Phát huy vai trò nông dân tham gia bảo vệ môi trường

.

Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nhiều mô hình, hoạt động hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm, tạo cảnh quan sạch, đẹp và hình thành lối sống xanh trong đời sống và sản xuất.

Hội viên nông dân quận Sơn Trà ra quân dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn. Ảnh: N.Q
Hội viên nông dân quận Sơn Trà ra quân dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn. Ảnh: N.Q

Thực hiện phong trào “Đưa rác từ đại dương vào bờ” do Hội Nông dân thành phố phát động, từ năm 2023 đến nay, Hội Nông dân quận Sơn Trà triển khai mô hình “Túi rác trên biển”, vận động ngư dân chung tay bảo vệ môi trường. Theo đó, gần 300 ngư dân trên địa bàn được phát gần 600 túi lưới để thực hiện mô hình trên. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) Mai Văn Đãi, trong quá trình hành nghề, một số ngư dân vứt vỏ lon, chai nhựa, rác trên biển gây ô nhiễm. Từ khi triển khai mô hình trên, Hội Nông dân thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trên biển. Khi thấy rác, vỏ lon, chai nhựa trên biển, ngư dân vớt bỏ vào túi và mang trở lại bờ. Rác thải được phân loại để tái sử dụng hoặc bán lấy tiền nhằm thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Sau một năm triển khai, 100% ngư dân trên địa bàn thực hiện tốt mô hình trên, góp phần giữ gìn môi trường biển sạch, đẹp.

Chủ tịch Hội Nông dân quận Sơn Trà Trần Văn Lực cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền, Quận hội chú trọng triển khai các mô hình bảo vệ môi trường và vận động hội viên tham gia, tiêu biểu là mô hình “Thu gom, phân loại rác thải tài nguyên gây quỹ an sinh xã hội” đang được triển khai hiệu quả đến các cơ sở hội. Theo mô hình trên, những rác thải phế liệu sau khi được tập kết tại một điểm cố định sẽ được hội viên phân loại và bán phế liệu lấy kinh phí hỗ trợ người dân khó khăn. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở hội thu gom rác thải bán được hơn 6,7 triệu đồng, dành tặng cho học sinh vào đầu năm học và hỗ trợ hội viên nông dân khó khăn vào dịp cuối năm.

Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) cũng được Hội Nông dân phường triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc Trần Thị Năm, trên địa bàn có nhiều khu đất trống, một số người dân lợi dụng đêm tối vứt rác, đổ xà bần dẫn đến ô nhiễm. Trước thực trạng trên, thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, hội viên nông dân trên địa bàn thường xuyên ra quân dọn rác thải, xà bần, cắt tỉa cây, trồng hoa tại nhiều tuyến đường, góp phần giảm các điểm “nóng” ô nhiễm. Bên cạnh đó, Hội Nông dân phường vận động hội viên phân loại rác thải tại nguồn nhằm hạn chế xả rác thải ô nhiễm, tạo môi trường sống sạch, đẹp.

Hiện nay, Hội Nông dân quận Hải Châu duy trì hai mô hình “CLB Nông dân với môi trường thích ứng biến đổi khí hậu’’ và mô hình “Chi hội ngư nghiệp xanh” nhằm thực hiện phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn. Theo Chủ tịch Hội Nông dân quận Hải Châu Hoàng Minh Trinh, mô hình “Chi hội ngư nghiệp xanh” đang được triển khai hiệu quả, nhằm kêu gọi ngư dân tham gia bảo vệ môi trường. Trong quá trình hành nghề, ngư dân vớt rác trên mặt nước đưa về bờ, không đổ thải chất bẩn ra môi trường. Mô hình trên được Quận ủy, UBND quận đánh giá cao, góp phần giảm ô nhiễm trên biển. “Để thay đổi nhận thức của người dân về môi trường là chuyện lâu dài, cần có sự chung tay của cộng động. Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân không vứt rác bừa bãi, thu gom, phân loại rác thải nhựa. Đồng thời, duy trì các mô hình bảo vệ môi trường nhằm kêu gọi sự chung tay của cộng đồng bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp”, ông Trinh chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết, các cấp hội trên địa bàn thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương đã linh hoạt, sáng tạo triển khai hiệu quả các chương trình, mô hình bảo vệ môi trường, được chính quyền địa phương đánh giá cao. Các mô hình bảo vệ môi trường nhận được sư quan tâm, đồng hành tích cực của cộng đồng, góp phần hình thành nếp sống văn minh đô thị. Thời gian đến, Hội Nông dân thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho hội viên phân loại rác tại nguồn, tái chế rác thải nhựa, phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt, vận động người dân vào cuộc quyết liệt nhằm phát hiện, thông tin với các cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.