Khi vợ chồng cùng nghề viết lách

.

Vốn dĩ nghề báo đã là nghề “vắng nhà” liên tục. Những chuyến công tác xa, dài ngày vì kế hoạch tòa soạn có thể khiến những người làm báo khó hoàn thành nhiệm vụ với gia đình. Nhưng cũng có nhiều thuận lợi và niềm vui khi cả hai vợ chồng cùng nghề, cùng tòa soạn báo.

Khi cả hai cảm thông và chia sẻ

Từ lần gặp gỡ tình cờ trong tác nghiệp, chị Lê Giang Thanh (phóng viên Ban đại diện Báo Tiền Phong miền Trung tại Đà Nẵng) và anh Nguyễn Văn Tri (phóng viên Tạp chí Nhà Đầu Tư Văn phòng Nam Trung Bộ) trở thành những đồng nghiệp thân thiết, phát triển thành tình yêu và về chung nhà trong gần 1 năm qua. 6 năm yêu anh, chị Thanh đã có 3 năm phải yêu xa vì anh Tri được luân chuyển công tác tại cơ sở. Dù khoảng cách về địa lý đôi khi vẫn xảy ra những tranh cãi nhưng vì cùng làm chung công việc, nên cả hai anh chị đều thông cảm, chia sẻ với nhau được nhiều hơn. Gần 1 năm “góp gạo thổi cơm chung”, bên cạnh xây dựng tổ ấm, anh chị cùng động viên, hỗ trợ nhau phát triển trong công việc. Hai vợ chồng cùng làm báo nên luôn thấu hiểu nỗi vất vả, tính chất công việc của nhau. Tính cách của phóng viên trong công việc nên cả hai luôn thẳng thắn chia sẻ những thắc mắc, hay suy nghĩ cho nhau nghe. Công việc nhà cả hai luôn san sẻ với nhau, nếu người này bận thì người kia sẽ chủ động giúp đỡ. Cả hai cũng có rất nhiều chủ đề để nói với nhau mỗi ngày từ góp ý đề tài, trao đổi nghiệp vụ, các thông tin mỗi ngày…

Theo nhà báo Nguyễn Thị Xuân Duyên (Báo Đà Nẵng), vợ chồng cùng làm báo cũng có nhiều cái thú vị. Nếu chồng làm công việc khác, không chắc anh ấy đã hiểu cho công việc của mình. TRONG ẢNH: Nhà báo Nguyễn Thị Xuân Duyên tác nghiệp ở Trường Sa. Ảnh: DIỆP NHƯ
Theo nhà báo Nguyễn Thị Xuân Duyên (Báo Đà Nẵng), vợ chồng cùng làm báo cũng có nhiều cái thú vị. Nếu chồng làm công việc khác, không chắc anh ấy đã hiểu cho công việc của mình. TRONG ẢNH: Nhà báo Nguyễn Thị Xuân Duyên tác nghiệp ở Trường Sa. Ảnh: DIỆP NHƯ

Bây giờ khi lập gia đình, anh không đi luân chuyển nữa nhưng vẫn hay công tác xa từ 5 đến 10 ngày. Vì tình yêu, sự tin tưởng, tôn trọng công việc của nhau chính là chìa khóa để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Điều đặc biệt mà chỉ gia đình báo chí có được là cả hai vợ chồng lần đầu tiên cùng đạt giải Báo chí thành phố năm 2023. Niềm vui của nghề thành niềm vui lớn của gia đình. Đôi khi thấy biết ơn công việc mà mình đang theo đuổi bởi may mắn khi được làm công việc mình thích và nhân duyên gặp người mình yêu”, chị Thanh chia sẻ.

