Kỳ nghỉ hè kéo dài hơn 2 tháng, đây là thời gian để trẻ em nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động kỹ năng, rèn luyện sức khỏe... Tuy nhiên, một bộ phận thanh - thiếu niên, nhi đồng ngoài giờ học thêm, sa đà với thiết bị điện tử, gióng lên hồi chuông cảnh báo đến toàn xã hội. Người lớn làm gì để tìm lại mùa hè cho con trẻ?
Quán L.B Gaming tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hằng ngày có khá đông học sinh, sinh viên đến chơi game, ghi nhận chiều 8-7-2024. Ảnh: NGỌC QUỐC |
Bài 1: Những đứa trẻ không có mùa hè
Dù là kỳ nghỉ hè nhưng nhiều lớp học thêm kín lịch, với học sinh tiểu học không ít phụ huynh chọn hình thức gửi bán trú vì không có ai trông. Bên cạnh đó, thiếu sự giám sát của cha mẹ, trẻ lạm dụng điện thoại thông minh, nguy cơ chơi game và tiếp xúc với những mẩu quảng cáo trò chơi cá cược trên mạng...
Lớp học hè, quán game “kín” học sinh
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến đường Khúc Hạo, Mai Đăng Chơn, Phan Đăng Lưu, Phạm Như Xương, ĐT 605... có nhiều quán game mở cửa cả đêm lẫn ngày. Đa số người tham gia chơi game tại đây đều là học sinh, sinh viên.
Tại quán game trên đường Phan Đăng Lưu, lúc 21 giờ tối 19-6 có gần 20 người tham gia đang “cày game” tại quán, trong đó, có nhiều thiếu niên. Người chơi game đều được tạo một tài khoản riêng, mỗi giờ chơi có giá 10.000 đồng. Theo nhân viên, tại quán phục vụ các loại thức ăn nhanh, nước uống, và hoạt động xuyên đêm tất cả các ngày trong tuần. Bất kỳ ai cũng có thể đến chơi tại đây, kể cả trẻ em, miễn là có tiền. Tương tự, quán game trên đường ĐT 605 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cũng thu hút nhiều thiếu niên đến chơi và quán cũng hoạt động xuyên đêm khi người chơi có nhu cầu.
Đặc biệt, nếu như trước đây, các quán cà phê, khu vực công cộng là nơi học sinh tụ họp để nói chuyện, giải bài tập thì giờ đây là nơi để các em tụ tập để chơi game. Chỉ cần một điện thoại thông minh, bắt được sóng wifi, hoặc mạng không dây 4G, các em có thể vô tư chơi các loại game có thiết kế đồ họa bắt mắt. Với những người chơi game online chưa đến tuổi trưởng thành, các em chưa có đủ kỹ năng để làm chủ cảm xúc của bản thân, nhiều trường hợp dẫn đến “nghiện game”.
Đầu tháng 6, các lớp học thêm trên địa bàn thành phố đã có lịch học; nhiều lớp “kín” lịch sau một tuần thông báo học thêm. Anh N.T. Thanh (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) có con năm nay vào lớp 7, không ngại đường xa đăng ký cho con học thêm môn Toán tại phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê). Theo phụ huynh này, với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt để tranh suất vào trường THPT công lập nên anh phải đầu tư cho con ngay từ bây giờ.
Tranh thủ những ngày hè không học ở trường, anh cho con học thêm hai suất Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Tương tự, không chọn đi xa nhưng bảo đảm để con giữ top đầu của lớp, chị H.T. Diễm (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) tìm những lớp học thêm quanh khu vực cư trú, ngoài 3 môn chính còn học thêm các môn khoa học tự nhiên. Ngoài giờ học thêm thì ở nhà coi phim, lướt mạng xã hội.
Đối với học sinh bậc tiểu học, nhất là trước khi vào lớp 1, đa phần trải qua mùa hè ở lớp bán trú. Trên các trang mạng xã hội, đầy rẫy thông tin tuyển sinh các bé dự thính, hoặc lớp 2, 3 trải đều khắp các quận, nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh dù không được cấp phép hoạt động. Chị L.K.Nga (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) chia sẻ, khi cho con đi học hè bán trú, chị cũng rất tâm tư. Nhưng để ở nhà thì không yên tâm vì cháu mới 8 tuổi, vợ chồng đi làm, nhà lại không có ai nên chị quyết định cho cháu tham gia lớp bán trú. “Ngoài học kiến thức để chuẩn bị vào lớp 3, cháu còn được tham gia học vẽ, giải trí tại chỗ, được lo ăn uống… Điều tôi quan tâm miễn là con có người quản lý, chơi an toàn”, chị Nga nói.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trước kỳ nghỉ hè, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu Phòng GD&ĐT các quận, huyện tăng cường rà soát, phối hợp kiểm tra các đơn vị hoạt động đào tạo ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trên địa bàn; chủ động đề xuất, tham mưu UBND quận, huyện, Sở GD&ĐT kiểm tra nếu phát hiện đơn vị hoạt động không phép hoặc không đúng chức năng để kịp thời xử lý, giải quyết theo quy định.
