Người miền Trung vẫn giữ nhiều tập tục được truyền từ đời này sang đời khác trong ngày Tết Đoan Ngọ (5-5 âm lịch) như dâng cúng tổ tiên bánh ú tro, trái cây, con rể mới mua tặng gia đình vợ cặp vịt… Và một phong tục không thể thiếu là hái các loại lá thuốc vào trưa ngày mùng 5, phơi khô để uống dần, như một lời nhắc nhở về giá trị của những cây thảo dược sẵn có ở quanh vườn.
Bà Lê Thị Thu Hương, Kiot số 17 chợ Hàng heo, người có 41 năm theo nghề bán lá thảo dược. Ảnh: H.N |
Một nét văn hóa độc đáo cần lưu giữ và bảo tồn
Theo Đông y, lá mùng 5 là tên gọi chung của những loại cây dân dã, mỗi loại lá đều có công dụng chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe. Như ngũ gia bì chữa chức mỏi, đau khớp, đau lưng; lá từ bi chữa đau lưng, phù thận, khớp; lá bạc thau chữa sản hậu, phụ nữ sinh con uống tốt, ăn được ngủ được, nước da đẹp; hà thủ ô trị rụng tóc, tóc bạc, lá tía tô giải cảm... Người dân thường nấu nước lá uống hằng ngày, tác dụng đầu tiên là giải nhiệt, tiêu thực hay tắm cho em bé và người lớn mỗi khi bị cảm, sốt cũng rất hiệu quả. Người xưa cho rằng, một số loại lá cây hái vào đúng ngọ (12 giờ trưa) vào ngày mùng 5-5 âm lịch, là lúc dương khí mạnh nhất, có được tinh túy của đất trời nên có công dụng chữa được nhiều thứ bệnh. Lá mùng 5 có rất nhiều loại và mỗi vùng lại khác nhau. Nhưng tập trung một số lá nhất định như: lá đậu sen, tía tô, bầu đường, rẻ quạt, ngải cứu, mã đề, đinh lăng, hóc hương, đại tướng quân, ngũ gia bì, dủ dẻ, dây chiều, lá bướm, cỏ xước, sim, lá mơ, lá bạc thau, lá ổi, lá lốt, lá bạc hà, lá tre, lá vối, lá dâu, sim, bồ công anh...
Đất đai thu hẹp dần, nhiều nhà không còn vườn nên chọn giải pháp mua các loại lá thảo dược ở chợ, về phơi khô uống dần. Những ngày này, nhiều khu chợ trong và ngoài thành phố đều có người bày bán lá mùng 5. Đi ngang gian hàng bán lá, nghe thoang thoảng mùi thơm của cây lá bìa rừng. 3 giờ chiều ngày mùng 1-5 âm lịch, bà Nguyễn Thị Nhẫn ở Quế Phong, Quế Sơn (Quảng Nam) chở 2 tạ đủ các loại lá xuống cho bạn hàng ở chợ Hàng heo, sát hông chợ Cồn. Bà nói các loại lá do người dân đi hái ở trên rừng về, nhiều loại họ trồng trong vườn nhà, bà thu gom rồi mang ra Đà Nẵng bán lại. “Dân họ đi chặt trên rừng từ sớm, mỗi năm chỉ hái lá khoảng mười ngày thôi, sau ngày mùng 5 thì lá trên rừng không còn thơm ngon, người xưa họ nói nhiều loại lá hái sau ngày ni không có tác dụng. Tui đi gom lá như ri được hơn mười năm rồi. Buôn bán kiếm chút tiền đóng học cho con. Mỗi năm làm có một vụ mấy ngày, chớ quanh năm làm ruộng”, bà Nhẫn vừa sắp các loại lá cho bạn hàng vừa nói.
