Nông dân hăng say bảo vệ môi trường

.

Nhằm xây dựng “phường Thanh Khê Tây - phường môi trường”, Hội Nông dân phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả vì môi trường, góp phần thực hiện đề án “Xây dựng Thanh Khê - Quận môi trường” giai đoạn 2021-2030.

Hội Nông dân phường Thanh Khê Tây giao các lô đất trống cho hội viên làm nơi trồng trọt, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. TRONG ẢNH: Vườn rau màu của hội viên nông dân phát triển xanh tốt. Ảnh: L.P
Hội Nông dân phường Thanh Khê Tây giao các lô đất trống cho hội viên làm nơi trồng trọt, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. TRONG ẢNH: Vườn rau màu của hội viên nông dân phát triển xanh tốt. Ảnh: L.P

Đều đặn mỗi tháng một lần, Tổ “Thu gom rác thải từ đại dương” thuộc Chi Hội Nông dân nghề thúng chai của phường tổ chức vớt rác dọc sông Phú Lộc, đoạn đổ ra biển. Từ sáng sớm, hơn chục hội viên chuẩn bị ghe, vợt, thùng rác cùng nhau đi vớt rác. Mọi người điều khiển ghe chạy dọc bờ sông, dùng vợt vớt các loại chai nhựa, bao ni-lông, rác sinh hoạt đưa về nơi xử lý. Ông Lê Quang Thuận, Tổ trưởng Tổ “Thu gom rác thải từ đại dương” cho biết, mô hình Tổ “Thu gom rác thải từ đại dương” được thành lập tháng 2-2023 với 10 thành viên, nhằm vận động ngư dân mang rác thải nhựa trở về đất liền, không vứt rác xuống biển sau mỗi chuyến biển. Đồng thời, mỗi tháng một lần, tổ thực hiện thu gom, vớt rác trên sông Phú Lộc nhằm bảo vệ nguồn nước; tuyên truyền nâng cao ý thức cho nhân dân không vứt rác xuống sông, góp phần giảm lượng rác thải trôi ra biển.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khê Tây Lê Thị Mỹ Hạnh cho biết, song song các hoạt động bảo vệ môi trường sông, biển, hội viên nông dân phường còn thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường đất, xây dựng các tuyến kiệt, hẻm xanh - sạch - đẹp. Theo đó, từ năm 2023 đến nay, Hội Nông dân phường đảm nhận 2 lô đất trống trên địa bàn phường với tổng diện tích 12.100m2. Tại 2 lô đất này, Hội Nông dân phường tổ chức tổng dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm; đồng thời giao cho 8 hội viên thuộc Chi hội Nông dân nghề trồng rau màu, hoa, cây cảnh làm nơi sản xuất, trồng trọt. Sau khi được Hội Nông dân phường giao đất, chị Lê Thị Gái (tổ 25) duy trì trồng các loại rau xanh, củ quả ngắn ngày vừa phát triển kinh tế gia đình; vừa giữ gìn môi trường không để tái diễn tình trạng đổ rác thải, xà bần gây ô nhiễm. Trong khi đó, anh Lê Tiến Dũng (tổ 25) được giao đất để trồng các loại hoa cúc, vạn thọ bán vào các ngày rằm, mồng 1 âm lịch hằng tháng và dịp Tết, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đồng thời, anh Dũng xây dựng “Vườn hoa trong phố - Mô hình nông nghiệp đô thị xanh” trở thành điểm check-in hấp dẫn, thu hút người dân mỗi dịp Tết. Theo Hội Nông dân phường, hằng năm các hội viên duy trì trồng khoảng 4.100 chậu hoa cúc lớn; 1.000 chậu hoa vạn thọ; 400 thược dược; 200 chậu hoa hướng dương; 1.000 chậu hoa dạ yến thảo, thu hải đường; 4.400 chậu hoa cúc nhỏ các loại; 450 chậu hoa ly; 200 chậu mãn đình hồng; 200 chậu hoa bướm… để phục vụ nhu cầu mua hoa, cây cảnh dịp Tết của người dân, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hội viên nông dân.

Hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” hằng năm, tính đến nay, Hội Nông dân phường trồng và chăm sóc 25 cây dừa xiêm, 4 cây ươi, 5 cây xà cừ; phối hợp với Hội Nông dân quận Thanh Khê trồng 58 cây bằng lăng tím dọc các tuyến đường trên địa bàn phường, góp phần cụ thể hóa đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ trên địa bàn thành phố. Vào các ngày Môi trường thế giới (5-6), ngày Đại dương thế giới (8-6), ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp,… hàng nghìn lượt hội viên nông dân tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, phát quang cỏ dại, chăm sóc cây xanh, diệt lăng quăng bọ gậy…

Hưởng ứng phong trào “Nông dân nói không với túi nilon” và “Tái sử dụng đồ nhựa - Vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi tiêu”, Hội Nông dân phường tặng 90 giỏ nhựa đi chợ thay thế túi nilon cho hội viên nữ; trao 50 thùng rác tái chế cho các hộ gia đình. Đặc biệt, trong 2 năm 2023 và 2024, Hội Nông dân phường xây dựng thành công mô hình “Nông dân xây dựng kiệt, hẻm xanh - sạch - đẹp” tại 2 tuyến kiệt K89 Mẹ Nhu và K02/22 Bàu Trảng 7; xây dựng 2 “Đoạn đường an toàn, văn hóa, văn minh” tại tuyến đường Yên Khê 1 và Nguyễn Thị Bảy. Qua đó vận động nông dân, nhân dân chung tay xây dựng kiệt, hẻm văn minh, an toàn, xanh - sạch - đẹp, hướng đến hình thành các tuyến đường kiểu mẫu tại địa phương.

Nhằm khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp đô thị, tăng mảng xanh trong khu dân cư, tại lễ ra mắt Chi hội Nông dân nghề sinh vật cảnh mới đây, Hội Nông dân phường tổ chức chương trình trao đổi phế liệu, vật liệu, rác thải tái chế lấy phân bón, hạt giống và nhu yếu phẩm. Kết quả, thu được 58kg nhựa, 48kg sắt vụn, 1.045 vỏ lon, 43kg giấy; đổi lấy 45 bao phân trùn quế, 36 gói hạt giống các loại, 11 bao phân bón các loại, 11 chai dầu ăn, 12 gói hạt nêm, mì chính. “Đây là một trong những hoạt động Hội Nông dân phường đẩy mạnh triển khai trong năm 2024, góp phần thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng và triển khai trong 4 năm, từ 2021 - 2024, tại 15 tỉnh, thành phố, trong đó có Đà Nẵng”, bà Lê Thị Mỹ Hạnh nói.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.