Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, chúng ta không khó bắt gặp những tít bài, sapo diễn đạt không rõ ý hoặc khó hiểu do tác giả cố tình giật tít câu view hoặc do viết nhanh, viết ẩu. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự trong sáng của tiếng Việt và chất lượng tác phẩm báo chí.
Bên cạnh việc đưa thông tin chính xác, kịp thời, người làm báo phải biết cách chắt lọc, lựa chọn, cân nhắc việc sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Ảnh: Đ.H.L |
Cố tình dùng từ gây chú ý
Có thể thấy rằng, trước khi mạng xã hội ra đời, nhiều cây bút đã tạo dựng được tên tuổi nhờ sở hữu vốn từ vựng phong phú. Chính cách dùng từ chuẩn xác đã làm cho bài báo chân thực, dễ hiểu và giàu cảm xúc. Mặc dù mỗi thế hệ sẽ có một cách đọc, cách viết khác nhau nhưng rõ ràng trong thời buổi mạng xã hội phát triển như hiện nay, vẫn có không ít những nhà báo trẻ viết sai chính tả và dùng từ không chuẩn xác gây hiểu lầm cho người đọc. Bên cạnh đó, một số phần mềm của báo/ tạp chí điện tử được thiết lập quy định về số từ của tít và sapo khiến người viết phải viết ngắn gọn làm cho câu văn đôi khi thiếu trước hụt sau về ngữ nghĩa.
Về vấn đề này, phóng viên Mai Trường An (Báo Nhân Dân) cho rằng nhiều phóng viên, nhà báo hiện nay dùng một số trang mạng xã hội để phục vụ công việc. Chúng ta không thể quy chụp mạng xã hội tạo ra kết quả không tốt hay ảnh hưởng một phía đến người làm báo. Tuy nhiên, vì việc va chạm và tiếp xúc quá nhiều với mạng xã hội dẫn đến cách tiếp cận đề tài của phóng viên vô tình bị mất tập trung. Có thể họ bị sa vào một số câu chuyện theo xu hướng mà quên mất mục tiêu của báo chí hướng đến là gì. Dĩ nhiên, bài báo bắt kịp xu hướng sẽ có nhiều lượt tương tác, đáp ứng nhu cầu của báo điện tử hiện nay. Khi đó, ngôn ngữ mang tính “tồn tại trong giai đoạn ngắn” sẽ xuất hiện trong tư duy từ vựng của người làm báo. Đã có một số tít bài báo trên báo/ tạp chí điện tử sử dụng thủ thuật cố tình dùng từ gây “sự chú ý” trái với ngôn ngữ đời thường. Một thời gian ngắn sau, họ chỉnh sửa theo đúng bản chất nghĩa thông thường khi đủ lượt tương tác cho tin bài.
Theo nhà báo Phan Vĩnh Yên (tạp chí Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh), trong tư duy làm báo điện tử ở thời đại công nghệ số, người làm báo phải học SEO và có kỹ năng SEO là điều cần thiết và tất yếu. Người viết báo phải sử dụng kỹ năng SEO trong nội dung bài viết của mình để độc giả dễ dàng tìm được thông tin mình cần một cách nhanh nhất thông qua những từ khóa dễ nhận diện. Điều này có thể được xem là một yếu tố cần thiết để cạnh tranh với thông tin của mạng xã hội. Mạng xã hội vừa là “đối thủ” nhưng cũng là “đối tác” của người làm báo. Ở góc độ là “đối tác” thì mạng xã hội giúp SEO có hiệu quả hơn, nhất là trong chia sẻ nội dung thông tin cần truyền tải đến bạn đọc. Ở một khía cạnh khác, thông tin trên mạng xã hội gây “áp lực” không nhỏ đến người làm báo. “Với việc thông tin một cách dễ dàng, người dùng mạng xã hội đưa tin một cách nhanh chóng (đôi khi thiếu chính xác). Những thông tin nhanh này bắt buộc người làm báo cũng phải có thông tin kịp thời. Tuy nhiên với trách nhiệm của người làm báo, là người đưa thông tin, định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, hướng đến những giá trị tiến bộ, lành mạnh, văn minh thì bên cạnh việc đưa thông tin chính xác, kịp thời, người làm báo phải luôn biết cách chắt lọc, lựa chọn, cân nhắc, sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng’, nhà báo Phan Vĩnh Yên nói.
Làm gì để gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt?
Từ khi các trang mạng lan rộng đến mọi ngóc ngách của xã hội, con người dần bị kéo theo lối mòn “thả theo dòng chảy” của mọi bản tin trên mạng. Theo phóng viên Mai Trường An, trước sự vượt mặt của mạng xã hội, chúng ta không thể đi ngược dòng chảy mà thay vào đó cần tìm ra chiếc phao để mình không bị nhấn chìm. Chúng ta vẫn đón nhận thông tin từ mạng xã hội cung cấp nhưng phải cẩn trọng và suy xét. “Thay vì theo xu hướng thì người viết sẽ tách vấn đề, tạo thành một mạch thời sự theo quan điểm, phong cách báo chí. Đó sẽ là hướng đi có nhiều lợi ích. Từ việc tìm đề tài, vấn đề đến việc logic hóa, tạo ra bài báo đúng giá trị nguyên bản. Người viết có thể dùng từ ngữ theo lối viết của mạng xã hội vào báo chí nhưng đòi hỏi phải có kỹ năng ngôn ngữ, có mục đích dùng từ thật cụ thể, sắc sảo”, phóng viên Mai Trường An nhấn mạnh.
Th.s Phạm Thị Hương, Trưởng bộ môn Báo chí, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, những lỗi thường gặp trên các báo điện tử chủ yếu là do “giật tít”, do đó lãnh đạo các tờ báo cần trao đổi nghiệp vụ cho phóng viên hoặc đặt lại tít trong quá trình kiểm duyệt. Hiện tác phẩm báo chí vẫn ưu tiên kỹ thuật và tinh thần cấu trúc tháp ngược vì nó vẫn phù hợp với bối cảnh hiện tại khi độc giả ít có thời gian để đọc hoặc đọc ý quan trọng, đọc lướt... “Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi cũng cập nhật tình hình thực tế để trao đổi với sinh viên. Đặc biệt, việc học báo bây giờ rất thuận tiện để soi chiếu thông tin báo chí, đời sống báo giới nhờ có internet. Tuy nhiên, điều sinh viên đang thiếu là sự va chạm, tiếp xúc thực tế, cho nên chúng tôi luôn theo dõi nắm bắt sự phản hồi từ phía tòa soạn sau mỗi đợt kiến tập, thực tập hoặc từ sinh viên mới ra trường để có phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo”, Th.s Phạm Thị Hương chia sẻ.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG