Hiện trên địa bàn thành phố có một số tuyến thoát lũ bị đất, đá vùi lấp hoặc bị các công trình giao thông gây cản trở thoát lũ, làm gia tăng ngập lụt ở thượng lưu và nguy cơ gây cắt đứt các tuyến giao thông huyết mạch. Tình trạng này cần sớm có giải pháp khắc phục trong bối cảnh mưa cực đoan, lũ quét có xu hướng gia tăng về diện và cường độ.
Khẩu độ của cầu Giăng (sông Túy Loan) hẹp, không bảo đảm thoát lũ về hạ lưu. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Hơn 15 năm qua, kể từ khi xây dựng tuyến đường nối phía nam hầm Hải Vân đến Túy Loan (đường tránh nam Hải Vân), khu vực thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) thường hay bị ngập nước do đoạn đường qua cánh đồng chỉ trổ một số cống có khẩu độ nhỏ, không bảo đảm thoát nước từ khu vực núi Phước Thuận, Phước Hậu xuống khu dân cư, cánh đồng và ra sông Túy Loan. Những năm gần đây, sau khi thi công dự án Cải tạo, nâng cấp đường ĐH2 (đường Hòa Nhơn - Hòa Sơn), do cống thoát nước có khẩu độ không đủ thoát nước ra sông Túy Loan, nên không chỉ khu vực thôn Hòa Khương Đông gia tăng ngập úng, mà nhiều nhà dân ở thôn Hòa Khương Tây (xã Hòa Nhơn) ở hạ lưu thôn Hòa Khương Đông cũng bị ngập sâu.
Hiện nay, các nhà thầu đang thi công mở rộng đường tránh nam Hải Vân thành đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan (thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông), nhiều người dân thôn Hòa Khương Tây lại thêm lo lắng vì nước sẽ chảy về thôn nhanh hơn, nhiều hơn. Bà Đỗ Thị Lợi (người dân ở thôn Hòa Khương Tây) lo lắng: “Năm 2023, nhà tôi bị nước ngập sâu ngang cổ, phải sơ tán sang nhà cao hơn do khe Thái Lai quá nhỏ, nước thoát không kịp ra sông Túy Loan nên ngập nhà tôi và đường ĐH2. Bây giờ các nhà thầu đang thi công đường cao tốc và sẽ mở thêm một số cống qua đường, nước sẽ thoát về thôn Hòa Khương Tây nhanh hơn và cũng ứ đọng lại đây lâu hơn, gia tăng ngập lụt. Do đó, người dân đề nghị các cơ quan chức năng mở rộng khe Thái Lai, bổ sung cống thoát nước qua đường ĐH2 để giảm ngập lụt”.
Người dân ở xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) cũng bức xúc vì lũ trên sông Túy Loan bị dồn ứ ở khu vực thượng lưu cầu Giăng, thậm chí dâng lên ngập quốc lộ 14G một đoạn dài, gây chia cắt giao thông trên tuyến đường huyết mạch này. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm ngày càng có chiều hướng gia tăng. Các đợt mưa lớn thường hay xảy ra, lượng nước từ thượng nguồn chảy về các xã đồng bằng rất lớn gây lũ, lũ quét.
Trong khi đó, khả năng thoát nước chậm làm gia tăng tình trạng ngập lụt tại một số xã trên địa bàn huyện. Hệ thống thoát nước, thoát lũ trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều bất cập, một số khu vực thoát nước chậm. Các tuyến kênh, trục tiêu thoát nước chính chưa nạo vét kịp thời, cửa thoát nước nhỏ hơn lòng dẫn khi mưa lớn xảy ra, gây ngập tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện. Đặc biệt, tại khu vực cầu Giăng, khẩu độ thoát lũ qua cầu nhỏ hơn lòng sông Túy Loan.
“Huyện đề nghị thành phố đầu tư kinh phí nạo vét các đoạn kênh tiêu, trục thoát nước trên địa bàn huyện, nhất là đoạn cuối sông Tây Tịnh và mở rộng khẩu độ thoát lũ qua cầu Giăng trên sông Túy Loan”, ông Phan Duy Anh nói. Ngoài ra, huyện Hòa Vang cũng đề nghị thành phố nghiên cứu, triển khai các giải pháp giải quyết ngập lụt, ngập lũ cục bộ tại lưu vực sông Túy Loan thuộc xã Hòa Phú và Hòa Phong, trong đó có việc xây dựng tuyến kênh thoát lũ sông Túy Loan từ thượng lưu về hạ lưu cầu Giăng (qua quốc lộ 14B cũ) để tăng khả năng thoát lũ; nạo vét, khơi thông, mở rộng tuyến thoát lũ từ sông Túy Loan về kênh Bàu Thị ra sông Yên. Bên cạnh đó, mở thêm một số cống thoát nước qua đường ĐH2 để làm giảm tình trạng gia tăng ngập lụt...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An cho rằng, khu vực thượng lưu suối Lương có nhiều đoạn bị sạt lở và bồi lấp đất, đá gây cản trở dòng chảy. Còn ở hạ lưu suối có các hoạt động ngăn suối tạo thành những ao, hồ nhỏ để phục vụ du lịch, dã ngoại, gây thu hẹp dòng chảy và cản trở việc lưu thông nước. Các giải pháp trước mắt là cần có phương án nạo vét đất, đá bồi lấp tại khu vực thượng lưu suối Lương để khơi thông dòng chảy; rà soát, xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên nước, cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Bên cạnh đó, cần có giải pháp thay thế cây keo lá tràm được trồng trên các diện tích rừng sản xuất bằng các cây bản địa phù hợp, có tác dụng điều hòa khí hậu, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng tái tạo mạch nước ngầm, giảm xói mòn đất, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Về giải pháp lâu dài, UBND thành phố đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu sinh thái phía tây thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), trong đó có tuyến thoát nước chính ở suối Lương thuộc nhóm những hạng mục ưu tiên đầu tư cũng như tiến hành rà soát tổng thể, lập phương án, đề xuất mô hình dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng (ăn uống, giải khát và tắm suối) phù hợp tại khu vực suối Lương.
HOÀNG HIỆP