Dạo một vòng quanh chợ Yến Nê, xã Hòa Tiến, người dân cho biết phải đến ngày mùng 4, 5 thì người bán lá mới nhiều. Bà Đặng Thị Hòa, ở thôn Yến Nê 1 cho biết, đây là vùng thôn quê nên nhiều nhà trồng vối, tía tô, mã đề, rồi thêm nhiều loại cây mọc trong vườn có thể hái uống tươi hoặc phơi khô, nên không phải nhà nào cũng chờ đến mùng 5 đi chợ mua lá. “Nhưng mà ở dọc đường ĐT 605 ni cũng không khác chi ở ngoài phố, như nhà tui không có đất vườn nên cũng chờ mùng 5 mua một ít lá về phơi khô, uống vô thấy ăn ngon ngủ khỏe. Mấy đứa con có má nấu thì uống, không có thì thôi”, bà Hòa bộc bạch. Bà còn kể là ở quê người bán cuộn từng bó lại thành vòng tròn, gồm nhiều loại lá. Mỗi năm đến dịp này, bà mua chừng 200.000 tiền lá, uống được 2-3 tháng.
Chị Nguyễn Thị Hải Phước, tổ 41 phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) chia sẻ, hồi nhỏ, vào ngày mùng 5, đúng giờ Ngọ là mẹ chị đi hái lá mùng 5. Ở quê nên rất dễ kiếm, nào là lá chanh, lá bưởi, sả, mã đề, sài đất, cỏ đắng… Khi hái về mẹ cẩn thận bày riêng từng loại, lá cành trộn lẫn, băm nhỏ và phơi khô vài nắng, rồi chia ra, loại thì uống, loại thì tắm cho các con. Phần đã được phơi khô cho vào bao, cất lên giàn bếp dùng dần. Mấy loại lá thôi mà cả nhà xem như là tủ thuốc trị những cơn đau bụng, ngộ độc thức ăn, hạ nhiệt… Gia đình chồng chị ở Thăng Bình, Quảng Nam, cũng có nhiều khác biệt, từ các món ăn đến việc hái lá mùng 5. Mẹ chồng bận công việc đồng áng nên từ ngày mùng 4 mẹ ra chợ chọn mua lá rẻ quạt, ngải cứu, mã đề, đinh lăng, hóc hương, đại tướng quân, ngũ gia bì, dủ dẻ, dây chiều, lá ổi, lá lốt, lá bạc hà… Mẹ bảo giờ đây họ bán ở các chợ nhiều, nên mua về để uống dần, như là một vị thuốc dân gian. Ở khu nhà chị ở quận Sơn Trà hiếm có nhà nào có cây, lá để đi hái. ”Nhưng để có được lá mùng 5, hằng năm đúng tầm gần giờ Ngọ tôi vẫn cố tìm quanh cơ quan xem có được lá gì hái lá đó, coi như là món quà, một liều thuốc dân gian của ông bà ta ngày xưa để lại. Tôi cũng học mẹ, phân lá ra cái thì tắm, cái thì uống”, chị Phước nói. Và ở cơ quan chị có nhiều cây vối, cũng là thức uống hằng ngày của gia đình.
Tôi cũng thực hành việc uống nước lá ngày mùng 5, bằng cách mua ít nắm lá về nấu. Ôm nắm lá trên tay vào đúng những ngày này, nhiều mùi hương vấn vương, tay thơm mùi dân dã của thảo mộc. Chừng đó thôi là thấy mình như còn bé dại, được ba mẹ nhắc uống một ly nước lá thơm thơm vào ngày mùng 5 để “giết sâu bọ”. Và giờ, dù không uống quanh năm cũng gắng đi đến chợ, mua một bó lá về nấu nước, thấy mình như một gạch nối từ ba mẹ, từ ông bà và nhiều thế hệ trước đó nữa, khi duy trì một tập tục dễ thương, mộc mạc. Đó là ký ức, truyền thống dân gian. Buổi chợ ngày mùng 5 mà không ôm về một bó lá, thiếu đi ly nước lá, hình như ngày Tết Đoan ngọ thấy thiếu thiếu thứ gì đó.
