Đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường

.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đổi mới phương thức đào tạo theo hướng liên kết với doanh nghiệp, thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường để thu hút học sinh, sinh viên, nâng cao tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Một giờ thực hành của học viên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Ảnh: HƯƠNG SEN
Một giờ thực hành của học viên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Ảnh: HƯƠNG SEN

Đa dạng ngành nghề đào tạo

Ngày 25-11-2019, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Thành phố hiện có 7 trường cao đẳng công lập được chọn gồm: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Thương mại, Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Văn hóa- Nghệ thuật Đà Nẵng và 3 trường cao đẳng tư thục: Trường Cao đẳng Nguyễn Văn Trỗi, Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc và Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này cập nhật những ngành nghề đào tạo mới, trọng điểm, tập trung các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 5 (thuộc Bộ Giao thông vận tải) hiện đang đào tạo trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng nhiều ngành, nghề trọng điểm, thế mạnh như: logistics, kinh doanh thương mại, kế toán doanh nghiệp, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin ứng dụng phần mềm, công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, công nghệ kỹ thuật giao thông,… theo chuẩn cấp độ Asean và quốc tế.

Trường Cao đẳng Thương mại (thuộc Bộ Công Thương) hiện đào tạo trình độ trung cấp 9+ và cao đẳng với nhiều ngành, nghề hấp dẫn. Theo đó, bậc cao đẳng có thời gian học 2,5-3 năm, đào tạo nhiều ngành trọng điểm như: digital marketing, thương mại điện tử, logistics, marketing thương mại, kinh doanh thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu… Sau khi ra trường, sinh viên có thể liên thông lên đại học hoặc chọn đi làm. Trong khi đó, bậc trung cấp 9+ có thời gian học 1-2 năm, đào tạo nhiều ngành như: marketing thương mại, thương mại điện tử, kinh doanh thương mại và dịch vụ, kế toán doanh nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn… Học viên sau khi tốt nghiệp vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có thêm bằng trung cấp nghề để đi làm hoặc liên thông lên cao đẳng, đại học.

Sau khi được đầu tư thành trường chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đào tạo nhiều ngành trọng điểm như: công nghệ ô-tô, cơ điện tử, điện công nghiệp theo chuẩn đào tạo quốc tế; công nghệ hàn, điện tử công nghiệp, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp theo chuẩn đào tạo Asean; hướng dẫn du lịch theo chuẩn đào tạo quốc gia.

Bên cạnh đó, trường cập nhật chương trình đào tạo với nhiều ngành mới như: logistics, marketing thương mại, kế toán doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ… theo nhu cầu của thị trường lao động. Năm 2024, nhà trường được giao tuyển sinh 1.700 chỉ tiêu. Trong khi đó, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang đào tạo trình độ cao đẳng 9 ngành gồm: công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản trị marketing, kế toán, tiếng Anh thương mại, tiếng Anh du lịch, quản trị khách sạn, quản trị du lịch - lữ hành với chỉ tiêu xét tuyển năm 2024 là 660 sinh viên. Theo lãnh đạo nhà trường, đây là những ngành nghề đang có nhu cầu lao động cao.

Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đón tân sinh viên năm học 2024-2025. Ảnh: L.P
Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đón tân sinh viên năm học 2024-2025. Ảnh: L.P

Mở ra cơ hội việc làm

Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng tăng thời gian thực hành để học viên vừa học vừa làm, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm thực tế. Tại Trường Cao đẳng Thương mại, trong chương trình đào tạo có 70% là thực hành tay nghề. Nhà trường liên kết Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng; ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố để triển khai chương trình thực tập sinh, thực tập học việc cho sinh viên.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, phù hợp nhu cầu doanh nghiệp với 60% thời gian thực hành. Bên cạnh đó, nhà trường liên kết, hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước để bảo đảm điều kiện thực tập và cơ hội việc làm cho sinh viên. Trong khi đó, năm 2024, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng thực hiện chương trình đào tạo mới là liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Không chỉ liên kết với doanh nghiệp trong nước để đào tạo nghề, trường còn mở rộng hợp tác với Trường MD College (Úc) để mở ra cơ hội thực tập, làm việc tại Úc và Canada cho sinh viên ngành kỹ thuật chế biến món ăn và công nghệ ô-tô.

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng Hồ Viết Hà, đây được xem là giải pháp đột phá, điểm nhấn mới trong chiến lược phát triển giáo dục của nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, góp phần thực hiện “Đề án phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

61 cơ sở nghề nghiệp
Thành phố hiện có 61 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 26 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Quy mô tuyển sinh của các cơ sở là 47.083 học sinh, sinh viên/năm. Trong đó, trình độ cao đẳng 11.728 sinh viên với 94 ngành, nghề; trình độ trung cấp 8.316 học viên với 87 ngành, nghề; trình độ sơ cấp 27.039 học viên với 147 ngành, nghề. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển mới 10.579 học sinh, sinh viên, đạt 30,23% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng 619 sinh viên, trình độ trung cấp 183 học viên, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 9.777 học viên. Từ nay đến cuối năm, các cơ sở tăng cường tuyển mới 24.421 học sinh, sinh viên, nâng tổng số tuyển sinh năm 2024 lên 35.000 em.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.