian học Thạc sĩ Luật chuyên ngành kinh tế, cộng với vốn liếng trong thực tế công việc, chị Oanh đã nỗ lực cùng các đồng nghiệp trong cơ quan tích cực tư vấn pháp luật, giải đáp các thắc mắc liên quan đến chế độ, chính sách cho NLĐ; tiếp thu các kiến nghị của NLĐ phản ánh về đời sống, việc làm, đóng góp đề xuất sửa đổi các chính sách chưa phù hợp; tích cực hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng các bản thỏa ước tập thể. Bên cạnh đó, chị đã hỗ trợ viết đơn khởi kiện, đơn hòa giải, khiếu nại cho NLĐ.
Đặc biệt, tích cực hỗ trợ các cấp công đoàn khi cần tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp luật, các chính sách liên quan tới NLĐ để công đoàn các cấp tiến hành giải quyết các vụ việc tại cơ sở. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Thanh Khê Phan Văn Sáng chia sẻ: “Khi gặp những vướng mắc khó liên quan đến chế độ, chính sách, chúng tôi hay nhờ chị Oanh hỗ trợ. Bởi lẽ, chuyên ngành của chị là luật, có nhiều kinh nghiệm trong công tác tư vấn pháp luật. Đặc biệt, chị rất nhiệt tình hỗ trợ đồng nghiệp công đoàn trong toàn hệ thống thành phố”. Nói về chị Oanh, chị Hoàng Thị Thanh Lan, cán bộ Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Daiwa Việt Nam hồ hởi chia sẻ, đó là người nhiệt tình, năng nổ và hỗ trợ rất nhiều cho cơ sở, nhất là trong các việc liên quan đến chế độ, chính sách của NLĐ. Vì vậy, nhiều cán bộ cơ sở, đoàn viên, NLĐ còn gọi chị Oanh với cái tên rất thân thương: Chị Luật Công đoàn.
Theo chị Oanh, mỗi giai đoạn, tranh chấp lao động của NLĐ và chủ doanh nghiệp phát triển theo một xu hướng khác nhau. Trước đây, khi xảy ra tranh chấp hay dẫn đến tập trung đông người, lãn công, ngừng việc tập thể thì nay thường xảy ra tranh chấp cá nhân hay nhóm NLĐ có quyền lợi giống nhau, đòi hỏi cán bộ công đoàn, nhất là những người trực tiếp thực hiện công tác tư vấn pháp luật phải nhanh nhạy, linh hoạt hơn. Do đó, trong quá trình làm nhiệm vụ tại Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động cũng như Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, khi NLĐ đến nhờ tư vấn liên quan đến tranh chấp giữa cá nhân và doanh nghiệp, bản thân chị Oanh phải tìm phương án tối ưu nhất để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ với mục tiêu quyền lợi của NLĐ được phục hồi nhanh nhất. “Khi hòa giải thành, mọi quyền lợi của NLĐ sẽ được bảo đảm nhanh nhất nên chúng tôi luôn chú trọng và ưu tiên chọn phương án này. Tuy nhiên, khi hai bên không có tiếng nói chung, hoặc doanh nghiệp cố tình chây ì, không quan tâm đến NLĐ, chúng tôi sẽ hướng dẫn NLĐ khởi kiện ra tòa. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp xem xét lại, thực hiện tốt hơn các chính sách cho NLĐ”, chị Oanh chia sẻ.
Với phương pháp đó, thời gian qua, chị Oanh đã tiến hành hòa giải, giúp hàng trăm công nhân, NLĐ đòi lại được các quyền lợi lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà các công ty cố tình chây ì, không trả mà không phải giải quyết vụ việc tranh chấp bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Hoặc cũng nhiều trường hợp, phối hợp với tòa án để hòa giải, giải quyết vụ việc trước khi tòa thụ lý để giải quyết theo thủ tục tố tụng. Đơn cử, năm 2021, anh N.Đ.T, công nhân Công ty CP D.K Đà Nẵng có trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định. Anh T. được hướng dẫn làm đơn khởi kiện, yêu cầu công ty thanh toán 1,5 tháng tiền lương theo quy định và yêu cầu bồi thường 2 tháng tiền lương khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng. Hay như trường hợp của anh P.T.L, sau gần 20 năm làm việc cho Công ty TNHH SX&TM T.A thì xin được chấm dứt hợp đồng lao động và được hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, phía công ty không thực hiện nghĩa vụ trợ cấp thôi việc theo quy định. Các trường hợp này, xác định nếu tòa án thụ lý đến khi xét xử cũng như thi hành án sẽ mất một quá trình dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Sau khi hướng dẫn NLĐ nộp đơn, chị Oanh “âm thầm” làm việc với tòa án hỗ trợ NLĐ để vụ án được tiến hành hòa giải trước khi thụ lý, hạn chế các vụ án tranh chấp lao động được giải quyết bằng bản án của tòa án theo thủ tục tố tụng. Đây cũng là phương án hiệu quả trong giải quyết tranh chấp lao động mà chị Oanh đã áp dụng trong thực tiễn công tác, nhờ đó, quyền lợi của NLĐ được phục hồi một cách nhanh chóng.
TRƯỜNG SƠN