Thành phố Đà Nẵng đang được nhiều người dân, du khách, tổ chức... trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng môi trường không khí. Thành phố quyết tâm bảo vệ môi trường không khí và giảm phát thải carbon, hướng đến đô thị sinh thái và chung tay cùng cả nước thực hiện cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Thành phố triển khai chương trình kiểm soát khí thải xe máy để làm giảm ô nhiễm môi trường không khí. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh, thành phố Đà Nẵng không chỉ tập trung phát triển theo định hướng là một trung tâm kinh tế - xã hội lớn, mà còn đặc biệt quan tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Qua nhiều năm thực hiện đề án này, Đà Nẵng đã được các bộ, ngành Trung ương, tổ chức, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều giải thưởng về môi trường và đô thị như Thành phố bền vững về môi trường (ASEAN); Thành phố carbon thấp (APEC); Thành phố xanh quốc gia...
Liên tiếp trong 2 năm gần đây, Đà Nẵng được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp hạng là địa phương dẫn đầu về kết quả thực hiện bộ chỉ số đánh giá công tác bảo vệ môi trường. Từ năm 2008 đến nay, những giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí đã đạt được những thành tựu ban đầu, như theo kết quả quan trắc định kỳ độ ồn tại khu vực dân cư luôn thấp hơn 60 dB(A), đường phố thấp hơn 75 dB(A); diện tích bình quân không gian xanh đô thị đối với mỗi người đạt mục tiêu, năm 2022 là 7,51m2/người, tăng 5,51m2/người so với năm 2015; tỷ lệ cơ sở, khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định đã đạt 57,14%… Trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, thành phố đã đề ra các biện pháp quản lý, bảo đảm chất lượng môi trường không khí.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành quả đạt được, thành phố đang đối diện với những thách thức, khó khăn như chưa có văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách riêng cho công tác quản lý chất lượng môi trường không khí để làm rõ tầm quan trọng, lộ trình, mục tiêu và phương pháp cụ thể; xu hướng gia tăng các loại mô-tô, xe gắn máy cũ, không được bảo dưỡng định kỳ làm tăng lượng khí phát thải lớn, chưa quy định về kiểm soát khí thải mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành; bụi, mùi hôi, tiếng ồn từ các hoạt động sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn chưa được xử lý hiệu quả và dứt điểm...
Ông Đặng Quang Vinh cũng cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để trình UBND thành phố ban hành, nhằm thực hiện đồng bộ và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về quản lý chất lượng môi trường không khí, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Trước mắt, việc nâng cao nhận thức, năng lực, thay đổi hành vi của mỗi người dân, doanh nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm không khí và bảo vệ môi trường không khí là rất cần thiết để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo vệ môi trường, đáp ứng định hướng xây dựng đô thị sinh thái.
Cùng với hoạt động bảo vệ môi trường không khí và làm giảm thiểu ô nhiễm không khí, việc giảm phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O...) có ý nghĩa quan trọng để kiềm chế, làm giảm sự gia tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất, những tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone. Đà Nẵng đang quyết tâm giữ vững danh hiệu “Thành phố carbon thấp” và triển khai các giải pháp giảm phát thải carbon. Trước mắt, việc kiểm kê khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế, xã hội là rất quan trọng, nhất là các hoạt động sản xuất công nghiệp để xác định mức phát thải, mức hấp thụ khí nhà kính, từ đó có kế hoạch và giải pháp kiềm chế hoặc giảm phát thải, tăng hấp thụ...
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Hoàng Văn Bản cho rằng, hoạt động kiểm kê khí nhà kính là rất quan trọng. Các ngành có đối tượng phải giảm phát thải khí nhà kính như công thương, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp... đã và đang xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; đánh giá, kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện việc giảm phát thải.
Thực hiện Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, các doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính (CO2, CH4, N2O...) ở cấp cơ sở trong năm 2024. Sở Khoa học và Công nghệ đã, đang hướng dẫn, tập huấn cho các doanh nghiệp về nhận thức chung, kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 và xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Từ đó, doanh nghiệp có giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ tăng trưởng, bảo đảm năng suất và việc làm bền vững.
HOÀNG HIỆP