Nghĩa trủng Gò Đồ nằm trên địa bàn phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), là nơi chôn cất khoảng 2.000 ngôi mộ các nghĩa sĩ và liệt sĩ thời kỳ chống Pháp. Nghĩa trủng còn hoang sơ, xuống cấp, việc đầu tư, tôn tạo bảo đảm mỹ quan khang trang là rất cần thiết.
Nghĩa trủng Gò Đồ nằm trên địa bàn phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ). Ảnh: K.N |
Nghĩa trủng Gò Đồ có diện tích khoảng 2.100m2, nằm cách trung tâm thành phố gần 11km về phía tây. Ông Nguyễn Tiến Ca, Phó Chủ tịch Hội đồng chư phái tộc làng Nghi An cho biết, theo sổ sách, nơi đây có khoảng 2.000 ngôi mộ các nghĩa sĩ và đồng bào được dân làng Nghi An chôn cất tạm thời.
“Ngoài những nghĩa sĩ và đồng bào yêu nước được di dời từ nghĩa trủng Hòa Vang về, đây còn là nơi an nghỉ của nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 96, Trung đoàn 93 và Tiểu đoàn 100 trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1957, dân làng Nghi An phải dời đình làng từ Cấm Đình (giáp Nghĩa trủng Gò Đồ) về xứ đất Cầu Rổi - Gò Miếu (nay thuộc đình làng Nghi An). Khi di dời đình làng, người dân trong làng sao chép thiết kế khu âm linh thờ tại nghĩa trủng Gò Đồ về xây dựng bên cạnh đình làng để có nơi thờ tự, cúng tế hằng năm. Năm 1969, kho bom đạn của Mỹ bị cháy nổ 3 ngày, 3 đêm, nhà cửa, tài sản của dân làng Nghi An hầu như bị cháy rụi gần hết; đình làng Nghi An, nghĩa trủng Gò Đồ bị đổ sập hoàn toàn. Năm 2015, khi trùng tu nghĩa trủng Gò Đồ, người dân phục dựng khu âm linh dựa vào khu âm linh tại đình làng. Chúng tôi mong muốn nơi này sớm được đầu tư, nâng cấp để thờ phụng, cúng tế, tưởng nhớ tổ tiên”, ông Ca cho biết thêm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, UBND phường tổ chức rà soát, xác định các phần mộ của các nghĩa sĩ được an táng tại nghĩa trủng Gò Đồ. Bước đầu xác định hơn 720 phần mộ của các nghĩa sĩ từ trần từ thời danh tướng Lê Đình Lý và Nguyễn Tri Phương. Đặc biệt, trong đó có 18 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 96 đã anh dũng hy sinh tại cầu Bà Điếc, làng Nghi An. Ngày 7-5, UBND phường đã trao đổi với Phòng Quản lý di sản văn hóa (Bảo tàng Đà Nẵng).
Qua buổi làm việc, Phòng Quản lý di sản văn hóa cho biết, nghĩa trủng Gò Đồ đủ điều kiện để được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Tuy nhiên, UBND quận Cẩm Lệ cần có văn bản gửi đến Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để cung cấp thêm thông tin. “UBND phường vừa phối hợp các đơn vị phát quang cây cối, làm sạch môi trường tại nghĩa trủng Gò Đồ. Ngoài ra, đề xuất UBND quận sớm đầu tư xây dựng hàng rào theo mốc giới đã được xác định để có ranh giới rõ ràng, đây cũng là một trong những điều kiện để công nhận di tích cấp thành phố; tôn tạo, nâng cấp một số hạng mục để địa phương gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử của Nghĩa trủng Gò Đồ”, ông Hoàng nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Ngô Ngọc Hậu, hiện UBND quận đang củng cố hồ sơ để trình thành phố. UBND quận mong muốn thành phố sớm có đánh giá toàn diện về ý nghĩa lịch sử, đồng thời, có kế hoạch tôn tạo, nâng cấp và công nhận nghĩa trủng Gò Đồ là di tích lịch sử cấp thành phố để giữ gìn các giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của làng Nghi An nói riêng và quận Cẩm Lệ nói chung.
KHÁNH NGÂN