Không để mực nước hồ chứa trên sông Cu Đê hạ thấp

.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, hồ chứa trên sông Cu Đê tại thượng lưu đập dâng Nam Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đã cơ bản đáp ứng đủ nguồn nước phục vụ vận hành, khai thác nhà máy nước Hòa Liên. Tuy nhiên, do tình hình hạn hán, nước trong hồ hạ thấp từ giữa tháng 5-2024, do đó cần nghiên cứu, điều chỉnh quy trình vận hành hồ nhằm bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố.

Lượng mưa quá thấp kéo dài hơn 4 tháng qua làm mức nước hồ chứa trên sông Cu Đê tại thượng lưu đập dâng Nam Mỹ hạ thấp. Giữa tháng 5-2024, mực nước hồ hạ thấp ngang và dưới mực nước chết (5,5m) trong 1 tuần. Việc hồ chứa có chức năng điều tiết năm này hạ thấp dưới mực nước chết chỉ sau đúng 1 năm được vận hành tích nước (ngày 15-5-2023), tác động đến việc bảo đảm nguồn cấp nước sinh hoạt cho thành phố, bởi lúc đó, nguồn nước sông Cẩm Lệ tại trước cửa thu nước thô của nhà máy nước Cầu Đỏ đang bị nhiễm mặn rất cao (5.000-10.000mg/l).

Đập dâng Nam Mỹ (một hạng mục thuộc dự án Nhà máy nước Hòa Liên) được xây dựng trên sông Cu Đê tạo hồ chứa điều tiết năm với tổng dung tích hữu ích là 1,12 triệu m3. Hồ có mực nước dâng bình thường 8m, cao trình mực nước chết là 5,5m, tần suất bảo đảm cấp nước là 95%. Theo quy trình vận hành hồ chứa Nam Mỹ được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt , trong mùa kiệt (từ ngày 1-2 đến 31-8 hằng năm), khi mực nước tại thượng lưu đập dâng Nam Mỹ cao hơn 8m thì các cửa van được mở để điều tiết, duy trì mực nước thượng lưu hồ ở mức 8m; khi mực nước hồ hạ xuống cao trình 5,5m, các cửa van được đóng. Quy trình cũng quy định mực nước thấp nhất đến ngày 31-5 hằng năm là 7,03m; ngày 31-7, thấp nhất 5,82m; ngày 31-8, thấp nhất 5,5m. Việc vận hành bảo đảm duy trì lưu lượng xả thường xuyên, liên tục sau đập không nhỏ hơn 2,39m3/s; trong trường hợp đặc biệt, có thể giảm lưu lượng dòng chảy tối thiểu về hạ lưu nhưng giảm tối đa không quá 50% lưu lượng nước về hồ trong tháng thấp nhất và phải bảo đảm an toàn cấp nước, an sinh xã hội...

Vì thế, việc mực nước hồ hạ thấp dưới mực nước chết trong 1 tuần ngay giữa tháng 5 (có một số ngày duy trì từ 5,2-5,3m), đòi hỏi phải rà soát, đánh giá nguyên nhân để vận hành hồ chứa bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố trong thời gian đến, bởi lượng mưa đo được trên lưu vực hồ chứa trong hơn 4 tháng đầu năm 2024 tương đương với cùng kỳ năm 2021, nguy cơ thường hay lặp lại thời tiết khô hạn này.

TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng, dung tích của hồ chứa trên sông Cu Đê nhỏ, chỉ điều tiết với lưu lượng theo ngày với công suất đang khai thác nước tối đa 120.000m3/ngày. Đây gần như công trình khai thác nước tự chảy, mà lưu lượng nước xả về hạ du quá lớn. “Trước đây, chúng tôi có tính toán và dựa trên kết quả nghiên cứu mô phỏng, thì mùa kiệt, có lúc lưu lượng nước về hồ chứa trên sông Cu Đê ở thượng lưu đập dâng Nam Mỹ chưa đầy 1m3/s. Nhưng lưu lượng xả dòng chảy môi trường về hạ lưu lại lớn 2,39m3/s. Do đó, phải điều chỉnh lại lưu lượng nước xả về hạ lưu đập khi lưu lượng nước về hồ thấp”, TS. Lê Hùng đề nghị. Còn theo Phó phòng Khoáng sản và tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) Đặng Nguyễn Thục Anh, vừa rồi, không chỉ sông Cu Đê, mà suối Lương cũng bị cạn kiệt nguồn sinh thủy trước thời tiết khô hạn. Do đó, cần có các giải pháp bảo vệ nguồn sinh thủy để hạn chế tình trạng mực nước hạ thấp.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.