Còn theo anh Trọng Hùng, phóng viên của Báo Đà Nẵng: “Vợ chồng cùng cơ quan nên rất thuận lợi trong quá trình tác nghiệp đi sớm về khuya mà không thấy một nửa của mình than phiền gì. Lúc nào tôi bận, không nấu cơm được thì dẫn nhau ra quán là xong”. Theo anh Hùng, đặc trưng công việc của nghề đã tạo điều kiện cho những người làm báo được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, biết nhiều điều. Vì thế, vợ chồng cùng làm báo luôn có lắm đề tài để nói với nhau chứ không chỉ nói chuyện nghề. Tuy nhiên, nghề báo cũng chịu nhiều áp lực khi chuông điện thoại liên tục reo, những cuộc hẹn vội vã. Ngay cả khi lên giường đi ngủ vẫn phải trăn trở mãi về những điều mình chưa làm được trong ngày. Thậm chí, có nhiều hôm phải làm tin cho kịp gửi về tòa soạn cho số báo ngày mai mà “quên” cả việc đón con ở trường.

Với phóng viên Diệu Quỳnh, công tác tại VTV8 Đài truyền hình Việt Nam, cả hai vợ chồng chị đều là phóng viên nhưng khác cơ quan nên ai nấy đều rất hiểu công việc làm báo. “Mỗi khi tôi đi làm về trễ, anh ấy thường thay tôi lo chuyện cơm nước, con cái. Hay đơn giản một việc nhỏ là khi thấy tôi viết bài, anh ấy còn tham gia góp ý, hỗ trợ vợ tối đa trong công việc”, chị Quỳnh chia sẻ. 

Cùng vượt qua khó khăn

Thực tế cho thấy, những cặp vợ chồng cùng làm báo hằng ngày vẫn cố gắng sẻ chia, động viên nhau vượt qua khó khăn và tìm nhiều cách để cân đối giữa công việc và gia đình. Nhà báo Nguyễn Trường Trung (quận Cẩm Lệ) có vợ cùng nghề cho biết, có khi vợ chồng anh không hẹn cùng đăng ký đề tài và đi công tác xa một lúc nên phải gởi con nhờ người nhà chăm hộ. Và một điều nữa, nếu nói nghề báo là nghề nguy hiểm nhất trong các nghề thì với những gia đình này, sự nguy hiểm đã tăng lên gấp đôi. Sự nguy hiểm ấy, không chỉ là về tính mạng mà còn là những cám dỗ trong cuộc sống. Gặp những cặp vợ chồng làm báo chúng tôi mới hiểu rằng họ đã phải hy sinh rất nhiều cho nghề, nhưng bù lại họ luôn có sự đồng cảm sâu sắc với nhau. Nhiều cặp vợ chồng làm báo cho biết họ luôn tự hào vì đã lựa chọn, gắn bó với nghề lắm gian nan nhưng cũng đầy tự hào này.

Nhà báo Xuân Duyên (Báo Đà Nẵng) cho hay: “Cả hai vợ chồng cùng cơ quan nên chúng tôi phải sắp xếp thời gian hợp lý giữa công việc và gia đình. Bố mẹ hai bên đều hiểu nghề của vợ chồng tôi vất vả nên cũng giúp đỡ nhiều, nhất là lúc con chúng tôi còn nhỏ”. Theo chị Duyên, vợ chồng cùng làm báo cũng có nhiều cái thú vị. Nếu chồng làm công việc khác, không chắc anh ấy đã hiểu cho công việc của vợ. “Nhiều lần biết mình buồn hay căng thẳng, áp lực vì công việc, người cùng cơ quan với mình luôn ở bên để chia sẻ, động viên”, chị Duyên cho hay.

Có lẽ điều hạnh phúc nhất của những cặp vợ chồng cùng làm nghề báo khi nói về người bạn đời của mình chính là sự thấu hiểu, thông cảm vì quá hiểu công việc của nhau. Có thể, với những người khác, một “ông xã” suốt ngày vắng nhà hay “nóc nhà” của anh ấy luôn đi sớm về trễ, lại hay gặp gỡ, trò chuyện nhiều người…sẽ làm họ khó chịu, nhưng với hầu hết những người làm nghề báo, đây là chuyện bình thường. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa với những phụ nữ đã đeo nghiệp viết lách, bởi họ luôn nặng gánh hai vai cố gắng “giỏi việc nước và đảm việc nhà”.

TRỌNG HÙNG- XUÂN HẬU

;
;
.
.
.
.
.