Tạo ra những điều có ích cho xã hội, cho nhân dân

.

“Chính xác - khách quan - đa chiều - công bằng” trong thông tin, bài viết là những yêu cầu chung, tiên quyết cho tất cả phóng viên. Đối với phóng viên phụ trách xử lý đơn thư của bạn đọc, một phạm vi tác nghiệp có thể coi là phức tạp nhất trong ngành báo chí, các yếu tố này lại càng phải được nằm lòng.

Bà Lê Thị Côi (trú quận Sơn Trà) bên bộ hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với cha ruột mình là Lê Công Bạo (Em). Ảnh: ĐẮC MẠNH
Bà Lê Thị Côi (trú quận Sơn Trà) bên bộ hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với cha ruột mình là Lê Công Bạo (Em). Ảnh: ĐẮC MẠNH

Bạn đọc có thể tiếp cận với báo thông qua nhiều kênh: trực tiếp tới tòa soạn, gọi điện thoại qua đường dây nóng, gửi thư hoặc email, qua mạng xã hội… Song qua kênh nào thì hầu hết các nội dung, vụ việc phức tạp sẽ đều cần được xử lý qua đơn thư, văn bản. Vì thế, mỗi ngày Báo Đà Nẵng tiếp nhận hàng chục đơn thư phản ánh, kêu cứu, khiếu nại, tố cáo… Hầu hết các đơn thư này sẽ được Ban Biên tập xem xét, chuyển tới Phòng Cuối tuần - Bạn đọc tiếp nhận, xử lý. Bằng sự thấu hiểu và với trách nhiệm của cơ quan báo chí, việc xử lý đơn thư phần nào đáp ứng được mong mỏi của bạn đọc.

Các vấn đề liên quan tới đất đai là lĩnh vực mà báo nhận được nhiều đơn thư nhất (chiếm hơn 75%), chủ yếu là về công tác quản lý đất đai, xây dựng; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp đất đai… Đa phần là những sự việc nhỏ, kéo dài. Sau khi nghiên cứu và xem xét kỹ càng, các đơn thư “có vấn đề” đều được phóng viên vào cuộc xác minh, phản ánh qua các bài viết đăng trên báo. Đơn cử mới nhất, Báo Đà Nẵng nhận đơn của công dân Ngô Minh Hải (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ông Hải phản ánh việc, sau khi bàn giao mặt bằng cho dự án, gia đình đã mua vật liệu để làm lại nhà ở tại phần đất còn lại. Tuy nhiên, do có điều chỉnh quy hoạch lại tuyến đường nên người dân không được phép xây dựng, nguyên vật liệu hư hỏng, thiệt hại. Địa phương chậm trễ trong việc xem xét, xử lý việc bố trí đất tái định cư sau giải tỏa nên gia đình 7 thành viên phải sống tạm bợ trong nhà thuê hơn 2 năm qua. Thẩm quyền giải quyết được các cơ quan của thành phố Đà Nẵng xác định thuộc UBND huyện Hòa Vang.

Sau khi tiếp nhận đơn, phóng viên liên hệ lãnh đạo huyện vào chiều ngày thứ Sáu thì vị này thông tin, sẽ họp giải quyết vào ngay sáng thứ Hai tuần sau và tại cuộc họp đó, Hội đồng dự án đã đề xuất UBND thành phố bố trí 1 lô tái định cư ở đường 10,5m đối với hộ ông Hải theo nguyện vọng của gia đình.

Một số trường hợp xét theo một khía cạnh sẽ mang tính cá nhân, đơn lẻ nhưng tính chất sự việc lại mang nặng tính đạo lý, trách nhiệm nên việc xử lý đơn thư vẫn được triển khai đầy đủ, nghiêm túc. Đơn cử là lá đơn của bà Lê Thị Côi (quận Sơn Trà) liên quan tới việc hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với cha ruột mình là Lê Công Bạo (Em), do cán bộ phường phụ trách làm thất lạc nên hơn 22 năm qua chưa được công nhận. Liên tiếp hai bài viết được đăng tải sau khi phóng viên vào cuộc xác minh. Gia đình bà Côi gửi thư cảm ơn tới Ban Biên tập và phóng viên Báo Đà Nẵng. Lãnh đạo UBND quận Sơn Trà cũng bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với trường hợp này, đồng thời đã chỉ đạo các đơn vị liên quan của quận quyết liệt vào cuộc để “làm sớm, làm rõ và làm có trách nhiệm đối với thông tin liên quan tới hồ sơ của gia đình bà Lê Thị Côi”.

Ông Ngô Minh Hải (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) bên diện tích đất sau giải tỏa. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Ông Ngô Minh Hải (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) bên diện tích đất sau giải tỏa. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Bên cạnh đó, một số đơn thư gửi tới báo triển khai nhưng quá trình xác minh, nhận thấy sự việc mang tính phức tạp, cần phải có văn bản trả lời một cách cụ thể từ cơ quan chức năng, khi đó Báo Đà Nẵng sẽ thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và có văn bản chuyển đơn tới cơ quan chức năng liên quan. Với trách nhiệm, uy tín và vai trò của cơ quan báo Đảng, hầu hết các công văn chuyển đi đều nhận được hồi âm của cơ quan chức năng và báo đăng tải kết quả xử lý theo quy định. 

Quá trình xác minh, xử lý thông tin từ đơn thư, ngoài thực hiện bảo đảm các nghiệp vụ báo chí (phỏng vấn, nhập vai, thu thập đầy đủ chứng cứ…) thì việc nghiên cứu thật kỹ tài liệu, rồi đối chiếu với các quy định pháp luật (tương tự nghiệp vụ của các luật sư) được coi là mảng khó nhất trong báo chí. Khó là bởi, đối tượng liên quan, bị phản ánh đa phần né tránh trả lời, còn việc tiếp cận các cơ quan chức năng thì tốn quá nhiều thời gian, công sức. Thậm chí, chính người phản ánh cũng nhiều trường hợp “bất nhất”, đơn cử như trường hợp công dân ở đường Đống Đa (quận Hải Châu) có đơn tố cáo doanh nghiệp gây ồn, có nhiều sai phạm khác trong kinh doanh song khi phóng viên xác minh thì ngày hôm sau công dân này lại có đơn “xin rút đơn tố cáo” vì “bên kia đã gặp gỡ trực tiếp, không tố cáo nữa”.

Có nhiều chông gai, khó khăn nhưng việc xác minh, điều tra theo đơn thư vẫn luôn là “nguồn đề tài” thực sự hấp dẫn đối với mỗi phóng viên. Hầu hết các tuyến bài hay, “có vấn đề”, bài nóng và thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả đều xuất phát từ đơn thư của bạn đọc. Vì thế, mỗi phóng viên, nhà báo nói chung, phụ trách xử lý đơn thư nói riêng đều cần trang bị cho bản thân bản lĩnh, tri thức và trình độ tác nghiệp để dấn thân, đi tới cùng vụ việc với mục đích tạo ra những điều có ích cho xã hội, cho nhân dân.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.