Việc các cá nhân tổ chức bán trú tại nhà cũng được các ngành chức năng cảnh báo nhiều rủi ro như: an toàn thực phẩm, tai nạn thương tích… Tuy nhiên, các cơ sở tổ chức bán trú vẫn hoạt động rầm rộ. Mới đây, các ngành chức năng kiểm tra một cơ sở dạy thêm tại phường Hòa An (quận Cẩm Lệ). Thời điểm kiểm tra, lớp đang tổ chức dạy cho 45 trẻ, không có hồ sơ học sinh, độ tuổi học dự thính 5 đến 7 tuổi. Lớp học dự thính này được tổ chức từ ngày 3-6. Trước đây, chủ cơ sở chỉ dạy mỹ thuật cho 10 trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở có tổ chức bán trú (ở lại buổi trưa).
Điều đáng nói, cơ sở có 3 cô giáo giảng dạy thì hai người không có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và cơ sở vật chất không đủ điều kiện. Các ngành chức năng đã yêu cầu chủ cơ sở dừng hoạt động dạy học thêm tự phát, trả hết học sinh.
Với độ tuổi lớn hơn, nhiều phụ huynh thiếu giám sát, buông lỏng quản lý các em trong dịp hè nên sa đà vào truy cập internet, mê game… Một cuộc khảo sát hơn 800 học sinh tại 7 trường THPT trên địa bàn thành phố để thực hiện đề tài khoa học cấp sở cho thấy, gần 94% học sinh truy cập internet hằng ngày, trong đó 85,5% phục vụ việc học tập; 86,1% nghe nhạc, tìm kiếm thông tin chiếm 82,4%, chơi game chiếm 70%, xem phim 77%, nói chuyện, chat với người khác chiếm 83%...
Chị N.T.N. (41 tuổi, quận Hải Châu) có con gái năm nay học lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn quận phải bỏ dở công việc để tìm cách đưa con ra khỏi “thế giới ảo”.
Cả hai vợ chồng chị N. làm lao động phổ thông, không có thời gian dành cho con nên dịp hè này càng là cơ hội cho cô con gái chìm trong thiết bị điện tử. “Lúc nào tôi cũng thấy con cầm điện thoại trên tay, ngay cả trong bữa ăn. Tôi bắt đầu lo lắng, có đêm tôi thức dậy qua phòng, thấy con tắt điện nhưng trùm mền coi điện thoại. Tôi có động viên con sang nhà bạn hoặc rủ bạn về nhà chơi cùng, nhưng con bảo gặp nhau mỗi đứa cũng cầm điện thoại thì thôi ở nhà vẫn “gặp nhau trên mạng”. Lén xem điện thoại của con, tôi phát hiện con có nhiều hội nhóm, những câu chuyện trao đổi không lành mạnh. Tôi rất lo sợ việc ít giao tiếp với mọi người xung quanh sẽ khiến con thu mình lại, sống trong thế giới ảo rồi có những hành vi không đúng mực. Tôi bàn với chồng chỉ đi bán buổi sáng, chiều nghỉ hẳn làm dịch vụ dọn dẹp theo giờ để bên cạnh con giai đoạn này, nhất là năm tới thi chuyển cấp”, chị N. tâm sự.
Trường hợp em N.G.H (học sinh lớp 8, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) có 2 năm chơi game F.F trên điện thoại thông minh. Em và nhiều bạn cùng lớp được ba mẹ cho tiếp xúc với điện thoại thông minh từ sớm và thường lập một nhóm 4-6 người để chơi game này.
G.H cho biết: “Ban đầu, em nghĩ chơi game cho vui vì nhân vật trong game khá sinh động và dễ dàng kết nối với bạn bè. Em không nghĩ là mình “nghiện” game này nhưng rồi sa vào lúc nào không hay, em không bỏ được”.
Theo Công an thành phố, 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố xảy ra 113 vụ/363 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật (357 nam, 6 nữ). So với 6 tháng đầu năm 2023 tăng 25 vụ/84 đối tượng. Trong đó, nguyên nhân quan trọng dẫn đến hành vi tội phạm ngày một trẻ hóa là do thiếu sự quan tâm, buông lỏng quản lý của gia đình. Đặc biệt, nhiều cha mẹ tan vỡ hạnh phúc, ông bà, người thân không chăm lo, dạy dỗ khiến trẻ em mất phương hướng trong cuộc sống, dễ dàng nghe lời rủ rê, xúi giục của bạn bè, người xấu, dẫn đến hệ quả xấu sau này. Đặc biệt, việc “nghiện” game cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội trong giới trẻ. |
LÊ PHẠM - NGỌC QUỐC