Ông Đoàn Anh Đức, em rể bà Hương, quầy số 269/17 Ông Ích Khiêm, người có hơn 30 năm theo nghề bán lá, thuốc nam. Ảnh: H.N |
Cả nhà theo nghề bán lá
Bắt đầu từ gian hàng nhỏ bán các loại lá xông, lá thuốc nam, lá gội đầu bên hông chợ Hàng heo của bà nội, gia đình chị Lê Thị Thu Hương (Kiot số 17) gắn bó với nghề bán lá, thảo dược mấy chục năm nay. Gia đình có 6 chị em mà có 4 người theo nghề, trong đó có 2 cửa hàng của chị Hương và em dâu Vũ Thị Thanh Tùng ở chợ Hàng heo, hai cửa hàng trên đường Ông Ích Khiêm và Võ Văn Tần của các em. Mùa nắng, mấy chị em thu mua lá thảo dược của người dân ở các vùng Duy Xuyên, Tiên Phước, Đại Lộc, Quế Sơn mang xuống, đem về phơi phóng kỹ, bán lai rai. Bạn hàng của chị Hương có nhiều người ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh lân cận. Mùa mưa, lá dễ bị ẩm mốc, các chị bán chủ yếu là các loại củ quả sấy khô như khổ qua rừng, thơm rừng, chuối hột sấy, cùng các loại quả khô nhập từ Trung Quốc như táo đỏ, kỷ tử.
Chị Hương nhẩm đếm rồi vỗ vào tay cô em dâu: ui thế là chị theo nghề bà nội ba mấy năm rồi. Chị Tùng nhẩm đếm rồi bảo, 41 năm chị ơi, chị không tính 7 năm học nghề à, có 34 năm rành (nghề thuần thục). Chị Tùng cũng nói luôn: tiệm Dũng Xuân ở đường Ông Ích Khiêm là 38 năm, trong đó có 8 năm học nghề; tiệm Đức Hằng ở đường Võ Văn Tần là 22 năm; còn em theo nghề được 13 năm. “Phải học từng loại lá, từng loại thuốc, bài thuốc em ạ. Không phải nói lá mùng năm rồi bỏ đủ thứ vào nấu uống đâu, tốt đâu chưa thấy, nhiều khi không tốt cho sức khỏe, nhất là với những người có bệnh nền sẵn”, chị Hương chia sẻ. Theo chị nếu chỉ nấu uống cho mát, thanh nhiệt, giải độc, thì có những loại cây lành tính như lá tía tô, mã đề, rau má… Nhưng khi uống để mát gan thì cần đến những loại lá như bồ công anh, nhọ nồi, bông atiso, lá diệp hạ châu; với những người mắc các bệnh về gan hoặc mật thì việc sử dụng cây chó đẻ răng cưa hỗ trợ điều trị sẽ rất tốt. Nhưng đây là loại cây chữa bệnh, không nên uống hằng ngày để phòng bệnh, vì với người bình thường rất dễ gây tổn thương, mất cân bằng chức năng gan, mật,.. từ đó rất dễ dẫn đến chai gan, xơ gan”, chị Hương nói.
Chị Hương cho biết mình yêu nghề lắm, ngày nào cũng hít hà mùi lá tươi, khô, mùi thảo mộc, nên hôm nào không ra chợ là nhớ. Làm nghề này phải học nhiều lắm, chị học từ bà nội, rồi đọc thêm sách, học trên mạng, hỏi chuyện những người đến đây mua lá về uống như một vị thuốc. Lá này có thể tốt với người này, nhưng không tốt với người khác, nên ai mới uống chị đều tư vấn kỹ, bán một ít cho họ uống thử, thấy hợp rồi hãy theo. Các bài thuốc nam vốn là bài thuốc dân gian, nhưng qua thời gian có thể bị thất truyền, thậm chí sự kết hợp giữa vị lá thuốc này với lá thuốc kia cũng khác nhau giữa nhiều người, nên mỗi người khi chọn uống lá, hay một bài thuốc nam hoàn chỉnh phải thử từ số lượng ít, tham vấn ý kiến của người có chuyên môn về thuốc và không nên uống trong thời gian dài.
Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 - 5 âm lịch hằng năm. Đây là một ngày tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc... “Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều, ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất. Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là “tết giết sâu bọ”. |
HOÀNG NHUNG